Dịch bạch hầu nguy hiểm: Thủ tướng Việt Nam có công điện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu (corynebacterium diphtheria) sau khi Việt Nam ghi nhận ba trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu ác tính.
Sputnik

Điều đáng nói là trong số hơn 63 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu được ghi nhận tại khu vực Tây Nguyên (Đắk Nông 25 ca, KonTum 22 ca, Gia Lai 15 ca, Đắc Lắk 1 ca) và một quân nhân ở TP.HCM đều gồm nhiều đối tượng ở các độ tuổi khác nhau và tỷ lệ tử vong gây lo ngại.

Bệnh nguy hiểm

Công điện nêu rõ, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vaccine và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Hiện nay, bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Việt Nam có thêm ca tử vong vì bạch hầu: Vì sao đã tiêm vắc-xin vẫn mắc bệnh?
Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong. Phần lớn trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vaccine bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. UBND các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Gia Lai phát hiện thêm 9 ca dương tính với bạch hầu
UBND các tỉnh, thành phố xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của từng địa phương, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh.

Сung cấp thông tin đầy đủ cho người dân

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân tích cực, chủ động thực hiện; khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ nhằm bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.

Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.

Thảo luận