Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết trong hôm nay Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan sẽ trình Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 xem xét việc mở các đường bay thương mại quốc tế từ 15/9.
Đề xuất mở 6 đường bay thương mại quốc tế
Ngày 3/9, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, Cục Hàng không Việt Nam,đã hoàn thiện phương án khôi phục các đường bay quốc tế trình Bộ Giao thông Vận tải từ ngày 15/9 tới đây.
Các bộ ngành cũng đã họp bàn phương án đón hành khách nhập cảnh sau khi mở đường bay quốc tế.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ 15/9. Đó là các đường bay giữa Việt Nam và Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào. Số hành khách nhập cảnh cần cách ly mỗi tuần dự kiến vào khoảng 5.000 người tại Hà Nội và TP HCM.
Đường bay Hà Nội - Tokyo có tần suất hai chuyến/tuần và TP HCM - Tokyo với tần suất hai chuyến/tuần. Mỗi nước khai thác một chuyến trên mỗi đường bay.
Trong đó, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay Hà Nội - Tokyo và Vietjet Air khai thác đường bay TP HCM - Tokyo. Số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và TP HCM là khoảng 560 khách mỗi tuần.
Với Hàn Quốc, Vietnam Airlines dự kiến khai thác đường bay Hà Nội - Seoul với với tần suất một chuyến mỗi tuần, Vietjet khai thác đường bay TP HCM -Seoul. Số lượng khách cách ly tại Hà Nội và TP HCM là 650 mỗi tuần.
Vietnam Airlines khai thác TP HCM - Đài Bắc (Đài Loan) và Vietjet khai thác Hà Nội – Đài Bắc. Dự kiến số khách cách ly mỗi tuần tại Hà Nội là 620, tại TP HCM là 700. Vietnam Airlines khai thác đường bay với Lào và Campuchia, tần suất mỗi tuần 1 chuyến.
Cục Hàng không đề xuất, hành khách đến Việt Nam phải từng ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay, không chấp nhận khách quá cảnh. Ngoài ra, khách phải có giấy chứng nhận âm tính nCoV được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Việt Nam mở lại đường bay quốc tế: Kiểm dịch Covid-19 thế nào?
Hành khách được xét nghiệm nhanh khi đến các sân bay của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND tỉnh/thành chỉ định và có trả phí.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế đối với hành khách khi nhập cảnh, công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR trong nước để thông báo các đối tác, hành khách bởi hành khách khi xuất cảnh từ Việt Nam cần có giấy xác nhận Covid-19.
Cục Hàng không lấy ví dụ hành khách đến Trung Quốc phải có giấy xác nhận âm tính với nCoV tại cơ sở do Chính phủ nơi hành khách xuất phát đầu tiên chỉ định, xét nghiệm trong vòng 5 ngày trước khi khởi hành.
Giấy chứng nhận này được gửi đến Đại sứ quán đề xác nhận và gửi lại hành khách trước khi lên máy bay. Bên cạnh đó, hành khách nhập cảnh Trung Quốc phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát, đồng thời cách ly tập trung 14 ngày có thu phí.
Tương tự, với Hàn Quốc, khách nhập cảnh nước này phải đeo khẩu trang, phải có nhiệt độ cơ thể không vượt quá 37,5 độ C, tự cách ly tại nhà hoặc cơ sở được chỉ định và phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát.
Trong khi đó, chính sách của Đài Loan về khách nhập cảnh “mở” hơn nhiều khi hành khách chỉ phải cách ly 5 ngày.
Trước đó, từ ngày 1/4, Việt Nam đã đình chỉ toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Mãi đến thời gian gần đây, một số hãng hàng không nước ngoài mới được khai thác lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam, song chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay chở khách vào Việt Nam được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao, hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và đều được cách ly phòng dịch.
Ý kiến chuyên gia về việc Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao.
Đây được cho là phương cách hiệu quả nhất để hỗ trợ cho ngành hàng không và du lịch, góp phần vực dậy nền kinh tế, mang lại doanh thu, tạo dòng tiền cho các hãng trong bối cảnh đang bị suy kiệt hiện nay.
Nhất là, trong điều kiện hiện nay rất nhiều nhà đầu tư ở khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản muốn vào các dự án ở khu vực không bị ảnh hưởng của dịch như Bình Định, Phú Yên... Tuy nhiên, vì cơ chế chưa cho phép nên công tác đầu tư phần nào đó bị trì trệ. Vì vậy, mở lại đường bay lúc này phù hợp quan điểm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đó là chống dịch nhưng không để gãy đổ phần đầu tư thương mại.
“Mở lại đường bay quốc tế dựa trên nhu cầu đó thì rất cần thiết, còn mở để đón khách du lịch thì tôi không ủng hộ. Bài học về đợt bùng phát dịch thứ 2 tại Đà Nẵng vẫn còn đó, chúng ta không nên vội vàng để rồi phải nhận lại những hậu quả nặng nề hơn so với lợi ích thu được từ du lịch trong thời điểm này”, TS Lịch cho hay.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sẽ là hợp lý khi mở lại đường bay như tính toán của Chính Phủ. Mặc dù vậy, cần có lộ trình cụ thể cho từng khâu, và chỉ nên mở đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Bà Lan cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã bắt đầu mở lại các đường bay thương mại. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế Việt Nam, việc nghiên cứu mở lại đường bay là rất quan trọng, đặc biệt là quốc gia có quan hệ kinh tế nhiều nhưng đang bị tác động của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển xuất nhập khẩu, đầu tư giữa các bên.
“Vi dụ như Hàn Quốc, hiện nay Hàn Quốc có rất nhiều dự án đang làm ở Việt Nam, số lượng nguồn lực đầu tư rất lớn. Tôi lo nhiều hơn cho mảng công nghiệp, chứ không chỉ riêng ngành hàng không và du lịch. Vì ngành công nghiệp khi mở ra được sẽ đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế lớn, có khi lớn hơn nhiều so với mảng du lịch”, bà Lan cho biết.
Về vấn đề với ngành du lịch, bà Phạm Chi Lan cho rằng, trước mắt không nên hy vọng quá nhiều về sự hồi phục tức thì, vì khi mà dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khách hàng sẽ cẩn trọng hơn trong quyết định đi du lịch. Chính vì vậy, lượng khách đến Việt Nam cũng sẽ không nhiều.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 27/8.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước, quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao.
Theo yêu cầu, các chuyến bay phải có phương án cụ thể bảo đảm an toàn, kể cả phương án cách ly phù hợp đối với từng đối tượng nhập cảnh; rà soát thủ tục, giảm bớt khâu trung gian, thời gian.
Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về chủ trương các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc (theo danh sách của Đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị) được sớm giải quyết việc nhập cảnh, thực hiện chuyến công tác ngắn ngày tại Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao. Trước hết, chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tính đến này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.046 ca nhiễm Covid-19. Trong số đó, đã chữa khỏi cho 746 người. Số người tử vong liên quan đến Covid-19 là 34 người. Đến nay, đã ghi nhận tổng cộng 691 ca lây nhiễm trong nước, trong đó số ca liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.