Quấy rối và giết người
Nữ binh sĩ Vanessa Guillen, 20 tuổi, phục vụ tại căn cứ quân sự Fort Hood ở Texas đã mất tích vào tháng Tư. Trong hơn hai tháng, hàng trăm binh sĩ và người dân địa phương đã tìm kiếm cô: họ rà soát lãnh thổ lân cận, các doanh trại, các cơ sở văn phòng. Cuối tháng 6, nhóm tình nguyện viên đã tìm thấy mảnh thi thể cách căn cứ 50 km. Các chuyên gia quân đội Mỹ đã xác định bộ hài cốt tìm thấy gần Fort Hood chính là nữ binh sĩ Vanessa Guillen.
Ngay sau khi cô mất tích, một đồng đội của cô - binh sĩ Aaron Robinson nằm trong số những nghi phạm. Anh ta là người cuối cùng tiếp xúc với Vanessa trước khi cô mất tích, và các nhân chứng cho biết rằng, vào ngày cô mất tích, Vanessa và nghi phạm ở cùng một tòa nhà văn phòng. Ngoài ra, các nhà điều tra phát hiện ra rằng, chính Robinson đã gửi tin nhắn cuối cùng cho Vanessa Guillen trước khi nữ binh sĩ mất tích. Tuy nhiên, Aaron khai rằng vào buổi tối, Vanessa như thường lệ đã nói lời tạm biệt và rời căn cứ để về nhà.
Sau đó cảnh sát đã phát hiện bạn gái của Robinson, người này đã thú nhận đã giúp anh chặt xác. Vì một lý do nào đó, Aaron đã sử dụng búa để hành hung quân nhân Vannesa Guillen, sau đó đặt thi thể của cô vào một thùng chứa và mang ra khỏi căn cứ. Trên bờ một con sông gần đó, Aaron cùng với bạn gái đã phân xác, cố gắng đốt và chôn những gì chưa cháy.
Cảnh sát không thể bắt giữ Robinson - anh ta đã tự tử khi đang bị truy bắt. Tuy nhiên, họ đã bắt giam đồng phạm của anh ta, người phải đối mặt với án tù 20 năm.
Vụ này đã gây chấn động ở Hoa Kỳ - tại các thành phố lớn ở Texas đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối. Gia đình người thiệt mạng cho rằng, các tướng chỉ huy căn cứ đã trì hoãn cuộc điều tra và không xử lý đúng mức việc tìm kiếm người mất tích. Ngoài ra, mẹ của Vanessa nói rằng, con gái bà đã bị quấy rối, xâm hại tình dục bởi các đồng đội, nhưng Vanessa đã im lặng, không gửi đơn khiếu nại chính thức vì cô sợ bị trả thù. Các nhà điều tra không loại trừ rằng, Robinson đã giết Vanessa vì cô ấy đã có ý định nói sự thật cho cấp trên.
Những "người đào ngũ" bị mất tích
Đây không phải là sự cố đầu tiên như vậy tại căn cứ Fort Hood. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2019, binh sĩ Gregory Morales, 23 tuổi, đã mất tích. Gần đây các tình nguyện viên đã tìm thấy thi thể của anh cách căn cứ vài km.
Morales đã bị bắn vào đầu. Cảnh sát chưa biết kẻ giết người là ai.
Theo những người thân của các binh sĩ mất tích, các vị tướng chỉ huy căn cứ có xu hướng tuyên bố những binh sĩ mất tích là lính đào ngũ, vì làm như vậy là dễ hơn tổ chức cuộc điều tra vụ giết người. Một tháng sau khi binh sĩ mất tích, người này chỉ đơn giản là bị loại khỏi danh sách nhân sự và vụ việc được chuyển cho cảnh sát địa phương. Sự phẫn nộ của gia đình Morales là dễ hiểu – anh ta đã mất tích vài ngày trước khi hết thời hạn phục vụ, và giả thuyết về việc anh ta đã bỏ trốn khỏi đơn vị là hoàn toàn vô lý.
Theo Giáo sư Học viện Khoa học Quân sự Sergei Sudakov, những sự cố này và nhiều sự cố khác có liên quan đến việc tính kỷ luật và trình độ huấn luyện trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đã suy giảm nghiêm trọng.
Ông Sudakov giải thích với Sputnik: “Người Mỹ luôn chủ trương xây dựng một quân đội chuyên nghiệp, vì đó là nền tảng của an ninh quốc gia. Nhưng, đã đến lúc khi những người tuyển mộ lính bắt đầu làm việc việc theo nguyên tắc "bắt tất cả" (catch all) và trong quân đội Mỹ đã xuất hiện những người từng có tiền án và người nghiện ma tuý. Dù bạn là ai, việc chính yếu là phải ký hợp đồng, kết quả là nhiều đơn vị đã biến thành nơi tụ tập của những kẻ tội phạm cũ”.
Nơi bị nguyền rủa
Fort Hood là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ, có khoảng 50.000 quân nhân đồn trú ở đây. Đồng thời, đây là một căn cứ khét tiếng, tại Fort Hood xảy ra không chỉ những vụ nổ súng chết người trong tình huống kỳ lạ mà còn cả những vụ hủy diệt hàng loạt.
Ví dụ, vào năm 2009, thiếu tá Malik Hasan, một bác sĩ tâm thần của Quân đội Hoa Kỳ, đã giết chết 13 người và làm 30 người bị thương. Anh ta đã nổ súng tại trung tâm y tế, nơi các binh sĩ đến khám sức khỏe trước khi được gửi đến Iraq và Afghanistan. Hóa ra, Hassan, một người Mỹ gốc người Hồi giáo Palestine, đã chỉ trích gay gắt các hành động quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Anh ta coi chiến tranh là "một điều sai trái", không muốn chiến đấu chống lại các đồng đạo và rất sợ một ngày nào đó anh ta sẽ được cử đi công tác tại một trong những điểm nóng.
Thiếu tá đã hy vọng rằng Tổng thống Barack Obama sẽ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Và sau khi niềm hy vọng này bị tan vỡ, anh ấy đã nổ súng. Tay súng sau đó bị bắn bị thương. Hiện nay Hassan đang trong tù chờ thuốc độc để thi hành án tử hình.
Ông Sudakov lưu ý: “Trước đây, nghĩa vụ quân sự rất có uy tín ở Hoa Kỳ - đại diện các tầng lớp xã hội đều muốn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhưng, trong hai mươi năm qua, chỉ có những người nghèo không có thu nhập khác mới đăng ký nhập ngũ. Quân đội Mỹ hiện có các dấu hiệu suy thoái. Vào những năm 1990 và những năm 2000, người Mỹ đã cười nhạo thuật ngữ Nga “dedovshchina” (tiếng Nga: дедовщи́на, nghĩa là triều đại của ông nội) là việc bắt nạt liên tiếp những tân binh trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và bây giờ hiện tượng này đang trở thành phổ biến trong các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ".
Vào tháng 4 năm 2014, tại căn cứ Fort Hood, binh sỹ lái xe quân sự Ivan Lopez, 34 tuổi, đã nổ súng vào đồng đội. Anh ta bắn được khoảng 20 phát. Ba người thiệt mạng, mười sáu người bị thương. Và tất cả chỉ vì một vụ cãi cọ nhỏ.
Điều đáng chú ý là trước đó Lopez đã phục vụ tại Iraq trong vài tháng, nhưng không tham gia vào các hoạt động chiến sự. Tuy nhiên, cấp trên đã giải thích hành vi của tay súng hạ sát mấy người là do Lopez bị mắc chứng rối loạn tâm thần sau khi phục vụ tại điểm nóng.