Sau đây là bài của Sputnik về độ tin cậy và độ chính xác trong những nghiên cứu như vậy.
Vắc-xin sởi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ?
Năm 1998, tạp chí Lancet đã đăng một bài khoa học trong đó viết rằng, vắc-xin sởi - quai bị - Rubella (MMR) có thể liên quan đến sự gia tăng các trường hợp mắc tự kỷ ở trẻ em. Một nhóm các nhà khoa học do bác sĩ Anh Andrew Wakefield dẫn đầu đã mô tả khoảng một chục trường hợp khi các dấu hiệu đầu tiên của bệnh tự kỷ xuất hiện ở trẻ em trong vòng bốn tuần sau khi tiêm chủng.
Theo các tác giả của cuộc nghiên cứu, virus sởi giảm độc lực đã định cư trong các tế bào ruột, gây viêm, sau đó xuất hiện các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu của những người tham gia thí nghiệm không trùng khớp với các trích xuất từ hồ sơ y tế thực. Sau khi tạp chí Lancet đăng bài khoa học này, Hội đồng nghiên cứu Y học (MRC) của Vương quốc Anh đã yêu cầu cung cấp tài liệu về tất cả trẻ em tham gia thí nghiệm này.
Đồng thời, mười trong số 12 tác giả của bài khoa học đã thừa nhận rằng, những kết quả thu được không hoàn toàn khách quan, bởi vì họ đã mời những người bạn từ phong trào “anti vaccine” tham gia quá trình nghiên cứu. Hơn nữa, hóa ra cuộc nghiên cứu đã được thực hiện theo đơn đặt hàng và với chi phí của một công ty dược phẩm.
Trong năm 2010 bài báo này đã bị rút khỏi tạp chí, và bác sĩ Wakefield bị cấm hành nghề y. Đồng thời, các nhà khoa học đã chứng minh trên cơ sở dữ liệu từ 700 nghìn trẻ em rằng việc tiêm vắc-xin sởi - quai bị - Rubella (MMR) không thể gây ra bệnh tự kỷ trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, bài khoa học này đã gieo hạt nghi ngờ, và trong năm 2018 đợt bùng phát bệnh sởi đáng báo động đã lan tràn khắp châu Âu vì rất nhiều người không nắm được thông tin vẫn từ chối tiêm chủng.
Viêm não và vô sinh
Human papillomavirus (HPV) là loại virus gây u nhú ở người, gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư đại trực tràng ở nam giới. Việc tiêm vắc xin ngừa HPV hàng loạt bắt đầu được thực hiện thời gian gần đây. Những người đi tiên phong trong lĩnh vực này là các nhà khoa học Úc: họ đã bắt đầu tiêm chủng miễn phí vào năm 2007. Chỉ 10 năm sau, tỷ lệ lây nhiễm ở phụ nữ từ 18 đến 24 tuổi ở nước này đã giảm gần 20 lần - từ 22,7% xuống còn 1,5%. Các bệnh lý tiền ung thư và ung thư cổ tử cung đã giảm gần một nửa.
Khi đó, các chuyên gia dự đoán rằng, đến năm 2066, căn bệnh này sẽ hoàn toàn biến mất khỏi Lục địa xanh - tất nhiên, nếu phong trào “anti vaccine” không cản trở quá trình này. Hơn nữa, chính các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ “khoa học” cho những người phản đối việc tiêm chủng.
Đầu tiên, vào năm 2012, các nhà nghiên cứu Philippines đã mô tả những trường hợp phát triển bệnh tự miễn - đặc biệt là bệnh lupus - một thời gian sau khi tiêm chủng. Nhưng, 6 năm sau, các nhà khoa học Canada đã bác bỏ kết luận này: họ đã phân tích dữ liệu của 300 nghìn cô gái và không phát hiện trường hợp nào có triệu chứng như vậy.
Sau đó, vào năm 2016, các nhà sinh vật học Nhật Bản đã công bố dữ liệu về những trường hợp tổn thương não mà việc tiêm phòng HPV gây ra ở chuột. Bài khoa học đã gây một tiếng vang lớn, nhưng, các chuyên gia đã phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng: vắc-xin đã được tiêm chủng cho động vật cùng với chất độc và với liều lượng rất cao. Hai năm sau, bài báo mô tả thí nghiệm này đã bị rút khỏi tạp chí.
Năm 2018, giáo sư Gayle DeLong từ Đại học CUNY (The City University of New York) đã công bố kết quả nghiên cứu, trong đó cô khẳng định rằng, vắc xin ngừa HPV có thẻ gây vô sinh ở nữ giới. Sau khi phân tích dữ liệu của tám triệu phụ nữ Mỹ trong độ tuổi 25-29, cô phát hiện ra rằng: phụ nữ được tiêm vắc xin ngừa HPV ít có khả năng mang thai hơn. Theo ý kiến của cô ấy, vấn đề là ở chỗ: có nhôm trong vắc-xin HPV. Nhiều khả năng, nhôm gây tổn thương buồng trứng và gây trục trặc chu kỳ kinh nguyệt, nhà nghiên cứu đề xuất.
Nhưng, trước hết cần phải lưu ý đến việc, cô DeLong là giáo sư kinh tế và chưa bao giờ tham gia vào nghiên cứu y học hoặc sinh học. Và các bác sĩ và nhà sinh vật học ngay lập tức phát hiện những sai sót trong bài báo của cô. Các chuyên gia Nhật Bản lưu ý rằng, sự suy giảm khả năng sinh sản có thể do phụ nữ làm việc nhiều hơn. Trong 14 năm qua, độ tuổi trung bình mà một phụ nữ có con đầu lòng đã tăng 24,9 lên 26,3 tuổi, và đây chính là các phụ nữ được đề cập trong bài báo của DeLong.
Các nhà phê bình cũng phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng trong phân tích dữ liệu và ngay cả việc gian lận trong nghiên cứu. Kết quả là vào cuối năm 2019, bài báo của cô DeLong đã bị rút lại.
Virus ở khỉ và bệnh ung thư ở người
Để tạo ra vắc xin, các nhà khoa học thường sử dụng virus được nuôi cấy trên những dòng tế bào. Ví dụ, các chủng để tiêm phòng cúm theo mùa được ươm trong phôi gà, và để tạo ra vắc xin bại liệt bất hoạt các nhà khoa học sử dụng phương pháp phát triển virus trong nuôi cấy tế bào thận khỉ.
Chính các tế bào thận khỉ đã gây ra nhiều vấn đề. Cho đến những năm 1980, các tế bào trong vắc xin phòng chống bệnh bại liệt có chứa virus mang tên Simian virus 40 (SV 40). Nó đã lây nhiễm cho hàng trăm triệu người khi còn nhỏ đã được tiêm vắc xin chống lại một căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Virus SV40 được coi là vô hại và không gây bệnh nghiêm trọng cho các loài linh trưởng. Tuy nhiên, vào năm 1994, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã chỉ ra rằng, SV40 có thể dẫn đến sự phát triển của các khối u ác tính - tuy nhiên, chỉ ở chuột đồng và chuột nhà. Nhưng điều đó đã là đủ để các nhà nghiên cứu Ý đưa ra giả thuyết rằng một số bệnh ung thư có liên quan đến việc tiêm phòng bại liệt.
Tuy nhiên, sau đó các nhà nghiên cứu của Mỹ và Đan Mạch đã bác bỏ giả thiết này. Hơn nữa, các chuyên gia tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ lưu ý: "Các bằng chứng dịch tễ học tích lũy được cho thấy rằng, virus SV40 không gây ung thư ở người".