Tính từ ngày 25-7-2020 (khi phát hiện ca bệnh 416) đến 6 giờ sáng 4/8, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã phát sinh thêm trên 200 ca bệnh COVID-19 trong nội địa với độ tuổi nhỏ nhất 7 tuổi, cao nhất 100 tuổi. Trong đó, hầu hết số bệnh nhân cư trú tại Đà Nẵng và 5 huyện cùng 1 thành phố ở Bắc Quảng Nam. Đà Nẵng hiện đã có gần 190 bệnh nhân COVID-19 với 17 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó có 6 bệnh nhân đã tử vong ở độ tuổi từ 53 đến 86.
Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà phân tích những vấn đề thời sự và chính trị Nguyễn Minh Hoàng về tình hình dịch bệnh và cuộc chiến chống COVID-19 ở Đà Nẵng tại thời điểm này.
Tình hình nóng ở Đà Nẵng
Sputnik: Tình hình Đà Nẵng hiện nay như thế nào, theo thông tin và đánh giá của ông?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Lúc 17 giờ 30 phút ngày 27-7-2020, Uỷ ban Nhân dân TP Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 4930/UBND-SYT. Theo đó, chính quyền thành phố quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-7-1919 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Hồi 9 giờ ngày 28-7-2020, Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 13 giờ ngày 28-7-2020. Như vậy, đến nay đã có 7 quận, huyện trên đất liền thuộc TP Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân có mặt tại Đà Nẵng không phân biệt quốc tịch đều phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Những giải pháp về giao thông
Sputnik: Còn về vấn đề giao thông?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Chính quyền thành phố yêu cầu dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề.
Chính phủ đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không dừng bay đến và đi từ Đà Nẵng, dừng hoạt động các tàu hỏa đến và đi từ Đà Nẵng. Các tàu, thuyền có mặt tại các cảng ở Đà Nẵng phải neo đậu tại các cảng; thuyền viên không được lên bờ, trừ trường hợp ốm đau, bệnh tật, tai nạn. Các phương tiện vận tải đường bộ sử dụng đường Hồ Chí Minh và đường tránh qua thành phố để lưu thông Bắc - Nam, tuyệt đối không được dừng, đỗ, đón khách, trả khách trên địa bàn Đà Nẵng; chấp hành nghiêm chỉnh sự điều kiển của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Các phương tiện vận tải phục vụ vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển cán bộ y tế đi làm nhiệm vụ, vận chuyển hàng y tế, vận chuyển lương thực thực phẩm và phục vụ quốc phòng, an ninh được phép hoạt động.
Công tác phòng chống dịch trên những “mặt trận” khác
Sputnik: Còn về các hoạt động khác?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Về các hoạt động khác: Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ cho phép mở cửa các các cơ sở khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải bảo đảm các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu người dân tại các địa bàn nêu trên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Đối với các khu vực bị nhiễm dịch nghiêm trọng, UBND thành phố quyết định phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực một số tuyến đườn. Thời gian bắt đầu thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-7 cho đến khi có thông báo mới.
Về công tác chống dịch, Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng giao Sở Y tế khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, điều tra, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly; khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở,... tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp phù hợp để xác định nguồn lây, không để bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường mắc bệnh để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp.
Các đơn vị ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ công tác cách ly tại các khu vực có liên quan đến bệnh nhân; xây dựng phương án, đề xuất áp dụng biện pháp cách ly vùng có dịch trong trường hợp cần thiết; huy động mọi nguồn lực để phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương tích cực điều trị, chữa khỏi bệnh nhân với tinh thần quyết tâm cao nhất để hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Về an ninh xã hội, Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho các sở Thông tin và Truyền thông, Công thương, Giáo dục và Đào tạo… chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chủ động cung cấp thông tin; thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 hiệu quả tại các cơ sở nhóm trẻ gia đình, mầm non, mẫu giáo.
Về an ninh trật tự, UBND Đà Nẵng giao Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phối hợp thực hiện các biện pháp tổ chức cách ly phòng chống dịch, kiểm soát việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tội phạm trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng tăng cường của Trung ương tham gia khoanh vùng, kiểm soát và dập dịch.
Bị phong tỏa – Đà Nẵng có những biện pháp gì?
Sputnik: Được biết, thành phố Đà Nẵng đã được chính thức phong tỏa từ 0 giờ ngày 31-7-2020. Đây là một thành phố không nhỏ, vậy những biện pháp gì đang được sử dụng trong tình hình như vậy?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Đúng vậy, Đà Nẵng đã được chính thức phong tỏa từ 0 giờ ngày 31-7-2020. Công an thành phố phối hợp với lực lượng liên quan tiến hành lập 8 chốt chặn kiểm soát dịch, gồm: phía nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu); chốt đoạn dẫn lên đèo Hải Vân, đường Nguyễn Văn Cừ (quận Liên Chiểu); chốt đường 14G, huyện Hòa Vang, giáp Quảng Nam (Dốc Kiền); chốt Quốc lộ 14B, huyện Hòa Vang, giáp Quảng Nam; chốt Quốc lộ 1, Hòa Vang, giáp Quảng Nam (đoạn Ngã ba Tứ Câu); chốt tỉnh lộ 605, Hòa Vang, giáp Quảng Nam (đoạn dốc Bồ Bồ); chốt tại dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay, đường Trường Sa, Ngũ hành Sơn; chốt tại điểm cuối đường Trần Đại Nghĩa, Ngũ Hành Sơn.
Nhiệm vụ của các chốt là kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, bảo đảm không để người, phương tiện ra vào thành phố, trừ các trường hợp đặc biệt. Các trường hợp không chấp hành yêu cầu của chốt kiểm soát dịch sẽ được lực lượng làm nhiệm vụ cương quyết xử lý, ngăn chặn không cho vào thành phố.
Sputnik: Việc thực hiện nhiệm vụ của các chốt kiểm soát lần này có gì khác với hai đợt chống dịch trước?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: So với đợt ra quân chốt chặn trong đợt dịch lần trước, lần này, lực lượng chức năng nâng cao mức độ kiểm soát, không để người và phương tiện ra vào thành phố, trừ các trường hợp đặc biệt, như tôi đã nêu ở trên. Công an các quận, huyện có nhiệm vụ phân công lực lượng phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Cơ động và các lực lượng chức năng, huy động lực lượng bảo vệ dân phố thực hiện nhiệm vụ tại các chốt. Lực lượng y tế cũng có mặt, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả các hành khách trên xe; phát hiện, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố xử lý các trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Sang ngày 3-8-2020, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho Đà Nẵng với hàng nghìn cán bộ y tế từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch… trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, chúng ta không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, vì vậy, phải dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng”.
Bộ Y tế đã điều 4 đội ứng cứu khẩn cấp từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy tới ứng cứu cho Đà Nẵng. Một số bệnh nhân nặng và nguy kịch ở Đà Nẵng được đưa ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.
Binh chủng Hóa học đã điều một tiểu đoàn phòng hóa vào Đà Nẵng để tiến hành tiêu tẩy độc tại các bệnh viện và các địa điểm có bệnh nhân COVID-19 lui tới. Đà Nẵng đã tổ chức xét nghiệm nhanh, diện rộng cho toàn bộ cư thành phố và những người ngoại tỉnh còn bị kẹt lại do dịch bệnh.
Điểm đặc biệt nhất trong đợt chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng lần này là điều các xe xét nghiệm lưu động đến tham gia phòng chống dịch tại Đà Nẵng. Các xe này đang thực hiện 400 mẫu xét nghiệm nhanh mỗi ngày và có khả năng thực hiện tới 1.000 mẫu/ngày nếu sử dụng hết công suất và được cung cấp đủ hóa chất chuyên dụng
Việc phong tỏa nghiêm ngặt và thực hiện cách ly toàn thành phố là đặc biệt cần thiết và kịp thời. Vì tính từ ngày 25-7-2020 (khi phát hiện ca bệnh 416) đến 6 giờ sáng nay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã phát sinh thêm trên 200 ca bệnh COVID-19 trong nội địa với độ tuổi nhỏ nhất 7 tuổi, cao nhất 100 tuổi. Trong đó, hầu hết số bệnh nhân cư trú tại Đà Nẵng và 5 huyện cùng 1 thành phố ở Bắc Quảng Nam. Số bệnh nhân còn lại ở các địa phương khác đều có lịch trình đi lại liên quan đến con người và địa điểm tại Đà Nẵng và Quảng Nam, trừ số ít bệnh nhân nhập cảnh từ Guinea Xích đạo và một số nước khác. Tại Đà Nẵng hiện đã có gần 190 bệnh nhân COVID-19 với 17 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó có 6 bệnh nhân đã tử vong ở độ tuổi từ 53 đến 86.
Bên cạnh đó, vì những người mắc bệnh hầu như không có triệu chứng, lại thêm tâm lý chủ quan cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn, chỉ còn lây nhiễm từ bên ngoài vào và cũng được kiểm soát nên Đà Nẵng đã trải qua ít nhất 4 chu kỳ lây nhiễm COVID-19 trước khi trở thành tâm dịch lớn nhất của cả nước từ trước tới nay. Mặt khác, chủng virus SARS-COV-2 biến thể mới có các gai protein đậm đặc hơn nên có độ bám dính tốt hơn đã làm cho tốc độ lây lan của đợt dịch này nhanh và rộng hơn nhiều lần so với 5 chủng virus SARS-COV-2 đã lưu hành tại Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 6-2020.
Theo các chuyên gia y tế đầu ngành như GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Lương Ngọc Khuê, PGS-TS Nguyễn Gia Bình, GS-TS Trần Đắc Phu thì chỉ đến khi có được vaccine chống SARS-COV-2 được tiêm phòng đại trà và điều chế được thuốc chữa bệnh đặc hiệu thì mới có thể khống chế hoàn toàn và triệt để dịch COVID-19. Còn trong điều kiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu như hiện nay thì các biện pháp cách ly, phong tỏa, cô lập để các ổ dịch “tắt dần” sau khi kết thúc một chu kỳ lây nhiễm cũng như việc tổ chức cho toàn dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh là cần thiết để hạn chế mức độ lây lan và giảm thiếu tốc độ lây lan của dịch COVID-19.
Sputnik: Xin cảm ơn ông về những thông tin chi tiết.