Các chuyên gia dự đoán thế giới sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế mới

MOSKVA (Sputnik) - Các chuyên gia dự đoán từ nay cho đến cuối năm nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp phải những những vấn đề mới. Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin.
Sputnik

Các chuyên gia ghi nhận nền kinh tế toàn cầu gần đây có sự phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều lo ngại. Cụ thể, theo ông Joachim Fels, cố vấn về kinh tế toàn cầu của hãng Pacific Investment Management, các quốc gia hiện nay đang vượt qua đỉnh điểm của sự phục hồi, sau đó sẽ bắt đầu suy thoái.

Chính phủ các nước phát triển đã rót hàng nghìn tỷ đô la vào các biện pháp hỗ trợ nhằm đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường nhất có thể trong đại dịch. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 8, tình hình thị trường nhà ở cũng được cải thiện. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, sản xuất ở Đức ngày càng phát triển. Đồng thời, các thị trường đang phát triển có được thời gian "nghỉ xả hơi" do đồng USD giảm giá.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết việc duy trì trạng thái này trên tất cả các mặt trận sẽ không dễ dàng. Điều này đòi hỏi các nhà chức trách phải đẩy mạnh nỗ lực để kích thích nền kinh tế vào thời điểm mà nhiều nước đã sẵn sàng giảm quy mô thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Dự đoán nơi có khả năng trở thành ổ phát sinh khủng hoảng kinh tế

Ví dụ, 1,4 triệu việc làm đã được tạo ra ở Hoa Kỳ vào tháng Tám. Theo như chuyên gia Ryan Sweet của hãng Moody's đã chỉ ra, nền kinh tế nên "duy trì tốc độ này", nhưng nếu không có hỗ trợ về tài chính thì rất khó để làm được như vậy.

Đã có những dấu hiệu đáng báo động khác. Đầu tháng này, một số thương hiệu lớn đã thông báo cắt giảm việc làm. Trong số đó có các tập đoàn Ford Motor Co. và United Airlines Holdings Inc.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào tháng 11. Điều này sẽ làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp, bài báo lưu ý.

Ở Trung Quốc, nơi coronavirus đã được khu trú vài tháng trước, người tiêu dùng vẫn không muốn tiêu tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn nhất của nước này vừa báo cáo lợi nhuận sụt giảm ở mức tồi tệ nhất trong hơn một thập niên trở lại đây do nợ xấu gia tăng.

Các nhà máy ở châu Âu đang cố gắng cắt giảm chi phí do nhu cầu thấp và giá hạ, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Một vấn đề khác là nguy cơ xuất hiện làn sóng coronavirus thứ hai. Ông Warwick McKibbin thuộc Viện Brooking cảnh báo rằng việc tiêm vaccine còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể được triển khai trên toàn thế giới.

Ông ước tính thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu do đại dịch trong những năm tới là 35 nghìn tỷ USD.

Thảo luận