Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân tử vong vì nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19

Trưa 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân tử vong vì nền bệnh lý nặng kết hợp mắc Covid-19.
Sputnik

Cả nước có tổng cộng 5 ca tử vong trong tổng số 590 ca mắc Covid-19

Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng thông tin về hai người mắc Covid-19 tử vong.

Trước khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân 524 (L.T.D., nữ, 86 tuổi, quê Quảng Nam) bị suy tim, suy thận mạn tính.

Từ ngày 11-16/7, bệnh nhân vào điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, được chẩn đoán zona thần kinh bội nhiễm và chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Việt Nam sẽ chiến thắng đợt bùng phát mới của coronavirus

Ngày 18-31/7, bà L.T.D. có dấu hiệu sốt và được chuyển qua nhiều nhiều bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa Bình An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngày 1/8, bệnh nhân tỉnh, vẫn còn mệt. Tuy nhiên, 18 giờ cùng ngày, bệnh nhân hôn mê, mạch chậm dần. 0 giờ ngày 2/8, bệnh nhân trở nặng, ngừng tuần hoàn, hô hấp và tử vong vào 5 giờ 30 phút.

Các bác sĩ nhận định bệnh nhân 524 tử vong vì choáng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy hô hấp cấp không hồi phục trên nền suy đa tạng và mắc Covid-19.

Trường hợp thứ 2 tử vong là bệnh nhân 475 (Đ.T.L., nữ, 83 tuổi, quê Đà Nẵng). Người này vào Bệnh viện Đà Nẵng từ 12/7 để điều trị thoái hóa đa khớp và phẫu thuật dạ dày. Ngày 17/7, bà xuất hiện triệu chứng sốt. 3 ngày sau, bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

4 giờ 30 phút sáng 2/8, bệnh nhân suy kiệt nặng và rơi vào hôn mê sâu. Đến 5 giờ 45 phút, bệnh nhân tử vong do hội chứng mạch vành cấp, viêm túi mật, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp và Covid-19.

Trước đó, Việt Nam có 3 ca Covid-19 tử vong. Bệnh nhân 428 (70 tuổi, ở Quảng Nam) không qua khỏi vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19. Bệnh nhân 437 (61 tuổi, ở Đà Nẵng) không qua khỏi do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19. Trường hợp còn lại là Bệnh nhân 499 (nữ, 52 tuổi, ở Đà Nẵng) không qua khỏi vì ung thư máu ác tính giai đoạn cuối, không đáp ứng hoá chất, viêm phổi nặng và Covid-19.

Như vậy, đến nay, Việt Nam ghi nhận 5 ca tử vong trong tổng số 590 ca mắc Covid-19.

Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân tử vong vì nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19

Tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước, các địa phương phải hành động quyết liệt

Ngày 2/8, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo thông tin từ Quyền Bộ trưởng, Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến lớn, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong một tháng qua (1 - 29-7), riêng với khu vực ba bệnh viện thì có tới 800 nghìn lượt người đến đây.

“Mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm”, - Quyền Bộ trưởng nói.

Ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm vào Đà Nẵng.

Mặc dù Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương thưc hiện khá nghiêm túc và khẩn trương trong phòng chống dịch, tuy nhiên, vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt.

Việt Nam ghi nhận thêm 28 ca mắc Covid-19

Do đó, Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa. Mới đây, Bộ Y tế phối hợp BHXH ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm. Đây là động thái Bộ Y tế mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT. Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương, dù có thể chưa có ca nghi nhiễm, ca nhiễm nhưng phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh thì sẽ triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, ngày 1/8, số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn), tuy nhiên vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này.

Các cơ sở y tế, đặc biệt là Sở Y tế, phải tiến hành tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác.

Thảo luận