Mới đây, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã khởi tố và bắt giam Phạm Thị Hương (38 tuổi, ngụ xã Mã Thành, huyện Yên Thành) để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (đi châu Âu) với giá “cắt cổ”.
Nghệ An phá đường dây đưa người đi lao động ở châu Âu với giá 1 tỷ
Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của người dân, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam một người phụ nữ có hành vi tổ chức đưa người trái phép sang các nước châu Âu làm việc với giá hơn 1 tỉ đồng mỗi người.
Cụ thể, ngày 23/7, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thông tin cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị lao độngHương (38 tuổi, ngụ xã Mã Thành, huyện Yên Thành) để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Toàn bộ hồ sơ vụ án và bị can đã được chuyển cho Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục mở rộng điều tra.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, 4 người dân ngụ ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Yên Thành về việc đối tượng Phạm Thị Hương tổ chức đưa họ ra nước ngoài làm việc nhưng không đúng như cam kết.
Theo đơn tố cáo, mỗi người đã chi ra số tiền khoảng 45.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) để được Hương hứa hẹn đưa sang nước ngoài làm việc, với thu nhập ổn định từ 4.000 - 5.000 USD/tháng cho công việc làm công nhân hoặc nông dân thu hoạch mùa màng. Thủ tục và giấy tờ sẽ có người lo, sau khi sang nước ngoài sẽ có người sắp xếp.
Tuy vậy, số lao động này đã có thời gian sống chui lủi, trốn tránh ở xứ người để rồi sau đó bị trục xuất về nước do không có giấy tờ hợp pháp.
Tiến hành khám xét nơi ở của Hương, cơ quan chức năng thu được nhiều tài liệu, cùng với 200 chứng từ giao dịch chuyển tiền các loại.
Bị can bước đầu khai nhận đã móc nối với đường dây để tổ chức cho 21 người đi các nước ở châu Âu và Mỹ bằng hình thức đi du lịch, sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Sự viện diễn ra từ khoảng tháng 5/2019 đến tháng 3/2020.
Nếu người lao động đồng ý, Hương sẽ thu khoảng 45.000 USD/người, được đóng nhiều lần.
Nhắm lấy lòng tin của những người chấp nhận sang nước ngoài, khoản thu cuối cùng sẽ được chuyển cho Hương sau khi người lao động đã đến nước ngoài làm việc.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Công an tỉnh Nghệ An và Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố nhiều bị can về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, sau vụ việc 39 người Việt chết trong container đông lạnh ở hạt Essex, Anh ngày 23/10.
Nghệ An: Khởi tố đối tượng tổ chức môi giới người trốn ra nước ngoài trái phép
Ngày 18/7, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bàn giao cơ quan chức năng xử lý đối tượng Lô Văn Thái về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Cụ thể, vào 4 giờ 30 phút ngày 15/7, tại khu vực vành đai biên giới thuộc bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp Công an huyện Quế Phong, Công an xã Thông Thụ phát hiện bắt quả tang 4 đối tượng, gồm: Lô Văn Thái, sinh năm 1991; Phạm Hùng Tiến, sinh năm 1984; Phạm Văn Dũng, sinh năm 1992; Hồ Văn Thái, sinh năm 1993 đang tìm cách vượt biên trái phép.
Bước đầu, đối tượng Lô Văn Thái khai nhận đã nhận đưa Tiến, Dũng, Thái theo đường mòn, cắt rừng vượt biên trái phép với tiền công là 5 triệu đồng.
Trong lúc các đối tượng đang tìm cách vượt biên thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp với cơ quan chức năng mở rộng điều tra, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Tình hình tội phạm mua bán người tại Nghệ An vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Trước đó, ngày 9/1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, trong đó có việc đề nghị các ngành, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Đồng thời yêu cầu Công an tỉnh tập trung điều tra, khám phá các vụ án, đường dây mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tăng cường quản lý khu vực biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng di cư trái phép để lừa bán phụ nữ, trẻ em, thai nhi.
Việt Nam bị Mỹ xếp hạng phải theo dõi về buôn người?
Trong một động thái đáng chú ý liên quan đến vấn đề buôn bán người và vấn đề đưa người đi nước ngoài trái phép, ngày 25/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo về tình hình nạn buôn người trên thế giới.
Danh sách được chia làm 4 hạng, phân cấp từ Tier 1 (cấp độ 1 - nhẹ nhất), tới Tier 2 (cấp độ 2), Tier 2 Watch List (cấp độ 2 cần theo dõi) và Tier 3 (cấp độ 3 - tệ nhất). Theo xếp hạng của Hoa Kỳ, Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia có vấn đề buôn người ở cấp độ 2 cần theo dõi.
Theo đó, Tier 2 Watch List là danh sách các nước không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận.
Bình luận về báo cáo trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 2/7, trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 nêu trên không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này. Mới đây nhất, ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam hiện đang tiến hành rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán.
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này”, bà Hằng nhấn mạnh.