Thủ tướng nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công hay bằng vốn ODA. Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý TP.HCM không vì để xảy ra một số sai phạm mà chùn bước trong phát triển.
Thủ tướng: Không để xảy ra lãng phí vốn Nhà nước
Tham dự phiên làm việc cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo TP.HCM.
Tại sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ đã nghe lãnh đạo Thành phố báo cáo về việc thực hiện các dự án đầu tư công, các dòng vốn đầu tư khác, trong đó có một số dự án trọng điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo Thành phố “đã tập trung nhiều công sức để xây dựng thể chế, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo”.
Thủ tướng cũng lưu ý thành phố tiếp tục tập trung làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh đó là xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch đầu tư trung hạn, lộ trình số hóa, chuyển đổi số đối với một thành phố có tầm quan trọng đặc biệt của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho hay, do vai trò, đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh rất quan trọng đối với kinh tế đất nước nên Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với Thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, những năm trước, TP.HCM luôn tăng trưởng mạnh mẽ, cao gấp 1,3-1,5 lần mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, Thành phố chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Mức tăng trưởng thấp này ảnh hưởng đến cả nước bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của Thành phố cao hơn 1,3-1,5 lần cả nước.
Đồng thời, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua vẫn còn nhiều dự án, chương trình triển khai chậm tiến độ, trong đó có cả lý do liên quan đến cơ chế, chính sách.
Vậy nên, tại cuộc làm việc, Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành “với tinh thần trách nhiệm cao nhất” sẽ cùng Thành phố tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được.
Lưu ý bối cảnh thời gian từ nay đến hết năm 2020 còn rất ngắn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không được để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư.
“Không để thất thoát tài sản Nhà nước, không để tham ô, tham nhũng xảy ra và mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP.HCM triển khai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công, theo Thủ tướng, là để làm sao TP.HCM vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng Thành phố xử lý các vấn đề đặt ra đối với đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư ODA.
Thủ tướng đồng thời cũng hoan nghênh TP.HCM đã chủ động có những biện pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như tổ chức giao ban thường xuyên, đánh giá tiến độ khen thưởng, kiểm tra các hạng mục công việc được giao.
Thủ tướng đề nghị TP.HCM tiếp tục đẩy đầu tư tư nhân, thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đặt yêu cầu không được để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra, bên cạnh đó là phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tránh nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất, cung ứng…
“Đây là vấn đề rất có ý nghĩa đối với một địa phương có tỷ lệ đóng góp GDP của cả nước lớn như Thành phố Hồ Chí Minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề kích cầu tiêu dụng từ nay đến hết năm, lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, TP.HCM là trung tâm tiêu dùng lớn nhất cả nước, là nguồn kích cầu thị trưởng cả nước.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển mảng kinh tế dịch vụ như: Bất động sản cả ngắn hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp bởi nhu cầu có nhà ở của người dân còn rất lớn; ngoài ra là chứng khoán, ngân hàng, du lịch vì lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Qua đó, giải quyết việc làm, phát triển đô thị thúc đẩy tăng trưởng chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP.HCM thúc đẩy rõ nét hơn việc phát triển kinh tế ban đêm bởi theo tính toán cứ 4 tiếng đồng hồ kinh tế ban đêm đóng góp từ 5 – 8% GDP của Thành phố và đây cũng là thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chú trọng hơn nữa kinh tế số, thương mại điện tử (chiếm 2% GDP của thành phố).
Về vấn đề đầu tư công và đầu tư tư nhân, Thủ tướng lưu ý Thành phố tăng hạn mức tín dụng GDP, chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ những điểm khó, vướng mắc hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự giải quyết những vấn đề vướng mắc, không vì để xảy ra một số sai phạm mà chùn bước trong phát triển.
TP.HCM quyết tâm phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tóm tắt kết quả phân bổ giải ngân đầu tư công cũng như những khó khăn vướng mắc.
Theo đó, năm 2020, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố là 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 7.751 tỷ đồng.
Đến ngày 15/7/2020, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỉ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10/2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%.
TP.HCM lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp dự án cụ thể, thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc.
Đồng thời, định kỳ trước ngày 5 hàng tháng thông báo cho từng cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, định kỳ 2 tuần/lần báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân kế hoạch đầu công trong năm.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND TP.HCM sẽ đôn đốc các sở ngành, quận huyện và chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công.
“Cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư sẽ không được xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm nếu tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2020 đạt dưới 90%”, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.
“Mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, thành phố cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay.
Một số vướng mắc còn tồn tại đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong đó có Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành-Suối Tiên, dự án Xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2, đoạn Bến Thành-Tham Lương.
Thành phố cũng báo cáo về những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ đối với một số dự án thực hiện theo phương thức đối tác công-tư, một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo Thành phố cũng đưa ra nhiều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đế đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố thời kỳ sau dịch Covid-19.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng mắc nhiều công trình giao thông trọng điểm
Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay các tuyến đường vành đai quan trọng ở thành phố vẫn chưa được khép kín.
Cụ thể như đường vành đai 2 mới chỉ khép kín 50,2km/64,1km, vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3km/89,3km và vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết trước đó đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tập trung đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư sớm hoàn thành tuyến vành đai 3 trong giai đoạn 2020 - 2025.
Đối với đoạn 1 - dự án thành phần 1A, đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Đối với đoạn 1 - dự án thành phần 1B được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT sớm đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, sớm triển khai khởi công dự án.
Đối với các đoạn còn lại, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Còn với đường vành đai 4, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.
Ngoài các dự án trên, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc cho hai dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 1 Bến Thành - Tham Lương.
Cùng ngày, nhân dịp 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, sinh năm 1927, trú tại phường Phạm Ngũ Lão, ông Trần Văn Đủ, sinh năm 1950, thương binh hạng 1/4 trú tại phường Nguyễn Cư Trinh, bà Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1957, vợ liệt sĩ ở phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.