Giáo sư cho biết trong quá trình nghiên cứu, virus được đưa vào trong các giọt nước với nồng độ thấp, cao và rất cao, sau đó cho tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở bước sóng ngắn - tia cực tím C (UV-C) ở những liều lượng khác nhau.
“Kết quả cho thấy rằng tác động bức xạ của tia cực tím, ngay cả với liều lượng nhỏ, thời gian chỉ trong vài giây theo nghĩa đen, cũng khiến virus bị vô hiệu hóa”, - ông Clerici chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Nhà khoa học nhắc lại rằng UV-C bị hấp thụ hoàn toàn khi ánh sáng mặt trời xuyên qua bầu khí quyển trái đất. Do đó, các nhà miễn dịch học Milano đã tiến hành thí nghiệm tiếp theo với tia bức xạ cực tím sóng dài (UV-A) và sóng trung bình (UV-B), nghĩa là chỉ với một phần bức xạ mặt trời chiếu tới bề mặt Trái đất.
Các nhà khoa học cho biết, kết quả là như nhau: liều tối thiểu của bức xạ mặt trời chỉ trong vài giây đã phá hủy gần như 100% coronavirus trong các giọt nước.
Ánh nắng mặt trời có thể giết chết coronavirus?
Theo ông, điều này có nghĩa là các tia nắng mặt trời xâm nhập vào bầu khí quyển trái đất vào mùa hè có thể tiêu diệt gần như hoàn toàn virus có trong nước bọt bắn ra khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc nói chuyện.
Giáo sư nói thêm rằng điều này giải thích sự suy giảm hiện tại về tỷ lệ mắc COVID-19 ở châu Âu và hầu hết các quốc gia nằm ở Bắc bán cầu. Trong khi đó ở Nam bán cầu, nơi bây giờ là mùa đông và bức xạ mặt trời tác động yếu hơn, hiện đang trong giai đoạn đỉnh dịch thật sự.
Theo giáo sư Clerici, các chuyên gia của Viện Vật lý thiên văn quốc gia Ý đã thực hiện một phân tích tương ứng từ ngày 15 tháng 1 đến cuối tháng 5 năm nay, kết quả xác nhận rằng khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống bề mặt Trái đất càng nhiều, mức độ bức xạ UV càng cao, thì càng ít trường hợp nhiễm coronavirus được ghi nhận hơn.