Khi gấu trúc nhường chỗ cho vaccine: Trung Quốc mời chào món quà khác cho các nước hữu hảo

Trung Quốc đang sử dụng vaccine ngừa coronavirus vào mục đích đối ngoại nhằm tăng cường quan hệ với các nước khác và duy trì ảnh hưởng của mình, vốn đang bị lung lay mạnh bởi đại dịch, tờ The Wall Street Journal viết. Vaccine trong địa chính trị có thể đóng vai trò tương tự như những con gấu trúc mà Bắc Kinh chỉ dành gửi cho các nước hữu hảo.
Sputnik

Như tờ WSJ cho biết, Bắc Kinh đã thoả thuận với một số nước về việc sớm tiếp cận các nguyên mẫu vaccine bất hoạt của Trung Quốc để thử nghiệm và các lô cung cấp tiếp theo. Theo nhận xét của tờ báo, Bắc Kinh đang sử dụng vaccine để củng cố vị thế toàn cầu của mình sau cơn đại dịch, vốn đã làm lung lay và đứt đoạn đáng kể các liên hệ địa chính trị. Báo dẫn ý kiến của các chuyên gia, tin chắc rằng không chỉ Trung Quốc mà còn cả Nga và các nước khác đang cố gắng sử dụng vaccine như một công cụ ngoại giao trong điều kiện đại dịch thúc đẩy nhu cầu mới bức thiết.

Ở Nga đang thử nghiệm vaccine của Trung Quốc

Trung Quốc đã hứa hẹn dành ưu tiên tiếp cận vaccine cho Philippines, còn công ty tư nhân Sinovac Biotech Ltd. đã đồng ý hợp tác với Brazil và Indonesia về sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine để sử dụng tại chỗ ở các địa phương này, - như WSJ thống kê. Theo thỏa thuận với Pakistan, Islamabad sẽ nhận số liều vaccine tiêm cho khoảng 1/5 dân số 220 triệu người của đất nước. Đổi lại, Pakistan cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine Trung Quốc trên lãnh thổ nước mình - tức là tiêm cho người dân Pakistan.

Nga cũng không là ngoại lệ. Tại địa bàn Nga có thể bắt đầu việc sản xuất loại vaccine là chế phẩm của CanSino Biologics Inc. cùng với Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh và Học viện Khoa học Quân y (thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc). Ở Nga, giai đoạn III thử nghiệm loại vaccine này sẽ được tiến hành với việc tiêm cho số lượng lớn người. Trước khi sản xuất, chế phẩm còn cần phải qua khâu đăng ký tại Nga và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu. Công ty «Petrovax» dự định sản xuất vaccine Trung Quốc tại nhà máy của mình ở tỉnh Matxcơva để bán trên địa bàn Nga và các nước SNG.

Vaccine Trung Quốc tạo miễn dịch chống COVID-19 như thế nào?

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc và các tỷ phú người Hoa đã cung cấp viện trợ nhân đạo giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng vì coronavirus - chủ yếu là khẩu trang, bộ đồ bảo hộ và thiết bị y tế. WSJ cho rằng việc cung cấp vaccine có thể là tiếp nối tuyến hành động này. Trung Quốc hiện có 3 trong số 6 loại vaccine trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Vaccine duy nhất được đăng ký chính thức vào thời điểm này là của Nga. Theo lời ông Kirill Dmitriev đứng đầu Quỹ Nga về đầu tư trực tiếp, Nga đã nhận được đăng ký sơ bộ từ 20 nước yêu cầu mua hơn 1 tỷ liều vaccine. Đồng thời, giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng cũng sẽ được xúc tiến, bao gồm cả ở nước ngoài - ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia và các nước khác. Như ông Dmitriev cho biết, còn có một số nước khác thể hiện mối quan tâm đến thành quả sáng chế vaccine của Nga, cụ thể là Israel, Philippines, Serbia và Brazil.

Vaccine Trung Quốc có thể ảnh hưởng gì đến chính trị ở Biển Đông?

Trên bình diện lợi ích địa chính trị, Trung Quốc có thể giành được sự ủng hộ của các nước khác với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi nước này đang cạnh tranh với sự hiện diện của Hoa Kỳ. Tờ báo WSJ nêu giả thiết rằng trong bối cảnh đại dịch vaccine ngừa bệnh COVOD-19 sẽ có thể giúp cải thiện bang giao của Bắc Kinh với các nước khác nhờ làm xấu đi quan hệ của họ với Washington. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai quốc gia cũng đang diễn ra cả trong chạy đua vaccine: hồi đầu tháng 8, cả Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ đều tiến hành đàm phán với Ngoại trưởng Malaysia về cung cấp vaccine, bởi cả hai đều cố tìm cách cải thiện quan hệ với Kuala Lumpur, - như The Wall Street Journal phản ánh.

Trung Quốc còn nhắm tới lợi ích khác trong «món quà» vaccine

Trên thực tế Trung Quốc hầu như đã đã đánh bại coronavirus trên lãnh thổ của mình, phát sinh rất ít ca lây nhiễm mới, điều đó lại có mặt trái là gây khó cho khâu tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Đồng thời, Trung Quốc sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc phân phối vaccine cho các nước khác, chứ không giống như Hoa Kỳ, nơi đại dịch coronavirus còn đang tiếp tục tác oai tác quái. Bộ trưởng Y tế và An sinh xã hội Hoa Kỳ Alex Azar đã tuyên bố rằng nước Mỹ chỉ xuất khẩu vaccine sau khi đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nội địa.

Trung Quốc thử nghiệm vaccine thứ hai chống COVID-19
«Chiến lược này của Trung Quốc có thể trở thành điều xấu hổ nếu như vaccine không hiệu nghiệm, hoặc qua thời gian xuất hiện những vấn đề về độ an toàn, hoặc các công ty không đảm bảo sản xuất được đúng số lượng như đã hứa hẹn», - WSJ dẫn bình luận của ông John Donnelly, Giám đốc tập đoàn Vaccinology Consulting LLC.

Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Khoa học và Hải quan Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận của WSJ.

Đọc thêm:

Thảo luận