Trao đổi thông điệp với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, bảo vệ sự thật về lịch sử về Thế chiến II là trách nhiệm chung của cả Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc và Nga đã phải chịu đựng những khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt
Vào ngày 3 tháng 9, cách đây 75 năm, chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và cuộc chiến chống Nhật của Liên Xô đã đánh dấu thắng lợi cuối cùng của chiến tranh chống phát xít thế giới. Ông Tập Cận Bình nói trong bức thông điệp của mình. Theo Tân Hoa xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm, Trung Quốc và Nga - chiến trường chính ở Châu Á và Châu Âu - đã chịu đựng những hy sinh to lớn và có những đóng góp lịch sử không thể xóa nhòa cho chiến thắng của cuộc chiến chống phát xít thế giới.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin nói, Nga sẵn sàng tiếp tục kết hợp nỗ lực với Trung Quốc để ngăn chặn chiến tranh và xung đột trên thế giới, cũng như bảo vệ sự ổn định và an ninh toàn cầu.
Việc trao đổi thông điệp chúc mừng, cũng như các đánh giá chung, bao gồm cả về sự cần thiết phải kết hợp nỗ lực để bảo vệ thành quả của Chiến tranh thế giới thứ hai, cho thấy rằng, Liên bang Nga và Trung Quốc thiết lập sự hợp tác sâu rộng trong các vấn đề quốc tế quan trọng nhất, đã thiết lập sự tương tác ở mức độ cao vì lợi ích bảo vệ hòa bình. Oleg Matveychev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại trường Kinh tế Cao cấp của Nga nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
Có hai lý do khiến các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga lo lắng. Trước hết đây là những nỗ lực đang gia tăng nhằm xuyên tạc lịch sử, tình trạng lan tràn tin giả, sai sự thật. 75 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Thế hệ trẻ chẳng biết chiến tranh là gì, trong số những người trẻ không một ai có được những kinh nghiệm chiến đấu, và người ta biết cách gây dựng niềm tin để thanh niên tin vào bất cứ thứ gì về chiến tranh. Và những người muốn bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh vì lợi ích chính trị của mình đang sử dụng tích cực phương pháp này. Khi chiến thắng càng lùi xa thì những “món hàng giả” này càng “bán chạy”.
Nhưng, các thông tin giả mạo chỉ là một phương pháp để thay đổi nhận thức của công chúng nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, truyền bá ảnh hưởng chính trị. Điều này dẫn đến việc hạ thấp vai trò của LHQ và Hội đồng Bảo an, đòi sửa lại biên giới hậu chiến, những nỗ lực áp đặt ý chí của mình lên một số quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, truyền bá các hệ tư tưởng đã được xác định là tội phạm do hậu quả Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này cũng khiến các nhà lãnh đạo của cả Nga và Trung Quốc lo ngại. Họ có ý định cùng nhau đấu tranh chống lại những âm mưu viết lại lịch sử, và sẵn sàng chung tay gánh vác trách nhiệm về hòa bình trên hành tinh.
Sự thật lịch sử giúp nhân dân hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của mình
Trả lời phỏng vấn cho Sputnik, chuyên gia Azhdar Kurtov từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) giải thích tại sao lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc bảo vệ thành quả của Thế chiến II mang tính cấp bách trước mắt:
Trung Quốc đã phải gánh chịu những tổn thất to lớn cả về sinh mạng và vật chất trong cuộc chiến chống quân Nhật xâm lược. Theo một số ước tính, tổn thất sinh mạng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn số thương vong của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Và các hành động chiến sự trên lãnh thổ Trung Quốc đã kéo dài lâu hơn nhiều so với Liên Xô. Vì thế, dễ hiểu tại sao Trung Quốc rất quan tâm đến việc bảo vệ sự thật lịch sử liên quan đến thời đại đó. Đây không chỉ là những tranh cãi giữa các nhà sử học. Thật đáng tiếc, các chính trị gia tham gia tích cực vào việc xuyên tạc lịch sử. Chính các chính trị gia cố tình gây ảnh hưởng đến tâm trí người dân của nước mình và các quốc gia khác với một mục đích cụ thể - xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử để chứng tỏ rằng Liên Xô và Trung Quốc cũng là các thủ phạm gây ra thảm kịch vào giữa thế kỷ XX.
Theo các chính trị gia phương Tây, quan điểm này về lịch sử Thế chiến II biện minh cho những hành động thiếu thiện chí của họ đối với Bắc Kinh và Matxcơva. Đây là các biện pháp trừng phạt khác nhau, đây là cuộc chiến thương mại, đây là những hành vi đe dọa, phô trương sức mạnh quân sự. Sự thật lịch sử không chỉ là lương tâm của một dân tộc. Sự thật lịch sử giúp nhân dân hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của mình, giúp cho các dân tộc khác tránh những sai lầm. Nếu nước Đức Quốc xã và quân phiệt Nhật Bản được minh oan và không còn được coi là nguồn gốc chính gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược vào giữa thế kỷ XX, thì cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến việc lặp lại những sự kiện bi thảm đó. Khi một số chính trị gia cố gắng bào chữa cho kẻ xâm lược, tình hình thoát khỏi lối tư duy lành mạnh.