Pate Minh Chay: WHO cung cấp thuốc kháng độc tố botulinum cho Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp nhận cung cấp thuốc kháng độc tố Botulinum cho Việt Nam. Đến nay, tại Việt Nam đã có 15 người phải nhập viện điều trị do ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong số đó, hai bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai được sử dụng thuốc giải độc nhập ngoại có giá 8.000 USD/lọ.
Sputnik

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh, Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới cần sớm xác định nguyên nhân vụ ngộ độc pate Minh Chay và cơ quan chuyên môn Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ vụ việc.

Việt Nam được Tổ chức thế giới cung cấp thuốc giải độc tố Botulinum

Chiều ngày 7/9, thông tin từ TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp nhận cung cấp thuốc kháng độc tố botulinum cho Việt Nam.

Như vậy, trong thời gian tới, các bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay sẽ có thuốc điều trị. Một số bệnh nhân hiện vẫn trong tình trạng nặng và phải thở máy.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân N.N.D. (nam, 54 tuổi, ngụ Vũng Tàu) là bệnh nhân thứ 6 điều trị tại Đơn vị Chống độc, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM do ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay.

Ngộ độc pate Minh Chay, Việt Nam chưa có thuốc chữa, Cục An toàn Thực phẩm lên tiếng
BS. Lê Quốc Hùng cho hay, hiện bệnh nhân trong tình trạng liệt, cơ 2/5 (đây là một trong những tình trạng liệt khá nặng), suy hô hấp, sinh hiệu cơ thể bệnh nhân hiện tạm ổn nhưng tiên lượng nặng, sẽ phải thở máy lâu dài.

Cũng giống như những bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay khác, bệnh nhân đã được lọc máu, thay huyết tương. Tuy nhiên, mức độ hồi phục của bệnh nhân không đáng kể sau một tuần điều trị. Tiên lượng bệnh nhân phải thở máy kéo dài.

Theo TS Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cố gắng liên hệ, phối hợp Bộ Y tế, WHO cũng như một số tổ chức phi chính phủ để tìm nguồn cung cấp thuốc giải độc botulinum.

“Tất cả các nguồn mà chúng tôi được biết có lưu trữ thuốc điều trị ngộ độc Clostridium Botulinum đều đã được Bệnh viện liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Bộ Y tế và thông tin đáng mừng là Tổ chức Y tế thế giới đã chấp nhận cung cấp thuốc điều trị ngộ độc Clostridium Botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, các bệnh nhân đã bị ngộ độc nặng, bị liệt và phải thở máy sẽ có thuốc để điều trị”, vị chuyên gia cho hay.

Trên lý thuyết, thuốc cho hiệu quả tốt nhất nếu được sử dụng trong tuần đầu tiên. Hiệu quả điều trị của thuốc giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, TS Hùng cho biết, càng sử dụng thuốc sớm thì thời gian thở máy của bệnh nhân càng có thể được rút ngắn lại.

Vì sao thuốc giải ngộ độc Pate Minh Chay lại hiếm đến thế?

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ngộc độc botulinum không xảy ra thường xuyên. Do đó, số lượng công ty dược phẩm muốn sản xuất và cung cấp thuốc giải rất ít. Vì vậy, trên thị trường nguồn cung rất hiếm và giá thành của thuốc đắt.

Thuốc giải botulium được giới y khoa xếp vào nhóm “thuốc mồ côi”, các nước phải dự trữ chúng cùng các thuốc hiếm khác.

Vừa qua, Việt Nam đã nhập 2 lọ thuốc từ từ Thái Lan để điều trị cho hai bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với giá 8.000 USD một lọ.

Được biết, nước này chỉ dự trữ dưới 10 lọ. Trên nhãn thuốc có ghi rõ là chỉ sử dụng từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. TS Nguyên cho rằng, Việt Nam cũng cần có kho thuốc dự trữ như vậy để bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Đến nay, 2 lọ thuốc được sử dụng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai được WHO tài trợ. Tuy nhiên, TS Hùng cho biết trong đợt cấp thuốc mới, chưa rõ đơn vị nào sẽ đứng ra chi trả nguồn kinh phí này.

Trước đó, ngày 29/8, Bộ Y tế ra thông báo cảnh cáo sản phẩm pate Minh Chay chứa vi khuẩn botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng và dễ gây tử vong. Tạm thời người tiêu dùng được yêu cầu không mua và sử dụng 13 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (đơn vị sản xuất pate Minh Chay).

Pate Minh Chay: WHO cung cấp thuốc kháng độc tố botulinum cho Việt Nam

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 15 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum do dùng pate Minh Chay, tất cả đều phải nhập viện điều trị. Các địa phương có người bệnh bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội và Quảng Nam. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng ghi nhận nhiều người đến khám do từng sử dụng sản phẩm này.

Vụ ngộ độc Pate Minh Chay: Nafiqad yêu cầu sớm xác định nguyên nhân

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp nhận định, đây là vụ việc nghiêm trọng và phức tạp bởi trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hậu quả thiệt hại xảy ra ở nhiều địa phương.

Theo đó, ông Tiệp cho rằng, là đơn vị sản xuất sản phẩm pate Minh Chay, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới cần sớm có báo cáo về nguyên nhân xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn Hà Nội cần hỗ trợ để xác định sớm nguyên nhân của vụ việc.

Vụ Pate Minh Chay chứa độc tố nguy hiểm: Thu hồi sản phẩm, tiếp tục làm rõ nguyên nhân
Ông Tiệp lưu ý, cần làm rõ sản phẩm bị nhiễm khuẩn từ công đoạn nào, từ yếu tố nguyên liệu hay con người, môi trường hay do quá trình bảo quản. Khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên, thậm chí phải bồi thường sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Bây giờ phải đôn đốc doanh nghiệp để sớm có báo cáo cũng như thông tin cho doanh nghiệp rằng nếu quá trình xác định nguyên nhân gặp khó khăn thì đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ, thời gian tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vấn đề”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhấn mạnh.
“Tôi cho rằng, đây là vụ việc phức tạp có thể là nguyên nhân từ nguyên liệu, ví dụ như nguyên liệu có tốt nhưng đưa vào chế biến, bảo quản thành phẩm không tốt cũng có thể xảy ra sự cố. Vì vậy cần rà soát lại xem có sơ suất ở khâu nào trong quy trình sản xuất", ông Nguyễn Như Tiệp phân tích.

Nói về mức xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, ông Tiệp cho biết, việc xử phạt hành chính chỉ là một trong các hình thức xử lý.

Theo đó, cơ sở này cũng đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ hiệu lực công bố sản phẩm và được yêu cầu khắc phục sự cố. Sắp tới, cơ quan công an sẽ có thẩm quyền xem xét việc ban hành quyết định khởi tố theo quy định pháp luật.

“Cần phải rà soát lại xem mẫu biểu giám sát nguyên liệu có đầy đủ không, xem sơ suất ở chỗ nào, còn nếu cố ý thì phải xử lý hình sự. Theo tôi được biết thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã thông báo cho phía cơ quan Công an vào điều tra để xác định nguyên nhân chính xác, nhưng không phải đợi công an mà bản thân doanh nghiệp và chuyên ngành phải vào cuộc trước”, ông Tiệp nói.
Pate Minh Chay: WHO cung cấp thuốc kháng độc tố botulinum cho Việt Nam

Trước đó, ngày 1/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội kiểm tra, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 3 tháng 9. Tuy nhiên, đến sáng nay 7/9, Cục vẫn chưa nhận được kết quả báo cáo.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc kiểm tra việc thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, đảm bảo lượng sản phẩm không an toàn được thu hồi nhanh chóng, đầy đủ và xử lý hiệu quả.

Thảo luận