Ngoài ca đã tử vong, 6 người nhiễm độc thiếc đầu tiên của Việt Nam hiện đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với nồng độ thiếc trong cơ thế cao gấp 40 lần ngưỡng cho phép.
Ghi nhận 7 ca nhiễm độc thiếc đầu tiên tại Việt Nam: Đã có trường hợp tử vong
Sáng 13/8, trong bài viết chuyên đề đăng trên cổng thông tin điện tử Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hiện Trung tâm đang tiếp nhận khám và điều trị cho sáu bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc cấp tính, phần lớn đều đã nhiễm độc nặng.
Đáng chú ý, theo thông tin từ TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho một bệnh nhân cũng bị nhiễm độc thiếc. Sau đó diễn biến bệnh nặng, gia đình đã xin về nhà rồi bệnh nhân tử vong tử vong sau đó.
Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, tất cả các trường hợp nêu trên đều có nồng độ thiếc trong máu cao, phần lớn cao gấp chục lần ngưỡng cho phép.
“Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện”, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.
Ngộ độc thiếc hiếm gặp thế giới: Đâu là triệu chứng bệnh phổ biến?
Thông tin về đặc điểm chung của các bệnh nhân trên, TS. Nguyễn Trung Nguyên thông tin cho biết, cả 7 người đều cùng làm việc chung tại bộ phận nghiền nhựa tái chế của một công ty sản xuất mành rèm ở Thanh Miện, Hải Dương. Tức tất cả đều lao động trong môi trường làm việc có nhiều độc hại.
Điều đáng nói là, trước khi bắt đầu làm việc tại công ty sản xuất mành rèm này, tất cả đều khỏe mạnh, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, theo chia sẻ của bệnh nhân, ngắn nhất là 4 ngày, lâu nhất là 1 tháng thì các công nhân có chung biểu hiện các biểu hiện của ngộ độc thiếc.
Cụ thể, những biểu hiện ngộ độc thiếc phổ biến gặp ở những bệnh nhân trên là rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, có những hành vi bất thường. Khi các chuyên gia tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não thì phát hiện có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não, xét nghiệm máu có nhiễm toan chuyển hóa, hạ kali máu nặng.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhiễm độc thiếc đầu tiên được xác nhận là anh Nguyễn Đức H., 35 tuổi. Trường hợp này nhập viện ngày 9/7 vừa qua với biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó đi vào hôn mê.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, trên phim cộng hưởng từ não của anh H. có hiện tượng tổn thương chất trắng lan tỏa nặng, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng.
Đáng chú ý, hoàn cảnh của nam bệnh nhân này khá đặc biệt, cũng chưa có nhận thức đầy đủ, nên hầu như không ai nghĩ đến anh H. bị ngộ độc thiếc. Cụ thể, bố bệnh nhân mới mất được 49 ngày và anh H. còn bị người yêu chia tay. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng lạ trên mọi người trong gia đình và người thân chỉ nghĩ đến yếu tố tâm thần.
“Bệnh nhân được đưa đến viện muộn khi các yếu tố bệnh chưa rõ ràng, diễn biến nặng và gia đình đã xin về nhà, sau đó người bệnh tử vong”, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Bên cạnh đó, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, trước khi xin về, gia đình được biết có một số bạn công nhân cùng làm khác cũng có biểu hiện bất thường và đã kịp thăm khám, báo cho bác sĩ.
Trước tình hình này, các chuyên gia y tế, y bác sĩ đã hướng dẫn gia đình thông báo cho những người cùng làm trong môi trường độc hại trên cần đi khám sức khỏe, kiểm tra càng sớm càng tốt, tránh những diễn biến nặng đáng tiếc.
Sau đó, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Kim C. (42 tuổi ở Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vào viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, “ở nhà lái xe đi lang thang quanh làng”.
Sau quá trình thăm khám, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân Nguyễn Kim C. phát hiện có rối loạn nặng. Trước tình hình này, các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc đã tìm mọi cách để xét nghiệm, chẩn đoán, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Trên thực tế, quá trình tìm kiếm và chẩn đoán gần như bế tắc trong khi cần phải chạy đua với thời gian để đưa ra chẩn đoán chính xác, cứu sống bệnh nhân, đặc biệt cần phải phát hiện nhanh nguyên nhân để thông báo các cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, tìm hiểu và có biện pháp kịp thời để tránh những người khác bị nhiễm độc và có ca tử vong tiếp theo.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, các y bác sĩ đã truy tìm tất cả các nguồn thông tin y học, kể cả hỏi ý kiến của các bạn bè, chuyên gia, đồng nghiệp trên quốc tế về chống độc.
“Rất may đã tìm thấy trên y văn thế giới có một vài trường hợp bị bệnh khi làm việc trong hoàn cảnh gần tương tự. Với sự giúp đỡ của Viện Hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bệnh nhân được chỉ định và làm xét nghiệm định lượng kim loại thiếc”, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Kết quả các xét nghiệm sau đó cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Kim C. có nồng độ thiếc trong máu hơn 200 micogam/lít, nghĩa là tăng gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép. Bệnh nhân này sau đó được lọc máu, giải độc thiếc và chỉ sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện, trí nhớ dần hồi phục.
Cũng theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H tử vong trước đó, khi xét nghiệm lại mẫu máu còn lưu cho thấy nồng độ thiếc trong máu cao gấp trên 50 lần ngưỡng cho phép.
Chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc?
Lãnh đạo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, trong số các bệnh nhân đến thăm khám, có người đến kiểm tra mặc dù không có triệu chứng. Tuy nhiên, kết quả lâm sàng khi xét nghiệm thấy có hạ kali máu nặng, có nhiễm toan chuyển hóa hoặc tổn thương não trên phim cộng hưởng từ và nồng độ thiếc trong máu tăng rõ.
Đồng thời, các bệnh nhân bày tỏ, có những người khác cùng làm ở bộ phận đó trong thời gian ngắn, mới làm vài ngày nhưng thấy mệt, khó chịu và không chịu nổi nên phải tự bỏ việc.
Như vậy, theo giới chuyên gia điều trị, rất có thể còn có những người khác bị nhiễm độc tương tự nhưng chưa được phát hiện, hoặc có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.
Thông tin thêm về các trường hợp nhiễm độc thiếc, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các bệnh nhân trên bị nhiễm độc thiếc cấp tính, với các đặc điểm điển hình do hợp chất thiếc hữu cơ gây ra.
Cụ thể, thiếc gồm có thiếc dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Thiếc kim loại và thiếc vô cơ về cơ bản không độc. Tuy nhiên, các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, rất dễ hấp thu qua đường hô hấp, qua da và qua đường tiêu hóa.
“Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl. Đây là các hợp chất có một công dụng là làm chất ổn định nhựa (plastic stabilizer), ổn định nhiệt (heat stabilizer), được cho vào nhựa giúp nhựa bền vững với nhiệt. Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, miễn dịch, máu”, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Vị chuyên gia hàng đầu về chống độc của Việt Nam cũng thừa nhận, hiện nay, trên thế giới và trong nước vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc, do đó việc điều trị khó khăn, các bác sỹ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh.
Vấn đề lớn đặt ra với các y bác sĩ là tìm hiểu rõ nguy cơ tổn thương não tiến triển ra sao, quá trình hồi phục, diễn biến bệnh liệu có nặng lên hay để lại những di chứng gì.
Cảnh báo: Có thể còn trường hợp nhiễm độc thiếc chưa được phát hiện
Đánh giá nhiễm độc thiếc là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở Việt Nam và thực sự ảnh hưởng tới người lao động, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, ở Việt Nam có lẽ đây là những ca đầu tiên ở trong nước được phát hiện. Trên thế giới cũng mới chỉ ghi nhận một số ca.
“Nguy cơ nhiễm độc thiếc ở nước ta là có khi hiện tượng tái chế nhựa và khai khoáng vẫn đang có ở nhiều nơi”, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai lưu ý.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, cả 7 trường hợp nhiễm độc thiếc đầu tiên ở Việt Nam đều là bệnh đặc biệt, từ trước đến nay chưa được nghĩ tới nên dễ bị bỏ quên, dễ nhầm với các bệnh khác. Vị chuyên gia dẫn chứng, chẳng hạn như, tổn thương não chất trắng lại nghĩ do viêm não hoặc các bệnh não khác.
Trước thực tế trên và nhu cầu bức thiết, phía Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Bộ Y tế, Sở y tế địa phương, các cơ quan liên quan để phối hợp tìm ra nguyên nhân, giải quyết để hạn chế tối thiểu nguy cơ nhiễm độc tiếp theo cũng như có hướng dẫn phòng tránh kịp thời.
Bên cạnh đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng kêu gọi những công nhân làm việc trong các môi trường đặc thù độc hại khẩn trương đi kiểm tra sức khỏe, ít nhất là sàng lọc tại bệnh viện tỉnh (với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Trung tâm đã có hướng dẫn về sàng lọc phát hiện nhanh).
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bệnh viện tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương), thời gian qua đã có 15 bệnh nhân tới Bệnh viện tỉnh Hải Dương khám, trong đó có 8 bệnh nhân ù tai, nghe kém, 6 bệnh nhân có hạ kali máu.
Những bệnh nhân này đều được khuyến cáo cần nhập viện để đánh giá tiếp và điều trị. Tuy nhiên, điều đáng ngại là hiện chưa có ai trở lại nhập viện, theo dõi và điều trị, do đó nguy cơ nhiễm độc và di chứng do nhiễm độc thiếc gây ra là rất khó lường.