Nhật Bản giúp Cảnh sát Biển Việt Nam nâng cao năng lực chiến đấu

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa cấp vốn vay ODA cho Hà Nội đóng 6 tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.
Sputnik

Đây là động thái nhằm tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc - Mỹ, và các nước ASEAN ở vùng biển tranh chấp ngày càng leo thang.

JICA Nhật Bản tài trợ Việt Nam 36,6 tỷ yên đóng 6 tàu Cảnh sát Biển

Ngày 28/7, tại thủ đô Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,626 tỷ yên (347 triệu USD) cho Dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải, an toàn trên biển cho Việt Nam.

Hà Nội sắp nhận tàu Mỹ: Cảnh sát Biển Việt Nam thăm tàu tuần tra John Midgett

Thời gian qua, các nhà chức trách Việt Nam luôn xác định Biển Đông là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai bão lũ nên nguy cơ xảy ra tai nạn hàng hải cao. Hơn nữa, người, phương tiện hoạt động trên biển và lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ tội phạm đe dọa an ninh hàng hải tăng theo trong những năm gần đây, nạn buôn lậu, đánh bắt trái phép, nguy cơ khủng bố gia tăng.

Do vậy, tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn hàng hải đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu tại Việt Nam.

Vì là quốc gia có đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, việc nâng cao năng lực hàng hải và sức chiến đấu trên biển cho lực lượng Cảnh sát Biển luôn được Bộ Quốc phòng, Đảng và Chính phủ quan tâm, chú ý.

Trong khuôn khổ Hiệp định vừa ký kết, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ tài chính để trang bị 6 tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, phù hợp, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải và tự do hàng hải tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện JICA, dự án đóng góp vào mục tiêu 14 và 16 của Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Dự án này áp dụng Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP), sử dụng các công nghệ đóng tàu tiên tiến của Nhật Bản.

“Điều khoản STEP áp dụng cho các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên yêu cầu của nước đang phát triển về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản”, JICA nhấn mạnh.

Theo đó, điều kiện cơ bản của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là công ty Nhật Bản, hoặc chi nhánh của công ty Nhật Bản tại nước ngoài, hoặc liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty Việt Nam (Công ty Nhật Bản đứng đầu liên doanh).

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thăm Nhật Bản

Đồng thời, công ty Việt Nam có thể tham gia với tư cách là thành viên của liên doanh Nhật Bản – Việt Nam hoặc là nhà thầu phụ.

Trong một số điều kiện nhất định, liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty có vốn chủ sở hữu Nhật Bản (công ty Nhật Bản đứng đầu liên doanh) có thể là nhà thầu chính.

Phía Nhật Bản cho biết, lãi suất cho vay hạng mục chính là 0,1%, dịch vụ tư vấn là 0,01%, thời gian vay 40 năm, thời gian vây ân hạn 10 năm.

Theo thỏa thuận, thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 10/2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Được biết, Hiệp định vốn vay này được ký kết dựa trên cơ sở Công hàm Trao đổi của dự án được thực hiện trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản vào ngày 6/6/2017, và là hiệp định vốn vay đầu tiên được ký kết tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây kể từ tháng 8/2017.

Việt Nam tăng cường chống buôn lậu trên biển và nâng cao năng lực hàng hải

Đầu tháng 7, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển (còn gọi là Cảnh sát Biển Việt Nam/Tuần duyên Việt Nam) thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020.

Thủ tướng Việt Nam nói chuyện với Cảnh sát biển qua vệ tinh

Báo cáo kết quả thực hiện công tác Cảnh sát biển 6 tháng đầu năm của toàn Lực lượng, Đại tá Trần Quang Tuấn - Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển trình bày cho biết, tháng đầu năm 2020, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt, thực hiện tốt các mệnh lệnh, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Lực lượng đã chủ động, quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên toàn diện các mặt công tác. Một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng chủ trương đối sách, pháp luật các tình huống trên biển và làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia Diễn tập CH-20 của Bộ Quốc phòng.

Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Lực lượng Cảnh sát Biển đã tích cực trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân các địa phương ven biển, công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt kết quả tốt, đúng với đường lối đối ngoại quốc phòng; triển khai các dự án, xây dựng các công trình, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đồng thời, tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ cơ bản ổn định, yên tâm công tác, đơn vị an toàn.

Đặc biệt, Cảnh sát biển tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, nắm bắt tình hình các vùng biển từ sớm và từ xa nhằm phát hiện và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu tội phạm.

Thượng tá Lê Trần Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm vi phạm (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) chia sẻ trên TTXVN cho biết, thời gian qua, diễn biến thời tiết trên biển hết sức phức tạp, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thường diễn ra ở vùng biển xa đã gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ và dẫn giải về để điều tra, xử lý.

Việt Nam hạ thủy tàu lai dắt Cảnh sát biển STU 1606

Đặc biệt trong tháng 5 và 6 năm nay, ở vùng biển ngoài khơi, hoạt động buôn lậu xăng dầu, sang mạn xăng dầu trái phép giữa các tàu có quốc tịch nước ngoài với tàu cá Việt Nam đã diễn ra phức tạp mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa dừng lại.

Tổng quát chung, lực lượng Cảnh sát Biển đã bắt giữ và xử lý 47 phương tiện với 263 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 22.675 tấn than, 4.155 tấn quặng, 1.861.117 lít xăng RON 92, gần 2.598 lít dầu DO… Số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,4 tỷ đồng.

Trước đó, vào khoảng 19 giờ 10 phút ngày 18/6, tại khu vực cách Nam Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 130 hải lý, tổ công tác của Đoàn trinh sát số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) đã phát hiện tàu chở dầu OKI MARU và tàu cá mang số hiệu TG 93799 TS, có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Sau khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đã xác định tàu OKI MARU (quốc tịch Mông Cổ có 10 thuyền viên, trong đó 8 thuyền viên mang quốc tịch Thái Lan, 2 thuyền viên mang quốc tịch Campuchia), đang sang mạn hơn 1.000m3 dầu DO cho tàu TG 93799 TS trên vùng biển Việt Nam. 

Qua đấu tranh, thuyền trưởng của hai tàu đều không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp số dầu trên. Tổ công tác đã lập biên bản và phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 dẫn giải tàu về vị trí neo đậu an toàn, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, đây chỉ là một trong 42 vụ vi phạm pháp luật trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển đấu tranh, bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2020.

Nhằm che mắt Lực lượng Cảnh sát Biển, các tàu buôn lậu thường sang vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để dễ dàng chạy về vùng biển nước ngoài tránh bị bắt giữ.

Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp và kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển, thời gian qua lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ thành công nhiều vụ án lớn. 

Chia sẻ về công tác phòng chống tội phạm buôn lậu trên biển, Thượng tá Lê Trần Trung cho rằng, do đặc thù của hoạt động đấu tranh chống buôn lậu hàng hải, để đấu tranh được đối với các đối tượng, yêu cầu phải bắt được quả tang hành vi vi phạm, song hoạt động trên biển phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, hơn nữa trên biển địa hình trống trải, việc tiếp cận khó giữ được bí mật, do đó rất khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển trong đấu tranh với hoạt động này.

“Về ban đêm, khi bị tàu Cảnh sát biển truy đuổi thì các phương tiện vi phạm cố tình chạy sang vùng biển nước ngoài, không chấp hành các mệnh lệnh dừng tàu của cơ quan chức năng. Do đó lực lượng Cảnh sát biển phải truy đuổi mất thời gian dài và mất nhiều thời gian để tập trung vây bắt”, Thượng tá Lê Trần Trung nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho biết, có những vụ việc, lực lượng Cảnh sát biển quyết tâm đuổi bắt bằng được dựa trên lợi thế về phương tiện của Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Cảnh sát biển được quyền hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam

Hiện nay Cảnh sát biển được trang bị tàu có tốc độ cao, sức chịu sóng gió tốt nên hoàn toàn có thể trấn áp được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù tội phạm cố tình chạy trốn, cố tình không chấp hành.

Tướng Nam cũng cho hay, trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (nhất là vụ việc có yếu tố nước ngoài) thường phức tạp, liên quan đến nhiều nước và lĩnh vực thương mại quốc tế, giá trị tang vật lớn cũng là những khó khăn nhất định đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ nên quá trình điều tra kéo dài, mất nhiều thời gian.

“Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hoạt động vi phạm của tàu, thuyền nước ngoài vẫn phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động mới và ngày càng tinh vi. Nhiều vụ việc diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế, khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước; tàu vi phạm pháp luật đã có những hoạt động manh động (dùng súng quân dụng chống trả lại lực lượng thực thi pháp luật, sẵn sàng chặt đứt dây neo bỏ chạy sang vùng biển nước ngoài…) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực thi nhiệm vụ của lực lương Cảnh sát biển”, Thượng tá Lê Trần Trung nói.

Với thực tế này, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam tiếp tục nâng cao phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thượng mại trên biển, nhất là tại các vùng biển trọng điểm.

Đại tướng Lương Cường: Cảnh sát biển Việt Nam không để bị động, bất ngờ

Cảnh sát Biển Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cá lực lượng chức năng khác trong thực hiện chuyên án, vu án, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất nâng cao năng lực trinh sát kỹ thuật Cảnh sát biển.

Cùng với hoạt động chống buôn lậu hàng hải, trên thực tế, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, mềm dẻo, khôn khéo trong tham gia đấu tranh trên thực địa để tuyên truyền, ngăn cản tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ hoạt động dầu khí và kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Thảo luận