Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.
Hiện tượng kỳ lạ
Vào tháng Năm, một bé gái 11 tuổi đã được đưa vào bệnh viện ở New Delhi. Theo mẹ của bé gái, những giọt nước mắt đẫm máu xảy ra hàng ngày trong thời gian một tuần lễ. Đáng chú ý là bé gái không có biểu hiện đau đớn hay gặp vấn đề về cảm xúc. Trong khi đó, những vệt máu đỏ đột nhiên chảy xuống má của trẻ trong vài phút, hai đến ba lần mỗi ngày.
Các bác sĩ nhãn khoa của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ đã thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân, nhưng kết quả thực sự vẫn chưa có.
Bé gái không có tiền sử chấn thương hoặc bệnh tật. Các tuyến lệ của cô bé dường như còn nguyên vẹn. Ngoài máu, chất lỏng được phát ra từ ống dẫn nước mắt của cô bé không có gì khác thường. Giả định rằng, hiện tượng này có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bằng cách nào đó cũng là vô căn cứ, bởi vì bé gái chưa có kinh nguyệt lần nào.
Bệnh nhân trẻ tuổi đã trải qua hai ngày trong bệnh viện và vẫn tiếp tục khóc ra máu. Kết quả là, các bác sĩ chẩn đoán được hội chứng "Haemolacria vô căn" - nghĩa là Haemolacria không rõ nguồn gốc.
Bé gái đã xuất viện, các bác sĩ đã tìm cách để an ủi người mẹ: những giọt nước mắt đẫm máu sẽ biến mất đột ngột giống như khi chúng xuất hiện. Ít nhiều, trong các trường hợp được mô tả trong các tài liệu y học, điều này thường xảy ra như vậy.
Các hormone chịu trách nhiệm chính
Các bác sĩ thường giải thích những giọt nước mắt đẫm máu ở những cô gái vị thành niên là do quá trình hình thành chu kỳ kinh nguyệt. Một tác phẩm khoa học về lịch sử nghiên cứu Haemolacria được công bố vào năm 2011 chỉ ra điều đó. Bác sĩ Hy Lạp cổ đại Aëtius xứ Amida cũng có cách giải thích tương tự về hiện tượng này, sau đó các bác sĩ thời Trung cổ Antonio Musa Brassavola, người Ý, và Rembert Dodoens, người Hà Lan, cũng viết về nguyên nhân này của hội chứng Haemolacria.
Năm ngoái, một nghiên cứu y khoa đã mô tả một trường hợp Haemolacria vô căn là một cô gái 17 tuổi nhập viện tại Bangladesh. Trong vòng hai tuần, máu đã tiết ra từ mắt và nướu. Hơn nữa, hiện tượng này được đi kèm với co giật của toàn bộ cơ thể và thở nhanh.
Mối liên quan giữa sự mất cân bằng nội tiết tố với bệnh Haemolacria đã được phát hiện trong cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 1991 trên 125 tình nguyện viên. Kết quả là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết máu trong nước mắt ở 39% phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, ở 7% phụ nữ mang thai và 8% nam giới. Không có phụ nữ nào trong thời kỳ mãn kinh có tế bào máu trong nước mắt.
Các nhà khoa học đã rút ra kết luận: hormone đóng vai trò chính dẫn đến tình trạng Haemolacria ở phụ nữ. Với đàn ông tình hình là phức tạp hơn.
Đàn ông cũng khóc
Hai năm trước, một người đàn ông 52 tuổi sống ở Ý mắc căn bệnh kỳ lạ khóc ra máu. Nước mắt đẫm máu xuất hiện đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng - không có chấn thương hoặc đau đớn. Bệnh nhân không trải nghiệm bất cứ điều gì như thế này trước đây.
Các bác sĩ đã phát hiện một khối u phát triển bất thường dưới mí mắt cũng như các khối u lạ không phải ung thư ở cả hai mắt có tên gọi là u tế bào nội mô mạch máu, vốn là những phần phát triển dư của tế bào mạch máu.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt thường được dùng để điều trị chứng tăng nhãn áp và có công dụng giảm áp lực bên trong mắt. Sau khi được điều trị bằng thuốc nhỏ, tình trạng khóc ra máu đã không còn xuất hiện. Có thể nói rằng, người đàn ông đã may mắn - chẩn đoán đã được thực hiện, và thuốc đã mang lại hiệu quả.
Nhưng, trong các trường hợp với anh Michael Spann từ tiểu bang Tennessee của Hoa Kỳ, cô Erica từ Texas và bà Marnie Harvey, người Anh, hiện tượng khóc ra máu đã kéo dài nhiều năm và các bác sĩ không thể giúp gì cho họ. Các bác sĩ đã đưa ra những chẩn đoán khác nhau: bệnh máu khó đông, bệnh mạch máu, hội chứng Osler-Weber-Rendu, chấn thương, khối u mắt, bệnh hệ thống lệ đạo, rối loạn đông máu, tác dụng phụ của thuốc. Nhưng, xét nghiệm không xác định được các căn bệnh này.
Haemolacria không phải là hội chứng duy nhất gây ra hiện tượng “khóc ra máu”. Với hematidrosis - một tình trạng mà trong đó mao mạch máu nuôi các tuyến mồ hôi bị vỡ, làm cho chúng chảy máu, máu xuất hiện cùng với mồ hôi giống như chất lỏng và máu tiết ra từ các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả móng tay và mắt.
Không giống như Haemolacria, tình trạng này không phải là tạm thời, bệnh nhân phải chung sống với bệnh suốt cuộc đời, các triệu chứng xuất hiện trong điều kiện căng thẳng về thể chất hoặc tình cảm cực đoan. Vì thế, “mồ hôi đẫm máu” là cái tồn tại thực sự mà không chỉ là một thành ngữ.