Thực chất xung đột là gì?
Ở Trung Quốc những người theo Công giáo - tín đồ của Giáo hội Công giáo La Mã - xuất hiện từ thế kỷ 13. Đến thế kỷ 20, trong số các chính trị gia cấp cao nhất của đất nước có cả những người Công giáo Trung Quốc – điển hình như các nhà lãnh đạo Quốc dân đảng Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch. Giống như các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới, họ công nhận vâng phục Giáo hoàng, nhân vật cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã, chính là người đã bổ nhiệm các Tổng Giám mục và Giám mục phụng vụ tại Trung Quốc cho đến năm 1949.
Sau khi nước CHND Trung Hoa tuyên bố độc lập và những người Cộng sản lên nắm quyền, quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican trở nên xấu đi. Năm 1951, chính quyền mới đã cấm ngặt mọi tín đồ ở đất nước này không được có bất kỳ liên hệ tiếp xúc nào với Vatican. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết lập được quyền khống chế thế giới quan của cư dân Trung Quốc, cũng chấm dứt luôn sự tồn tại độc lập trước đây của người Công giáo Trung Quốc trước nhà cầm quyền thế tục. Dù đã thành lập Liên minh Giáo hội Công giáo yêu nước toàn Trung Quốc nhưng do đảng Cộng sản kiểm soát. Trong khuôn khổ của tổ chức này, cũng có tất cả các hạng bậc của hệ thống phân cấp nhà thờ. Tuy nhiên, phần lớn tín đồ Công giáo (8-10 triệu trong tổng số 12 -14 triệu người) ở Trung Quốc không thực sự tuân phục chính quyền Bắc Kinh và vẫn ngấm ngầm tiến hành các nghi thức tôn giáo trong vòng bí mật.
Sau cuộc Cách mạng năm 1949, đại diện của Giáo hoàng La Mã không thừa nhận quyền bính của những người Cộng sản, và mở đại sứ quán của Vatican ở Đài Loan. Cho đến hôm nay, Tòa Thánh Vatican là Nhà nước châu Âu duy nhất có quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan. Không giống như chính quyền ở đại lục, nhà chức trách trên hòn đảo này không can thiệp vào cuộc sống tinh thần của tín đồ Công giáo Đài Loan (chỉ có khoảng 200.000 người trên đảo) và tiếp nhận mọi quyết định của Giáo hoàng La Mã liên quan đến các con chiên.
Lập trường đang xích gần?
Như vậy, giữa Bắc Kinh và Vatican hiện hữu hai ngáng trở không cho phép các bên bình thường hóa quan hệ: Vatican thừa nhận ai là đại diện duy nhất của nhân dân Trung Quốc - Bắc Kinh hay Đài Bắc, và ai là người mà các tín đồ Công giáo Trung Quốc phải tuân phục - Chủ tịch CHND Trung Hoa hay là Đức Giáo hoàng? Trong khi đang tích cực mở đường và xây đắp quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, Bắc Kinh muốn có vị thế vững chắc cả ở những quốc gia mà cư dân theo Công giáo chiếm ưu thế. Nhưng đồng thời, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn vẫn không muốn mất đi quyền lực cai quản đối với bộ phận dân chúng đáng kể trong nước, những người vẫn vững lòng giữ đức tin vào Chúa Kitô.
Hai năm trước, có một thỏa thuận đạt được giữa Bắc Kinh và Vatican, mà các chi tiết không được tiết lộ. Nhưng, dựa trên các sự kiện xảy ra sau đó, có thể giả định rằng các bên đã đồng ý với «thuật toán hành động» sau đây, liên quan đến những bổ nhiệm chức sắc mới trong ban lãnh đạo cộng đồng Công giáo Trung Quốc, theo thỏa thuận chung đôi bên cùng chấp nhận. Nhưng nhiều chuyên gia nêu ý kiến rằng tiếng nói quyết định cuối cùng thuộc về Giáo hoàng La Mã, người có thể từ chối phê chuẩn ứng viên cho chức phẩm Giám mục là những nhân vật mà Chính phủ Trung Quốc giới thiệu. Tuy nhiên, sau thành tựu thỏa thuận vào năm 2018, Giáo hoàng đã chấp thuận bổ nhiệm 8 vị Giám mục Trung Quốc.
Bây giờ có câu hỏi về việc kéo dài thỏa thuận năm 2018. Nếu giữa các bên tiếp tục duy trì được sự hiểu biết lẫn nhau, thì vấn đề Đài Loan sẽ không còn là vấn đề nữa. Bây giờ vị đại diện của Giáo hoàng tại Đài Bắc không tương ứng với cấp bậc đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Ông có thể vẫn ở lại vị trí cũ nếu Vatican bổ nhiệm đại sứ của Toà Thánh tại Bắc Kinh. Và khi đó tất cả các tín đồ Công giáo Trung Quốc, ở đại lục hay trên đảo Đài Loan, đều sẽ nhận sự giáo dưỡng tinh thần từ cùng một nguồn là Giáo hoàng La Mã.
Tuy nhiên, liệu rằng ban lãnh đạo của CHND Trung Hoa có đồng ý với hướng này chăng? Bởi việc để cho «người lạ» thâm nhập thế giới tâm linh và tinh thần của đồng bào trong nước rõ ràng không nằm trong quy tắc của những người Cộng sản.
Do đó, đến giờ các tín đồ Công giáo Trung Quốc vẫn chưa được biết ai là cha chủ chăn của họ - Giáo hoàng La Mã hay là… Chủ tịch Tập Cận Bình.