Việt Nam lại xuất hiện ca lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng. Bộ Y tế chiều nay thông tin cho biết, cả nước có hai trường hợp mắc virus corona mới ở Hải Dương và Khánh Hòa, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên thành 1.046 ca nhiễm Covid-19.
Liên quan đến bệnh nhân Covid-19 số 764, Bộ Y tế thông tin cho hay, trường hợp này đã tử vong do các biến chứng của bệnh nền nặng và ba lần xét nghiệm âm tính với coronavirus.
Liên quan đến ca bệnh số 1045, lây nhiễm nCoV trong cộng đồng vừa được Bộ Y tế Việt Nam thông tin chiều nay, hiện tại, ngành y tế Hải Dương vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2.
Việt Nam thêm hai ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Hải Dương
Bản tin chiều nay lúc 18h của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin cho hay, ngày 2/9, cả nước có thêm hai ca mắc SARS-CoV-2 mới. Trong đó, đáng chú ý, có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng ở Hải Dương và một ca được cách ly ngay sau nhập cảnh ở Khánh Hòa.
Hiện tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam là 1.046 người. Tính đến 18h chiều nay, đã có 691 ca nCoV do lây nhiễm trong nước và số ca mắc coronavirus mới từ thời điểm 25/7 đến nay là 551.
Thông tin về hai trường hợp nhiễm mới vừa được ghi nhận, Bộ Y tế cho biết, ca bệnh số 1045 được phát hiện ở Hải Dương là ông cụ 72 tuổi, cư trú tại xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Về quá trình khởi phát bệnh, Bộ Y tế thông tin, ngày 19/8 bệnh nhân khởi phát các dấu hiệu lâm sàng như sốt, đau đầu, mệt mỏi. Ngày 30/8 bệnh nhân nhập viện, được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Tiếp đó, đến ngày 1/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cụ ông 72 tuổi này dương tính với coronavirus.
Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Bộ Y tế cũng cho biết, ngày 2/9, kết quả xét nghiệm bệnh nhân cũng vẫn cho kết quả khẳng định dương tính với nCoV.
Trong khi đó, trường hợp bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 số 1046 ở Khánh Hòa được Bộ Y tế khẳng định là ca bệnh xâm nhập. Theo thông tin ngành y tế phát đi, đây là nam bệnh nhân 30 tuổi, là thuyền viên trên tàu chở hàng hóa trao đổi tại Nhật Bản Nippon Maru.
Theo đó, phía Viện Pasteur Nha Trang khẳng định, kết quả ngày 2/9, bệnh nhân dương tính với virus corona. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà.
Về tình hình điều trị, báo cáo của Tiểu Ban Điều trị cho biết, hôm nay ngày 2/9, có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có 6 bệnh nhân được điều trị khỏi gồm các trường hợp số 871, 863, 850, 891, 482 và 817.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, có 5 người hôm nay được xuất viện là các bệnh nhân số 478, 725, 760, 942 và 1024.
Với 11 trường hợp được xuất viện hôm nay, tổng thể, Việt Nam đã chữa khỏi coronavirus cho 746/1046 ca bệnh Covid-19.
Đồng thời cũng theo báo cáo của Tiểu Ban Điều trị, tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Việt Nam đã có 27 người âm tính lần đầu với SARS-CoV-2, 53 trường hợp đã âm tính hai lần trở lên và có tới 37 ca đã âm tính lần thứ ba với coronavirus.
Trong báo cáo ngày 2/9, Tiểu Ban Điều trị cũng nêu rõ, hiện Việt Nam đang có 8 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch (chiếm khoảng 3,1%) tổng số ca bệnh nCoV. Tiên lượng rất nặng là 5/8 (2%) và những bệnh nhân nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào tăng thêm 3 trường hợp (1,2%).
Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, số ca mắc nCoV tiên lượng nặng và có nguy cơ tử vong chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong của Việt Nam là 34 trường hợp.
Hiện tại, số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 66.946 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 3.672 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.868 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 47.406 người.
Hải Dương chưa xác định được nguồn lây nhiễm coronavirus ở bệnh nhân 1045
Theo đó, tối nay, 2/9, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho hay, ngày 19/8, bệnh nhân N.H.T (72 tuổi, ở thôn Khay, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ thường xuyên ở nhà để thăm vợ là bà T.T.N (71 tuổi), không đi đâu. Hiện vẫn chưa xác định nguồn lây nhiễm virus corona của ca bệnh này từ đâu ra.
Cụ thể, theo thông báo của ngành y tế Hải Dương, từ 16/8 đến nay, nam bệnh nhân số 1045 không đi đâu mà chỉ ở nhà tại thôn Khay.
Như đã thông tin phía trên, ngày 19/8, nam bệnh nhân này phát sốt (lên tới 39 độ), đau đầu, mệt mỏi. Ông cụ sau đó được con gái N.T.H.N (trú tại 102 phố Nguyễn Thị Dịnh, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương) mua thuốc kháng sinh, hạ sốt từ thành phố Hải Dương mang về nhà cho bố ở huyện Gia Lộc ăn uống và nghỉ ngơi.
Tiếp đến, ngành y tế Hải Dương cho hay, ngày 27/8, bệnh nhân vẫn bị sốt cao, người mệt mỏi nhiều, được con gái về đón đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình lúc 9h sáng.
Cụ ông này sau đó được khám sàng lọc coronavirus sau đó vào khám tại khoa Nội Tổng hợp, được chỉ định chụp X-Quang, siêu âm ổ bụng, lấy máu xét nghiệm.
Sau đó, người bệnh ngồi chờ khoảng 1 tiếng để nhận đơn thuốc và về nhà con trai N.V.H (48 tuổi, ở số 44 Cao Bá Quát, phường Hải Tân). Đến chiều nagfy 27/8, anh H. có nhờ y sĩ Ng. V. H (ở 30 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hải Tân) đến truyền nước cho bệnh nhân liên tục trong các ngày 27, 28 và 29/8.
Đến sáng 30/8, bệnh nhân đỡ sốt, được vợ và con gái, con dâu đưa đi khêu đậu lào ở nhà bà N.T.Đ vào khoảng lúc 11h20 (địa chỉ ở số 12/43/55 Đức Minh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương). Sau khi làm xong, cả gia đình về thẳng nhà ở thôn Khay.
Tuy nhiên, đến khoảng 17h cùng ngày, bệnh nhân lại sốt cao, đau đầu, mệt mỏi nhiều. Con gái bệnh nhân lại đón bố lên thẳng Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân được khám sàng lọc, chuyển qua khu Cấp cứu II, được làm xét nghiệm máu, điện tim, được chỉ định về cách ly và điều trị tại khoa Truyền nhiễm.
Ngành y tế Hải Dương lưu ý, trong quá trình di chuyển, bệnh nhân đi xe riêng của gia đình, không sử dụng phương tiện công cộng khác.
Trước tình hình này, cũng trong ngày 2/9, UBND tỉnh Hải Dương công bố quyết didnhj số 2646 thiết lập vùng cách ly an toàn đối với cụm dân cư có ca bệnh mới để thực hiện công tác phòng chống dịch. Cụ thể, thực hiện vùng cách ly y tế tại khu dân cư thuộc thôn Khay, xã Thống Nhất, bắt đầu từ nhà ông Phạm văn Phó đến lều cá nhà ông Đoàn Văn Tâm, gồm 36 hộ gia đinh, 136 nhân khẩu với diện tích 0,4km2. Thời gian được Y tế Hải Dương áp dụng trong vòng 28 ngày kể từ 0h ngày 3/9 này.
Liên quan đến ca bệnh 1045, ngành Y tế Hải Dương cũng đã kịp thời khoanh vùng, truy vết được 20 trường hợp F1 và 99 trường hợp F2.
Bộ Y tế nói gì về ca bệnh 764 đã tử vong?
Liên quan đến ca tử vong mới nhất, bệnh nhân số 764, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng thông tin về nguyên nhân tử vong cho biết, bệnh nhân tử vong do các bệnh lý nền nặng dù đã có ba lần xét nghiệm không còn tìm thấy virus corona nữa.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, đây là người đàn ông đã 67 tuổi ở Hải Châu, Đà Nẵng. Trước khi được xác định nhiễm nCoV, bệnh nhân đã có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp và tụ máu ngoài màng cứng.
Bệnh nhân được xét nghiệm âm tính ba lần với SARS-CoV-2 liên tiếp vào các ngày 30, 31/8 và 1/9.
Ngày 28/7 bệnh nhân sau khi chạy thận xong thì đi cách ly ở khách sạn trên đường Hồ Nghinh, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Đến ngày 6/8, bệnh nhân được lấy mẫu dịch hầu họng tiến hành xét nghiệm. Ngày 7/8, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với nCoV và sau đó người bệnh được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trong tình trạng đã bị khó thở, suy kiệt nặng.
Bộ Y tế khẳng định, tối ngày 1/9, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang do các biến chứng của bệnh nền nặng.
Chẩn đoán khi tử vong được các bác sĩ kết luận là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không phục hồi, viêm phổi trên bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, tụ máu ngoài màng cứng, rối loạn đông máu và suy kiệt nặng.
Vắc-xin Covid-19 của Việt Nam tăng tốc
Cùng với những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắc-xin trong nước, cũng như tăng cường phối hợp với các công ty, các đối tác sản xuất và cung cấp vắc-xin có uy tín trên thế giới trong nỗ lực sở hữu vắc-xin ngừa Covid-19 cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trong Hội thảo “Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc nghiên cứu, sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 trong nước là điều hết sức quan trọng.
“Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vaccine. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vaccine Covid-19 cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, ông Long nói.
Như đã đưa tin trước đó, hiện nay, Việt Nam là một trong 38 nước có Hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc-xin với các nước. Vì vậy, nếu có thể nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin Covid-19, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm này, chung tay vào việc phòng, chống đại dịch trên thế giới.
Được biết, IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắc-xin được WHO chọn để hợp tác sản xuất vắc-xin cúm đại dịch. Nhiều đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC); Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19. Kết quả ban đầu khá khả quan, với hy vọng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vắc-xin ở nhiều nước trên thế giới nhằm mua và phối hợp sản xuất vắc, trong số đó có các nước Nga, Anh, Mỹ.
WHO nói gì về việc Việt Nam tăng tốc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19?
Bộ Y tế cũng đã đăng ký mua vắc-xin của Nga và Anh. Mặc dù vậy, tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất sẽ quyết định thời gian cung cấp vắc-xin.
Bộ Y tế Việt Nam đang cố gắng để có thể có vắc-xin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian nhanh nhất.
“Thế giới cần vaccine chất lượng cao càng sớm càng tốt và chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19. WHO là cơ quan điều phối cơ chế tăng tốc tiếp cận các công cụ Covid-19, một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển, sản xuất và bảo đảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận xét nghiệm, liệu pháp điều trị và vaccine Covid-19”, QĐND trích phát biểu của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Tiến sĩ Kidong Park nói.
Về phần mình, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang cho hay, Bộ Y tế đang hoàn thiện hướng dẫn, quy trình để xem xét thẩm định, phê duyệt về quá trình thử nghiệm lâm sàng, kiểm định, cấp phép lưu hành vắc-xin Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp. Việc này dựa trên cơ sở hướng dẫn trong trường hợp khẩn cấp của các quốc gia, đặc biệt của Hoa Kỳ và cộng đồng chung châu Âu.
Dự kiến, ngành y tế sẽ cố gắng rút ngắn hồ sơ, thủ tục hành chính nghiên cứu và sản xuất vắc-xin Covid-19 xuống còn khoảng một năm, thay vì 3-5 năm đối với một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nhằm phục vụ tính khẩn cấp khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng.
Mặc dù vậy, yêu cầu đặt ra vẫn là phải bảo đảm chất lượng của vắc-xin, thực sự có tác dụng phòng nhiễm virus SARS-CoV-2 dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.