Nhà virus học Đức: Hai yếu tố dẫn đến lây nhiễm coronavirus

Tại thời điểm này, trên thế giới có hơn nửa triệu người bị chết do đại dịch toàn cầu SARS-CoV2. Ngày 11 tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra công bố về đại dịch. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin chống coronavirus, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn đại dịch lây nhiễm.
Sputnik

Liệu có thể đánh bại được coronavirus, yếu tố chính nào khiến dịch bệnh lây truyền, “đường hầm khử trùng” hiệu quả đến đâu trong cuộc chiến chống căn bệnh này, liệu số lượng người nhiễm bệnh có tăng lên trong mùa thu tới? Nhà virus học hàng đầu của Đức, giáo sư virus học kiêm nhà nghiên cứu HIV tại khoa Y của trường đại học Bon, giáo sư Hendrik Streeck sẽ trả lời các câu hỏi đó trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Sputnik: Trong cuộc phỏng vấn với Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông nói ông không nghĩ rằng sẽ có một đợt coronavirus thứ hai hoặc thứ ba, mà đại dịch sẽ là một "làn sóng dài liên tục với những đợt lên xuống." Theo ông, sự phát triển như vậy là điển hình chỉ đối với Đức hay ở tầm quốc tế? 

Giáo sư Hendrik Streeck: Tôi thấy điều này ở cấp quốc gia và quốc tế. Tôi muốn nói rằng tôi không mong đợi virus này biến mất. SARS-CoV2 sẽ trở thành một chủng coronavirus mới đặc hữu (liên tục tồn tại). Hiện tại, trên thế giới có bốn chủng coronavirus đặc hữu ở người. Bốn loại virus này gây ra 10-30% ca nhiễm cúm ở các bệnh nhân châu Âu trong những tháng mùa đông vừa qua. Tôi nghĩ SARS-CoV-2 cũng phát triển thành một loại coronavirus đặc hữu. Ở châu Âu, có sự phụ thuộc vào thời tiết - coronavirus bùng phát mạnh hơn trong mùa lạnh và ít gặp hơn trong những tháng ấm ấp. Chúng ta không thể tiêu diệt virus cho đến khi có vắc-xin. Cho đến nay, chúng ta chưa có vắc-xin chống chủng coronavirus gây bệnh ở người, vì vậy phải chấp nhận SARS-CoV-2 trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Sputnik: Các yếu tố chính nào khiến SARS-CoV-2 lây nhiễm và các biện pháp phòng chống phổ biến như khẩu trang hoặc khử trùng có hiệu quả đến đâu?

Giáo sư Hendrik Streeck: Có hai yếu tố đặc trưng cho các virus gây ra các bệnh đường hô hấp và chủng coronavirus gây ra SARS-CoV-2. Đó là sự tiếp xúc và thời gian. Nếu bạn ở gần một người bị nhiễm bệnh và ở lâu bên người đó thì rất có thể bị lây bệnh. Nguy cơ lây nhiễm tăng hơn nữa trong không gian kín, vì nếu không có gió và mặt trời thì các giọt bắn chứa virus có thể lơ lửng lâu hơn trong không khí. Đeo khẩu trang có tác dụng tốt. Theo một số nghiên cứu, khẩu trang có thể giảm nguy cơ mắc nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách, nếu đeo một chiếc khẩu trang trong vài tuần, nếu liên tục chạm tay vào nó, thì khẩu trang cũng là nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm. Điều này có thể gây ra những tác hại khác. Khử trùng đóng vai trò thứ yếu vì SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm trong không khí, không phải là truyền nhiễm qua tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu có người hắt hơi hoặc ho vào tay, rồi dùng tay đó mở cửa, bạn có thể vị lây nhiễm nếu chạm tay vào. Nhưng đó không phải là con đường truyền nhiễm chính. 

Nhà virus học Đức: Hai yếu tố dẫn đến lây nhiễm coronavirus

Sputnik: Có một công ty Nga phát minh ra cái gọi là “đường hầm khử trùng” để khử trùng hoàn toàn người và vật dụng, thiết bị tương tự được lắp đặt tại dinh thự của Tổng thống Putin, ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva. Liệu một thiết bị như vậy có thể chống coronavirus một cách hiệu quả hay không?

Giáo sư Hendrik Streeck: Các ổ dịch chính của SARS-CoV2 nằm trong phế quản và phổi. Do đó, khử trùng bên ngoài có lẽ là ít hiệu quả. Nhưng với các loại virus khác, chẳng hạn như rotavirus, norovirus (là những bệnh truyền nhiễm tiếp xúc có thể tồn tại trên bề mặt trong một thời gian dài) thì khử trùng tốt là rất quan trọng, đặc biệt là khử trùng tốt đôi tay. Đối với coronavirus, đây không phải là điều chính yếu. 

Tiết lộ phương tiện bảo vệ dinh thự của ông Putin trước coronavirus

Sputnik: Cộng đồng toàn cầu đã chuẩn bị đến mức độ nào trong việc đối phó với các đại dịch như SARS-CoV-2?

Giáo sư Hendrik Streeck: Chúng tôi đang học mọi thứ một cách vô cùng cấp bách. Và chúng ta rút ra bài học rằng cần chuẩn bị tốt hơn nhiều cho những đại dịch như vậy. Trong những năm gần đây, WHO nhiều lần tuyên bố cần phải chuẩn bị nhiều tiền của hơn cho các đại dịch tương tự. Tôi hy vọng rằng WHO sẽ ra khỏi tình huống này và trở nên mạnh mẽ hơn, chứ không phải là yếu hơn. Tất nhiên, cần xem xét liệu tổ chức này có nên thay đổi về mặt cấu trúc để hoàn thành sứ mệnh như vậy hay không, nhưng rõ ràng là ngân sách chống đại dịch của WHO ngày nay quá thấp. Đại dịch là hệ thống toàn cầu, không phải là khu vực hay quốc gia, nên chúng ta phải cùng nhau chung sức tham gia với tư cách là cộng đồng toàn cầu.

Sputnik: Ông từng nói rằng ở châu Âu, sự lây lan của các chủng coronavirus từng được biết trước đó phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Điều này cũng đúng với chủng coronavirus hiện tại? Liệu đến mùa thu tỷ lệ mắc bệnh có tăng lên?

Giáo sư Hendrik Streeck: Hiện tại chúng ta chưa thể biết một cách chính xác, nhưng có rất nhiều dữ liệu xác nhận điều này. Có sự phụ thuộc thời tiết đối với các chủng coronavirus khác, ít nhất là ở Đức. Virus gây bệnh hô hấp lây lan nhanh hơn khi trời lạnh và khô, hoặc ở độ ẩm cao. Có thể giả định rằng SARS-CoV-2 cũng sẽ hoạt động theo cách tương tự. Vài tháng trước, ở Úc có rất ít ca nhiễm, nhưng hiện giờ số lượng các ca mắc bệnh đang tăng mạnh. Một trong những lý do gây ra điều này có thể là mùa đông đang bắt đầu ở Úc. 

Loại thời tiết nào thúc đẩy sự lây lan của coronavirus?

Sputnik: Ông đánh giá thế nào về phương pháp kiểm soát đại dịch như đóng cửa toàn cầu – cách ly nghiêm ngặt hạn chế hoạt động xã hội của con người và các tổ chức?

Giáo sư Hendrik Streeck: Tôi cho rằng chúng ta nên bắt đầu sống chung với coronavirus. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hiểu biện pháp nào là hiệu quả nhất. Một số người nói rằng đó là khẩu trang, những người khác ủng hộ việc hạn chế tiếp xúc hoặc cấm các sự kiện đông người. Nhưng hiện tại, chúng ta không biết biện pháp nào hiệu quả nhất. Ban đầu, nhiều biện pháp khác nhau được thực hiện một cách nhanh chóng và đồng thời. Bây giờ điều quan trọng là hiểu được những biện pháp nào ngăn chặn virus tốt nhất. Chỉ khi nào hiểu được điều này, chúng ta sẽ đi đúng hướng về phía trước.

Thảo luận