Giải ngân 72% tổng vốn đầu tư công
Ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đây cũng là cuộc kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo với Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, đến nay tỉnh đã giải ngân 72% trong tổng số vốn được giao trên 3.000 tỷ đồng. Ninh Bình đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục và tập trung giải phóng mặt bằng là hai khâu trọng tâm trong lĩnh vực này. Kinh nghiệm rút ra từ Ninh Bình là tăng cường mật độ các cuộc họp của HĐND để giải quyết các thủ tục, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với khâu giải phóng mặt bằng – vướng mắc thường xuyên nhất trong giải ngân vốn đầu tư công, Ninh Bình chủ động khắc phục khó khăn trong thủ tục liên quan đến quản lý đất đai để đảm bảo đủ điều kiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề cao vai trò của lãnh đạo huyện – Trưởng ban giải phóng mặt bằng trên địa bàn để đôn đốc, giao trách nhiệm thực hiện dưới sự hỗ trợ của tỉnh. Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đo, nếu có thêm nguồn được điều chuyển về, tỉnh cũng sẽ bố trí sử dụng và giải ngân hiệu quả.
Về vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, cách làm của Ninh Bình là chủ động, khoa học và đúng pháp luật, đặc biệt là việc tăng cường các phiên họp HĐND trong khi nhiều địa phương khác 6 tháng HĐND mới họp 1 lần, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động trong giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm với lãnh đạo cấp huyện, thành phố, giúp công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn.
“Đây là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương, bởi giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công hiện nay bị chậm. Địa phương nào không thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn vốn sẽ được điều chuyển sang địa phương khác”, - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ninh Bình phát triển có tính chất nền tảng
Nhận định tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng Ninh Bình đạt kết quả tốt, có tính chất nền tảng để bước vào một giai đoạn mới. Tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội; trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, trường đạt chuẩn quốc gia.
Kinh tế phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng bình quân hơn 8%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn vừa qua. Công nghiệp có nhiều bước tiến với những mũi nhọn chủ lực, tạo ra tăng trưởng lớn, nhất là lĩnh vực công nghiệp ô tô, không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp ô tô Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về thành tích trong xây dựng nông thôn mới của Ninh Bình.
Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Thủ tướng cũng đánh giá, dịch vụ của Ninh Bình phát triển khá, trong đó, năm 2019, ngành du lịch đón trên 8 triệu lượt khách, qua đó mang lại nguồn thu, việc làm và thu nhập cho người dân. Các lĩnh vực khác như cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển dịch vụ công trực tuyến; an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Riêng tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức trong phát triển đối với Ninh Bình, như thu nhập bình quân mới đạt 65 triệu đồng/năm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Doanh thu du lịch chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa đạo sự đột phá phát triển ngành du lịch của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có tiến bộ nhưng không có sự bứt phát mạnh mẽ. Phát triển doanh nghiệp của địa phương chưa đạt yêu cầu, mới đạt 8.000 doanh nghiệp trong khi mục tiêu là 10.000. Trong phát triển còn xảy ra một số vụ việc về ô nhiễm môi trường.