Một phần tư thế kỷ bang giao Việt-Mỹ: Từ cựu thù tới đối tác toàn diện. Và tiếp theo?

Tháng 7 năm 2020 có dấu mốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian ¼ thế kỷ đó, hai nước đã trải qua hành trình đi lên không ngừng.
Sputnik

Năm 2013, quan hệ giữa hai nước nhận quy chế hợp tác toàn diện, còn tương hỗ thương mại hai chiều đã tăng thêm 168 lần - từ 450 triệu USD năm 1994 lên 75,7 tỷ USD vào năm 2020.

Các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều kêu gọi gác lại quá khứ, gấp lại trang lịch sử nặng nề nhất, trong đó Mỹ là kẻ thù của Việt Nam, và tăng cường hợp tác. Nhiều chuyên gia nêu giả thiết rằng hiện đang có tất cả những điều kiện tiên quyết để bang giao Việt-Mỹ chuyển sang cấp độ mới là quan hệ đối tác chiến lược, nhưng cũng có một số người cho rằng, tương tác Viêt-Mỹ trên thực tế đã có tính chất chiến lược rồi.

Việt Nam và Hoa Kỳ: Các cựu thù liệu có nâng tầm đối tác trong năm nay?
«Cả hai bên đều xuất phát từ nhận thức là hiện tại vẫn chưa đến thời điểm nâng quan hệ đối tác lên mức độ toàn diện, như quan hệ đang kết nối Việt Nam với Trung Quốc và với Nga. Cả từ phía Hoa Kỳ và phía CHXHCN Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít nhiều trở ngại cho quy chế đó. Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn không công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, điều này ngăn cản Việt Nam nhận ưu đãi và lợi thế. Chỉ cách đây chưa lâu Hoa Kỳ mới dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc cung cấp vũ khí sát thương, nhưng không có khoản mua lớn nào từ phía Việt Nam, vì vũ khí của Mỹ rất đắt, cũng như yêu cầu tiềm ẩn là phải đào tạo lại quân đội Việt Nam từ sử dụng vũ khí Nga sang dùng vũ khí Mỹ. Nhưng điều chính yếu là Hà Nội không muốn công nhận Bắc Kinh là kẻ thù của mình, như Bắc Kinh đang là kẻ thù với Washington. Trung Quốc là đối tác thương mại chiến lược và chủ chốt của Việt Nam, giữa hai nước này có rất nhiều liên hệ ràng buộc. Người Việt Nam muốn có quan hệ bình thường, làm láng giềng thân thiện với Trung Quốc, và theo tôi, Hà Nội sẽ không đi tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trong tương lai gần», - đó là quan điểm của chuyên gia Grigory Lokshin, nghiên cứu viên hàng đầu từ Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga).  

Trong vấn đề nan giải như tình hình ở Biển Đông, lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam trùng khớp. Washington coi Hà Nội là đồng minh của mình trong cuộc phản kháng tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Nhưng chính quyền Việt Nam hiểu rằng cuộc xung đột vũ trang với cường quốc hạt nhân ở liền kề sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc, còn Hoa Kỳ sẽ không liều mình quyết đấu vì Việt Nam. Như ngạn ngữ Việt Nam có câu chí lý trong hoàn cảnh này:

«Nước xa không cứu được lửa gần», - chuyên gia Grigory Lokshin nhắc nhở. 

Chính quyền Việt Nam tích luỹ nhiều kinh nghiệm phong phú về cân bằng chính trị và thu xếp dàn hoà quan hệ giữa các cường quốc, chắc hẳn sẽ tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm này. Hơn thế nữa, sự gia tăng tâm thế bài Trung trong xã hội Việt Nam và cộng đồng người Việt ở các nước khác nhau trên thế giới lại đang là một thách thức đối với chính sách của Đảng Cộng sản cầm quyền và chế độ độc đảng ở Việt Nam, càng đòi hỏi sự khôn ngoan và linh hoạt đặc biệt của ban lãnh đạo đất nước trong quá trình thông qua quyết định, ông Grigory Lokshin nói.  

Hoa Kỳ hủy những ưu đãi giành cho Trung Quốc, Việt Nam và các nước đang phát triển khác

Triển vọng phát triển quan hệ Việt-Mỹ phụ thuộc vào hai sự kiện quan trọng sẽ diễn ra vào cuối năm này và đầu năm tới ở cả hai nước: cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ và Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về phần Washington thì chính sách quan hệ với Trung Quốc hẳn là vẫn như trước, bất kể kết quả bầu cử sẽ ra sao, chuyên gia Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tổ hợp về châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế Cấp cao Matxcơva nhận xét.

«Vai trò của Hoa Kỳ như là một thủ lĩnh thế giới đang suy giảm. Nhưng họ chưa sẵn sàng chấp nhận vị trí chỉ là một trong những trung tâm quyền lực của thế giới đa cực và phải cùng với tất cả các nước khác khi giải quyết vấn đề chung của thế giới này, bởi viễn cảnh như vậy mâu thuẫn với lịch sử và ý thức hệ của người Mỹ. Đối với Washington, phá hủy trật tự thế giới đơn cực của Mỹ tương tự như sự sụp đổ của Đế quốc La Mã và quan hệ quốc tế chìm đắm trong tân Kỷ nguyên Bóng tối. Do đó, chính sách duy nhất mà bất kỳ ê-kip lãnh đạo nào ở Washington theo đuổi trong quan hệ với các nước không chịu thừa nhận và thách thức vị trí thủ lĩnh của Mỹ, vẫn là là chính sách kiềm chế và đối đầu. Kiềm chế Trung Quốc và Nga là điều duy nhất hiện nay liên kết đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của nước Mỹ». 

Và chính vì như vậy, cho nên ý nghĩa của việc Mỹ ủng hộ Việt Nam như là nhận lấy vai trò chỗ dựa để đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chỉ có thể tăng thêm. Trong bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, làm gia tăng đối đầu địa chính trị trong khu vực. Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai các thiết bị quân sự tấn công trên những hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc không từ bỏ ý định bành trướng và do đó, tất cả những thành viên tham gia cuộc đấu địa chính trị ở khu vực Biển Đông sẽ phải nâng cao mức «đặt cược», GS-TSKH Vladimir Kolotov từ ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg nói với Sputnik. 

«Giờ đây, Hoa Kỳ bắt đầu đóng vai trò tích cực hơn trong trò chơi địa chính trị này. Bản thân họ không muốn giao chiến với một cường quốc hạt nhân, vì vậy họ sử dụng chiến thuật ưa thích cố hữu: kích nóng các xung đột cục bộ và dùng tay người khác vơ vét tài nguyên từ đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc đang có nhiều xung đột với các dân tộc thiểu số trong nội bộ và tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết được với các nước khác. Trong chính sách này Việt Nam có vai trò quan trọng và hiện tại quan hệ giữa Washington và Hà Nội đang phát triển ở đỉnh cao. В Địa bàn Mỹ đã trở thành thị trường hàng đầu cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam, yếu tố đưa Hoa Kỳ lên cấp độ đối tác chiến lược. Thặng dư lớn trong thương mại với Hoa Kỳ giúp cân bằng thâm hụt trong thương mại với Trung Quốc và cho phép bình ổn kim ngạch ngoại thương. Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ có Hoa Kỳ cứng rắn phản đối chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông, thái độ này được đánh giá cao tại Việt Nam. Nói tóm lại, các vectơ địa chính trị và kinh tế ở Hoa Kỳ và Việt Nam là trùng hợp và như vậy tạo điều kiện cho việc thực sự đưa quan hệ chuyển lên cấp độ đối tác mới. Mà theo quan điểm của tôi thì trên thực tế, quan hệ đó ngay từ bây giờ đã mang tính chiến lược rồi», - chuyên gia Kolotov nhận định. 
Từ kẻ thù thành bạn: Tương lai nào cho quan hệ Việt-Mỹ?

Nhưng trong quan hệ đối tác này vẫn hiện hữu không ít những «tảng đá ngầm», GS Kolotov nói tiếp. Washington vẫn phản đối Hà Nội trong chuyện nhân quyền và không rất không ưa hệ thống độc đảng ở Việt Nam. Trong tình huống phức tạp ở Biển Đông, Hoa Kỳ theo đuổi mục đích riêng. Họ sẵn sàng tập hợp khối chống Trung Quốc gồm các nước có quyền lợi ở Biển Đông đang bị Trung Quốc xâm phạm để gây áp lực với Bắc Kinh và tạo ra một số điểm nóng có thể điều khiển để làm suy yếu thế lực của Trung Quốc. Nhưng nếu nói Washington nghiêm túc quan tâm đến quyền con người hoặc việc tuân thủ luật pháp quốc tế, sẽ là chuyện vô lý. Hoa Kỳ đã dày xéo lên luật pháp quốc tế ở Nam Tư, Syria, Libya, không phê chuẩn Công ước 1982 về Luật biển mà họ ra sức viện dẫn, và còn nhiều ví dụ khác về điều này. 

Cuộc đối đầu ở Biển Đông sẽ mang đến hệ quả tàn phá đối với khu vực. Ở đây Trung Quốc đang theo đuổi chính sách phản xây dựng, vi phạm luật pháp quốc tế và buộc các nước Đông Nam Á phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ, còn Washington lợi dụng tình huống này một cách thành thạo để gia tăng ảnh hưởng của mình với các tiến trình diễn ra trong khu vực. Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề của họ theo con đường hoà bình và làm sao để, như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói, «không một ai cảm thấy bị lừa dối». Và tiếng nói uy tín của Việt Nam ở đây hẳn là rất có trọng lượng. 

Thảo luận