Ngộ độc pate Minh Chay, Việt Nam chưa có thuốc chữa, Cục An toàn Thực phẩm lên tiếng

Theo các chuyên gia y tế, độc tố do vi khuẩn Clostridium Botulinum có chứa trong pate Minh Chay sẽ tác động đến các dây thần kinh và làm tê liệt cơ. Tỷ lệ tử vong đối với những trường hợp ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay rất cao, khoảng 20%, hiện Việt Nam vẫn chưa có thuốc chữa độc tố Botulinum.
Sputnik

Hôm nay, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng lên tiếng về quá trình xử lý vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc vì nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Tại TP.HCM diễn ra buổi họp báo vụ ngộ độc pate Minh Chay. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đã xác định được 1.123 người mua sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới nhưng hiện chưa liên lạc được với 122 người còn lại.

Trong khi đó, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam đã yêu cầu rà soát việc mua bán, sử dụng pate Minh Chay trên toàn quốc.

Chưa thu hổi nổi 10% số pate Minh Chay có độc tố đã bán ra

Chiều 1/9, Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (ATTP) TP.HCM họp báo cung cấp thông tin liên quan đến vụ ngộ độc pate Minh Chay, cụ thể là vụ 9 bệnh nhân nhập viện sau khi ăn Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (trụ sở tổ 2, Thị trấn Đông Anh, Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cung cấp thông tin tại buổi họp báo cho biết đến chiều 1/9 cơ quan chức năng đã xác định được 1.223 người mua sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Tuy nhiên, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM mới liên hệ được 1.101 người, 122 người chưa liên hệ được do nhiều nguyên nhân. Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã thu hồi 103 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay, trong ngày 30/8, Ban Quản lý tiến hành rà soát nắm bắt thông tin số cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đã mua và sử dụng các sản phẩm pate Minh Chay.

Theo bà Lan, hiện có 1.290 người tiêu dùng đã mua 1.559 hộp sản phảm Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới trên địa bàn Thành phố.

Tiếp đến, ngày 31/8, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã yêu cầu lãnh đạo 24 quận, huyện triển khai thực hiện xử lý khẩn cấp các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Đồng thời, Ban quản lý cũng đã tiến hành xác minh, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân không sử dụng và thu hồi các sản phẩm gồm: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì.

Ngộ độc pate Minh Chay, Việt Nam chưa có thuốc chữa, Cục An toàn Thực phẩm lên tiếng

Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, có một khách hàng tại Q.5 (TP.HCM) mua 3 hộp Pate Minh Chay, đã sử dụng hết một hộp và đem tặng 2 hộp cho một người quen ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban Quản lý đã liên hệ và cung cấp thông tin cảnh báo cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Lan khuyến cáo người dân đã mua sản phẩm trên thì dừng ăn, bỏ riêng một chỗ chờ cơ quan chức năng thu hồi.

Bên cạnh đó, đại diện Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng cho biết, đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được vào khoảng chưa đầy 10% tổng số lượng pate Minh Chay đã bán ra.

“Khi gọi điện, chúng tôi cảnh báo người dân ngừng sử dụng, nhưng không phải ai cũng hợp tác. Có người đích thân mang sản phẩm tới để nộp, nhưng có không ít người mua để biếu tặng hoặc bán lại nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, lỡ ai ăn rồi thì phải liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe. Bởi thực phẩm này có nguy cơ gây tử vong, trong trường hợp không tử vong thì cũng có thể khiến bệnh nhân bị liệt, rất nguy hiểm”, bà Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.

Theo thống kê của nhà chức trách, tính đến ngày 1/9, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận 9 bệnh nhân có sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy 6 ca (2 ca chuyển từ Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, 2 ca chuyển từ Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Nai, 2 ca chuyển từ Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 2 ca chuyển từ Bệnh viện Long An. Và Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 1 ca chuyền từ Bệnh viện Bình Dương.

Đặc điểm chung của các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay là “không bị sốt, mà sau khi ăn xong một ngày thì sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sụp mí, khó thở”.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói gì về vụ pate Minh Chay?

Trưa nay, ngày 1/9, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin về quá trình xử lý vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc vì nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khoảng 15h ngày 19/8, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nhận được điện thoại của Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm ngày 18/8 từ Viện Lão khoa Trung ương và được Trung tâm chống độc chuẩn đoán ban đầu (theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum).

Ngộ độc pate Minh Chay, Việt Nam chưa có thuốc chữa, Cục An toàn Thực phẩm lên tiếng

Qua tìm hiểu của Trung tâm chống độc, cả hai bệnh nhân trên đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, lần sử dụng cuối cùng là cuối tháng 7/2020.

“Ngay lập tức, cùng ngày 19/8/2020, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn hỏa tốc số 1907/ATTP-NĐTT đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin”, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Đến ngày 20/8, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội và ghi nhận, đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp từ ngày 3/1/2020.

“Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước. Đoàn kiểm tra đã giao phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh, đồng thời đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum”, lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm nêu rõ.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay, đồng thời, trong thời gian này, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia nhận mẫu bệnh phẩm (mẫu phân bệnh nhân) và mẫu pate dùng dở dang của bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Bộ Y tế cảnh báo Pate Minh Chay chứa độc tố mạnh dễ gây tử vong

Đến ngày 25/8, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thông báo kết quả ban đầu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và hộp pate dùng dở dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng không điển hình, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đề nghị thêm thời gian nuôi cấy để có kết quả chính xác.

“Với kết quả ban đầu này cả các đơn vị kỹ thuật, điều trị và cơ quan quản lý đều khẳng định chưa đủ cơ sở để kết luận việc nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay là do quá trình sản xuất hay quá trình sử dụng”, ông Phong cho biết.

Sau đó, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia khẩn trương tiến hành xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất đối với sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp.

Đến chiều ngày 28/8, Cục An toàn thực phẩm nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm Pate Minh Chay, đồng thời vào lúc 18h cùng ngày Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum.

“Ngay lập tức, cá nhân tôi đã điện thoại cho đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị có cuộc họp gấp ngay trong đêm với Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Lãnh đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm. Sau khi nghe báo cáo và phân tích kết quả xét nghiệm của 2 Viện, đại diện các đơn vị đã thống nhất khẳng định sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum  gây ngộ độc cho người bệnh (cuộc họp kết thúc vào 22h ngày 28/8/2020)”, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Đồng thời, sang ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm đã đăng thông tin cảnh báo trên website Cục và yêu cầu thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thông tin này.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 1995 gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, giám sát, thu hồi sản phẩm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định, Cục đã khuyến cáo người tiêu dùng nếu đã sử dụng sản phẩm mà có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Một động thái đáng chú ý khác, đó là, ngày 29/8, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã phát ngôn chính thức trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam để cảnh báo về việc thu hồi và dừng sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới.

Cũng trong ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm ban hành Công văn số 1996 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (đơn vị quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới) đề nghị tiếp tục kiểm tra, xác minh vi phạm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới và chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khi có dấu hiệu hình sự theo quy định.

Tuy nhiên, trước việc hai ngày gần đây xuất hiện thông tin cho rằng, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm pate Minh Chay nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum từ sớm hơn, nhưng đến ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm mới phát đi cảnh báo thu hồi sản phẩm, hành động như vậy là quá chậm trễ. Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong không đồng tình với ý kiến này.

“Có thể khẳng định từ khi tiếp nhận thông tin vụ việc, với quan điểm sức khỏe của người dân là tối thượng, Cục An toàn thực phẩm đã hành động với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật để xử lý vụ việc. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ động cơ của việc phát tán thông tin trên”, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp Việt Nam vào cuộc vụ chất độc có trong pate Minh Chay

Cũng trong một động thái liên quan, ngày 1/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban quản lý an toàn thực phẩm các địa phương gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh về việc phối hợp xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm như pate Minh Chay.

Cụ thể, Nafiqad yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với sở y tế địa phương triển khai đầy đủ và kịp thời các nội dung theo văn bản số 1995/ATTP-NĐTT của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Việt Nam đã có ca tử vong đầu tiên vì nhiễm độc thiếc
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương điều tra, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, Nafiqad yêu cầu Sở NN&PTNT TP. Hà Nội chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế khẩn trương kiểm tra, xác minh việc tuân thủ các quy định về ATTP như chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP, công bố sản phẩm.

“Cần sớm có kết quả điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới và xử lý vi phạm theo đúng quy định. Sau đó, báo cáo nhanh kết quả triển khai về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trước ngày 3/9 để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”, Nafiqad nhấn mạnh.
Chất độc Botulinum có trong pate Minh Chay nguy hiểm như thế nào?

Liên quan đến hàng chục ca nhập viện do ngộ độc pate Minh Chay, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, kinh nghiệm ba mươi năm trong nghề, đến nay, ông mới gặp ca bệnh nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum đầu tiên.

“Bệnh lý này chủ yếu do độc tố vào cơ thể nó làm tổn thương các đầu mút dây thần kinh dẫn tới các cơ không còn nữa nên bị liệt cơ”, TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.

Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho hay, việc nhận biết bị ngộ độc loại này không dễ dàng.T giai đoạn đầu, người bệnh có thể có tình trạng rối loạn tiêu hoá sau khi ăn thức ăn nhiễm bẩn, bệnh nhân đau bụng, nôn ói, mệt mỏi giống như các ngộ độc thường thấy. Tuy nhiên loại ngộ độc này sau đó tiến triển rất nhau có thể dẫn đến tính trạng nói khó, nuốt khó, sụp mí.

Ăn thịt chó mèo bị đầu độc xyanua ở Việt Nam: Sướng miệng, hại thân
Ngoài ra, nếu mắc bệnh lý do viêm nhiễm thì có sốt, nhưng bệnh này không sốt. Đồng thời, khi thấy tình trạng yếu tứ chí hay liệt cơ nhiều người lại nghĩ đến các bệnh lý thần kinh, nhưng nếu là bệnh lý thần kinh thì sẽ có rối loạn tri giác, nhưng bệnh này cũng không bị rối loạn tri giác mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo chỉ là khó thở và liệt tứ tri.

Trong khi đó, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vi khuẩn Clostridium Botulinum thực sự không phải là sinh vật hiếm, mà ngược lại, nó tồn tại rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất và phân. Nước ao, nước sông hồ, thậm chí trong các hạt bụi bẩn, ở động vật đều có thể tìm thấy vi khuẩn.

Ông Phúc cho hay, loại vi khuẩn này rất sợ axit và nhiệt, nhưng điểm yếu lớn nhất của nó là kị khí, vi khuẩn sẽ không phát triển mạnh ở những nơi có thông gió tốt, đặc biệt là môi trường đủ oxy vi khuẩn không thể hoạt động, ngược lại càng thiếu không khí và oxy nó cảng sinh sôi nảy nở mạnh (yếm khí).

“Ở nhiệt độ 25 - 42℃, Clostrium Botulinum phát triển cực tốt, nó tạo ra một lượng rất lớn độc tố. Môi trường pH thuận lợi từ 4,6 – 9,0. Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ, đó là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc”, BS. Trần Văn Phúc nêu rõ.

Theo chuyên gia y tế, biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 – 36 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.

Để nhận biết, cần lưu ý các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.

Thu giữ hơn 7000 thực phẩm từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn

“Độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Biểu hiện các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ)”, BS. Hùng đồng quan điểm với Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy.

BS Hùng còn cho biết thêm, trong trường hợp nặng hơn nữa, các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên là không nhấc đầu lên được. Sau đó không đứng hay ngồi dậy được.

“Nặng lên có biểu hiện liệt toàn thân, với trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp”, vị bác sĩ của BV Xanh Pôn cho hay.

Được biết, ở Việt Nam hiện chưa có thuốc giải độc tố Botulinum. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin với báo chí cho biết, để điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc nặng sau khi ăn pate nhãn hiệu Minh Chay bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, bệnh viện đã dùng thuốc giải độc chuyển về từ Thái Lan, giá mỗi lọ lên tới 8.000 USD.

Thảo luận