Việt Nam bước vào cuộc đua công nghệ 5G

Mỗi hộ gia đình có 01 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.
Sputnik

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra sáng 6/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Bộ TT&TT hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới; nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%.

Mỗi người dân có một smartphone

Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất smartphone và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung hợp tác để đảm bảo mỗi người dân sẽ có 01 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 01 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Qualcomm mở Trung tâm R&D đầu tiên tại Việt Nam: Hợp tác với Vinsmart, Bkav, Viettel?

Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, ngay trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh/thành phố.

“Trong tháng 7/2020, Bộ TT&TT sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Cú huých trăm năm Covid-19

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng chính thức thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia tập trung vào 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bkav sắp tung điện thoại 4G С85 dưới 1 triệu đồng, pin cả tuần không cần sạc

Theo đó, đến năm 2025, chính phủ số đạt mục tiêu: 80% dịch vụ công mức 4; 90% hồ sơ điện tử cấp bộ, tỉnh; 60% hồ sơ điện tử cấp xã; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành.

Về kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 20% GDP; lọt top 35 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Về xã hội số, hệ thống cáp quang sẽ đến 100% xã và 80% hộ gia đình; Thanh toán điện tử chiếm 50% giao dịch trong xã hội.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhận thức, quan niệm của con người về phương thức vận động xã hội. Nhu cầu của con người chuyển dần từ đời sống thực sang đời sống trên không gian số. Cuộc chuyển đổi vĩ đại ấy mang tên Chuyển đổi số.

“Đối với Việt Nam, đây là cơ hội và cũng là “cú huých” trăm năm để chuyển đổi số quốc gia. Và ngành TT&TT chịu trách nhiệm mở đường, nhận vai trò tiên phong cho công cuộc chuyển đổi này”, ông Dũng cho hay.

Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, tư lệnh ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”. Từ quyết tâm đó, toàn ngành TT&TT đã chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc “chuyển mình” nhanh chóng.

VinSmart trình làng điện thoại 5G “Make in Viet Nam”

Ngày 6/7, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart công bố phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G. Sự kiện này đưa VinSmart trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G.

Chiến lược “Make in Vietnam”: MobiFone tuyên bố thử nghiệm thành công mạng 5G

Vsmart Aris 5G là thành quả của quá trình hợp tác giữa Qualcomm và VinSmart. Sản phẩm thuộc phân khúc cận cao cấp, với thiết kế khung kim loại nguyên khối, hỗ trợ mạng 5G Sub 6 GHz, tích hợp chip bảo mật lượng tử. Đặc biệt, sản phẩm sử dụng chipset Snapdragon 765 tiên tiến có hiệu năng vượt trội và khả năng hỗ trợ nhiều công nghệ.

Đại diện VinSmart cho biết Vsmart Aris 5G là sản phẩm đầu tiên trên thế giới sử dụng nền tảng thiết kế dạng module, cho phép thiết kế phần cứng linh hoạt, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, hỗ trợ hầu hết các dải tần số sử dụng tại các thị trường trên thế giới. 

Vsmart Aris 5G cũng được giới thiệu là sản phẩm đột phá về công nghệ bảo mật, khi tích hợp chip bảo mật Quantis QRNG sử dụng công nghệ điện toán lượng tử, do VinSmart phối hợp với Công ty IDQ (Thụy Sĩ) phát triển.

"Chip bảo mật Quantis QRNG sử dụng công nghệ điện toán lượng tử để tạo ra những dãy số ngẫu nhiên thật sự, có khả năng bảo mật tốt hơn các giải pháp sử dụng thuật toán tạo ra dãy số giả ngẫu nhiên. Từ đó, nâng cao độ an toàn và tính bảo mật cho dữ liệu trên điện thoại, đặc biệt là dữ liệu ngân hàng, tài chính cá nhân, y tế", đại diện VinSmart cho biết.

Việt Nam thương mại hóa 5G bằng thiết bị của Viettel: Vấn đề kinh tế và chủ quyền
Đánh giá về sản phẩm này, ông Nguyễn Phi Tuyến, Giám đốc trung tâm đo lường, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết cơ quan này đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần Vsmart Aris 5G. Kết quả thử nghiệm cho thấy tốc độ 5G trên điện thoại thông minh Vsmart sử dụng băng tần Sub6 cao gấp gần 8 lần 4G và hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện khi VinSmart ứng dụng băng tần mmWave trong thời gian tới.

"Chúng tôi hy vọng VinSmart sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển và hoàn thiện các sản phẩm 5G khác để tiến tới phổ cập công nghệ này ở Việt Nam. Bởi sự phát triển của công nghệ 5G không chỉ đóng góp nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế mà còn mở ra một kỷ nguyên kết nối trong cách mạng công nghệ”, ông Tuyến nói.

Ông Trần Minh Trung, Phó tổng giám đốc, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart, nhận định 5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số. Tất cả quốc gia đều dùng mạng 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ.

"VinSmart xác định 5G là dự án chiến lược, đồng thời dồn tâm huyết để phát triển các dòng sản phẩm công nghệ với hàm lượng chất xám cao. Chúng tôi không chỉ tự nghiên cứu, sản xuất cả phần cứng và phần mềm mà sẽ tạo ra một hệ sinh thái 5G make in Viet Nam” lãnh đạo VinSmart nói.

Được biết, trong thời gian tới, VinSmart sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện những sản phẩm 5G thế hệ tiếp theo. Điện thoại 5G thương hiệu Vsmart sẽ có khả năng hỗ trợ cả 2 công nghệ 5G hiện nay là Sub6 và mmWave.

Thảo luận