Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương hiện khá phức tạp. Giải mã gen virus corona gây bệnh ở Hải Dương giống mã gen SARS-CoV-2 được phát hiện tại Đà Nẵng.
Tại TP.HCM, công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép mắc coronavirus (bệnh nhân 912) từng tiếp xúc 63 người, trong đó có 13 nhân viên y tế, 50 công an quận Tân Bình.
Liên quan đến ca bệnh khó – bệnh nhân 964, được phát hiện dương tính với nCoV sau hơn một tháng từ Đà Nẵng về, chuyên gia y tế cho rằng, chưa đủ cơ sở khẳng định nữ nhân viên CDC Quảng Nam ủ bệnh dài trong vòng một tháng trời.
Việt Nam thêm 12 ca mắc Covid-19
Bộ Y tế Việt Nam chiều nay cho biết, cả nước vừa có thêm 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 11 ca phát hiện tại cộng đồng (Đà Nẵng 6 người, Hải Dương 4 người, Hà Nội một ca) và một trường hợp từ Guinea Xích đạo về trước đó, được cách ly ngay sau nhập cảnh. Tổng ca mắc Covid-19 của Việt Nam là 976.
Cụ thể, các bệnh nhân số 956 đến 968 và 974-975 đều ở Đà Nẵng. Độ tuổi mắc coronavirus từ 33 – 59. Trong đó, có ba trường hợp là người nhà bệnh nhân, một người là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, một ca là bảo vệ tại Bệnh viện Đà Nẵng, người còn lại trú tại quận Thanh Khê hiện vẫn đang được điều tra dịch tễ.
Bệnh nhân số 969 tại Hà Nội như Sputnik Việt Nam đã thông tin vào buổi sáng, đây là F1 của bệnh nhân số 962. Cô gái 25 tuổi, sống ở phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Đông Anh.
Bệnh nhân mắc coronavirus từ 970-973 đều trú tại Hải Dương, với độ tuổi 13-41, liên quan đến ổ dịch quán ăn Thế giới Bò tươi đường Ngô Quyền, Hải Dương (trước đó đã ghi nhận 6 ca tại ổ dịch này). Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Ca bệnh 976 tại Hà Nội là nam, 42 tuổi, có địa chỉ tại Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa. Ngày 29/7, bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo về sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN6 và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (Đông Anh). Sau xét nghiệm lần 3 đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 639 ca lây nhiễm trong nước, trong đó số ca có liên quan đến Đà Nẵng tính từ 25/7 đến nay là 499 trường hợp trải dài ở 15 địa phương.
Theo thống kê, Đà Nẵng ghi nhận 350 ca, Quảng Nam 91, TP HCM 11, Hà Nội 10, Quảng Trị 7, Bắc Giang 6, Quảng Ngãi 5, Lạng Sơn và Hải Dương 9, Đắk Lắk 3, Đồng Nai 2, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa mỗi tỉnh một ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 107.642 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 4.015, tại cơ sở cách ly tập trung là 24.948 và ở nhà/nơi cư trú là 78.679.
Về tình hình điều trị, Tiểu Ban Điều trị cho biết, hôm nay có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong đó, có 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (gồm các ca bệnh số 435, 455, 571, 610, 611, 712), 3 bệnh nhân tại Trung tâm y tế Hòa Vang(bệnh nhân số 492, 555, 819) và hai bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Và Bệnh phổi Trà Vinh (ca bệnh số 559, 560).
Như vậy, đến thời điểm này có 467 bệnh nhân/976 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam được công bố khỏi bệnh.
Đồng thời, tính đến chiều nay, trong số các bệnh nhân đang điều trị coronavirus tại Việt Nam, có 47 người đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 23 ca đã âm tính từ 2 lần trở lên và số ca âm tính 3 lần là 48 người. Số ca tử vong của Việt Nam tính đến nay vẫn là 24.
Tình hình dịch Covid-19 ở Hải Dương phức tạp
Bộ Y tế Việt Nam ngày 17/8 khẳng định, sau Đà Nẵng, sẽ tiếp tục chi viện cho Hải Dương nhằm dập ổ dịch tại địa phương này.
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Hải Dương trong việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cử các đội công tác hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan trong việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và thu dung, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương hiện khá phức tạp. Cũng trong ngày 17/8, UBND tỉnh này đã có Quyết định thiết lập thêm vùng cách ly tại cụm dân cư để phòng, chống dịch bệnh do coronavirus gây ra.
Theo đó, Hải Dương quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu phố Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương (đoạn từ số nhà 98 đến ngã tư tiếp giáp đường Thanh Bình), bao gồm các phần đường và các ngõ lân cận như phố Trần Nguyên Đán cắt qua đường Nguyễn Văn Linh, từ số nhà 71 đến số nhà 113, ngõ 166 từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến số nhà 31, ngõ 186 từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến số nhà 6, ngõ 237 từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến số nhà 28, ngõ 253 từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến số nhà 7, khu phố Ngô Quyền (đoạn từ số nhà 154 đến số nhà 210), phường Tân Bình, thành phố Hải Dương.
Toàn bộ ngõ 64 phố Quang Trung, phương Quang Trung, TP. Hải Dương cũng như toàn bộ khu phố Lại Kim Bảng (gồm các điểm lân cận, tiếp giáp với Mai Hắc Đế, Tăng Bạt Hổ, Trần Tiến), phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện cách ly y tế phải đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự và an sinh xã hội trong vùng cách ly.
Bên cạnh đó, liên quan đến công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, sau khi tiến hành giải mã gen virus corona gây bệnh ở địa phương này, các chuyên gia y tế Việt Nam phát hiện giống mã gen SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Đà Nẵng.
Theo đó, khả năng người mang coronavirus sớm nhất tại Hải Dương mang yếu tố mầm bệnh trong khoảng thời gian từ ngày 24-28/7. Đến tuần đầu tiên tháng 8 đã đủ thời gian ủ bệnh làm người mắc bệnh nặng lên. Điển hình như trường hợp bệnh nhân 867 khi phát hiện đã tổn thương phổi khá nặng.
Bộ Y tế nhận định, thời điểm hiện nay các ca bệnh mới trong cộng đồng sẽ xuất hiện và bệnh có thể diễn biến nặng nên tỉnh cần tập trung quyết liệt để khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm nhanh.
Đồng thời, ngành y tế cần có phương án xét nghiệm với quy mô lớn để sàng lọc những trường hợp liên quan tới các ổ dịch (quán ăn Thế giới bò tươi). Đối với những người có dấu hiệu ho, sốt trong cộng đồng không có yếu tố dịch tễ rõ ràng cũng đều phải thực hiện xét nghiệm.
Bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang diễn tiến nặng
Theo thông tin được cung cấp bởi bác sĩ Phạm Văn Phúc, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng. Trong số đó, bệnh nhân 793 ở Bắc Giang có dấu hiệu nặng hơn, được cho thở máy.
Bác sĩ Phúc cho biết, đa phần các trường hợp mắc Covid-19 thường sẽ diễn biến xấu trong vòng ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 sau khi khởi phát bệnh. Bệnh nhân 793 đang ở trong giai đoạn này. Hiện đây là ngày thứ 12 kể từ thời điểm bệnh nhân khởi phát bệnh nên chức năng phổi đang diễn biến xấu đi, tạm thời phải thở oxy không xâm nhập 100%. Bệnh nhân hiện đã dứt cơn sốt.
Thầy thuốc nhận định ca này sẽ còn tiến triển nặng lên. Hiện bệnh nhân được cho dùng kháng sinh, kháng virus và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời sử dụng máy để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.
Hai trường hợp nặng còn lại là bệnh nhân 812 và bệnh nhân 867. Sức khỏe những bệnh nhân này đã tiến triển tốt hơn.
Trong số đó, bệnh nhân 812 được đánh giá là ca nặng nhất. Bệnh nhân này lây từ bệnh nhân 447 (nhân viên tiệm bánh pizza, đi du lịch Đà Nẵng về). Ngày 3/8, bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, mệt mỏi, chán ăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sau đó đã lấy mẫu bệnh phẫu đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hôm qua tình trạng sốt của bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ kiểm soát bằng thuốc kháng sinh để điều trị. Hiện bệnh nhân cắt sốt, các chỉ số huyết động, oxy ổn định. Ngoài ra, theo kết quả chụp chiếu X Quang và xét nghiệm khí máu, chức năng phổi của bệnh nhân cũng đã cải thiện hơn.
Vài ngày trước, phổi bệnh nhân 867 (63 tuổi) được đánh giá bị tổn thương khoảng 60%, phải thở oxy lưu lượng cao. Hiện bệnh nhân đã bỏ được thở oxy lưu lượng cao, đang thở oxy kính. Phổi bệnh nhân cải thiện, tổn thương giảm xuống còn khoảng 40%, đáp ứng điều trị tốt, đã cắt cơn sốt, tất cả các chỉ số huyết động, xét nghiệm đều ổn định.
Theo bác sĩ Phúc, nếu được điều trị tốt thì khoảng 3,4 hôm nữa khả năng cao bệnh nhân sẽ cai máy thở, chuyển đến Khoa Virus - Ký sinh trùng điều trị.
“Bệnh nhân này thực tế rất nặng, phổi tổn thương rất nhiều, rất rộng nhưng đáp ứng tốt với máy thở không xâm nhập. Hiện bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc”, bác sĩ Phúc cho biết.
Ngoài ra, bệnh nhân này còn đang bị rối loạn dung nạp đường huyết. Đây là tình trạng thường xuyên gặp phải ở những bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn, virus) khiến đường máu tăng. Mặc dù vậy, đây không được coi là bệnh nền, chỉ cần xử lý kìm hãm đường máu là sẽ ổn định.
Hiện tại ba bác sĩ vòng trong và bác sĩ Trưởng khoa vòng ngoài, phối hợp cùng điều dưỡng điều trị ba bệnh nhân nặng.
“Chúng tôi luôn theo dõi sát những trường hợp này 24/24 giờ để có thể kịp thời cấp cứu nếu diễn tiến xấu”, bác sĩ nói.
Công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 từng tiếp xúc 63 người
Hiện kết quả xét nghiệm của 13 nhân viên y tế, 50 công an quận Tân Bình tiếp xúc bệnh nhân 912, người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đều cho âm tính. Đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Thị Hồng Tiến báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP. HCM chiều 17/8.
Theo đó, bệnh nhân 912 được Bộ Y tế công bố hôm 15/8 là một trong 8 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị Công an quận Tân Bình bắt giữ hôm 30/7. Lực lượng công an đã bàn giao trường hợp này lại cho Trung tâm Y tế quận và đưa tới khu cách ly tập trung ở quận 7 ngay trong ngày.
Sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông báo một ca dương tính SARS-CoV-2, cơ quan chức năng quận Tân Bình đã điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này.
“13 nhân viên y tế, 50 Công an phường 1 và 2 của quận Tân Bình có tiếp xúc đã được lấy mẫu xét nghiệm. Hôm 16/8, đã có kết quả và tất cả đều âm tính”, bà Tiến cho biết.
Trước đó, Sở Y tế thành phố báo cáo, bệnh nhân 912 (27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ ngày 27/7 bằng đường tiểu ngạch ở phía Bắc (chưa rõ tỉnh), đi xe khách vào TP HCM ngày 29/7.
Ngày 13/8, bệnh nhân được ghi nhận dương tính SARS-CoV-2 sau 3 lần lấy mẫu xét nghiệm. Hiện bệnh nhân được điều trị ở Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhận định, trường hợp này nếu không được phát hiện, trà trộn vào cộng đồng sẽ lây bệnh, tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây. Khi đó, công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi TP HCM là địa phương có lượng dân số lớn và là đầu mối giao thương của cả nước.
Nói về tình trạng nhập cảnh trái phép, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua thành phố đã phát hiện 114 người nhập cảnh trái phép, trong đó có 110 trường họp là người Trung Quốc. Tất cả các đối tượng trên đều được đưa đi xét nghiệm và cách ly tập trung theo quy định. Trong số đó, đã phát hiện một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công an thành phố tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra người nhập cảnh trái phép. Cùng với đó, đơn vị này sớm tham mưu UBND thành phố về việc lập các chốt kiểm soát dịch bệnh cũng như nhanh chóng hoàn tất điều tra, để sớm đưa ra xét xử các vụ án đưa người nhập cảnh trái phép.
Sở Y tế thành phố thông tin cho biết, tính 11h30 hôm nay, thành phố đang cách ly, điều trị 15 bệnh nhân, gồm 8 trường hợp phát hiện trong cộng đồng (liên quan ổ dịch tại Đà Nẵng) và 7 người nhập cảnh (một người nhập cảnh trái phép). Tất cả các bệnh nhân này đều có sức khỏe ổn định.
Có 1.284 người đang được cách ly tập trung; 322 chuyên gia người nước ngoài đang cách ly tại các khách sạn; 3.634 người đang cách ly, theo dõi tại nhà.
Đến nay đã có 53.317 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1/7 thực hiện khai báo y tế tại 24 quận huyện. Tất cả các trường hợp trên đã được lấy mẫu xét nghiệm. Trong số đó, 52.675 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính (các bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568, 589), số còn lại đang chờ kết quả.
Trong hai ngày 13-14/8, TP HCM đã đón 632 người kẹt ở Đà Nẵng trở về địa phương qua sân bay Tân Sơn Nhất. Những người này đã được đưa đi cách ly tập trung tại TP. HCM (297 người) và Bà Rịa - Vũng Tàu (335 người).
Ngành y tế và chính quyền địa phương thành phố đang tiếp tục công tác vận động người đến từ Đà Nẵng khai báo y tế để được xét nghiệm kiểm tra, theo dõi sức khỏe (trong 2 ngày 15-16/8 đã có thêm 868 người tiến hành khai báo).
Vì sao chưa thể khẳng định nữ cán bộ CDC Quảng Nam ủ bệnh trong vòng 1 tháng?
Liên quan đến ca bệnh số 964, được Bộ Y tế công bố sáng 17/8 sau hơn 1 tháng từng đến Đà Nẵng, BS. Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết, địa phương đang khẩn trương truy vết, tìm nguồn lây nhiễm của ca bệnh này.
Bệnh nhân 964 đến Đà Nẵng vào thời điểm thành phố này chưa bùng phát dịch Covid-19.
“Chúng tôi đang truy vết tìm đầu mối tiếp xúc bệnh nhân. Đây là ca bệnh khó. Khi bệnh nhân có triệu chứng, ngành y tế sẽ lập tức lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng sau khi đi Đà Nẵng về, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Do đó, bà chỉ được lấy mẫu theo các đợt quy định của ngành y tế”, ông Hai khẳng định.
Trao đổi về khả năng nữ bệnh nhân này ủ bệnh 1 tháng trời, BS. Trương Hữu khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, hiện chưa có cơ sở khẳng định nữ cán bộ CDC Quảng Nam ủ bệnh trong vòng một tháng.
Theo BS. Khanh chia sẻ trên Zing, bệnh nhân có khả năng tiếp xúc virus khi ở Đà Nẵng. Sau khi rời Đà Nẵng, bà có thể đã nhiễm và mang virus trong hầu họng. Tuy nhiên, lúc này, nữ nhân viên CDC Quảng Nam chưa được xét nghiệm rRT-PCR để khẳng định mắc Covid-19. Bệnh nhân cũng có thể lây virus do tiếp xúc người địa phương hoặc trường hợp liên quan tâm dịch Đà Nẵng.
Vị chuyên gia nêu giả thiết,n được xét nghiệm rRT-PCR sớm, người này có thể được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ngay lúc đó.
“Chúng ta chưa thể nói bệnh nhân này ủ bệnh một tháng. Tuy nhiên, đây là trường hợp khá nguy hiểm khi dương tính trước đó. Các ca F1, F2 cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ”, BS. Trương Hữu Khanh cho biết.
Theo đó, nếu nữ bệnh nhân này được xét nghiệm, kết quả âm tính trong 14-15 ngày liên tiếp và không tiếp xúc với ai, sau đó lại dương tính vào cuối tháng, chúng ta mới có thể khẳng định bà ủ bệnh trong một tháng.
Nữ cán bộ CDC Quảng Nam (bệnh nhân 964) hiện đang được cách ly, chữa trị tại khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.