Cũng liên quan đến vụ ngộ độc pate Minh Chay mới đây, Cục phó Cục quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận ngành quản lý thị trường có một phần trách nhiệm trong vụ việc này.
Bao nhiêu thực phẩm Minh Chay được bán online trước khi phát hiện ngộ độc?
Ngày 9/9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có buổi thông tin báo chi liên quan đến vụ người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới sản xuất, có trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội sản xuất.
Tại buổi làm việc, Phó Cục quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, theo quy định mặt hàng sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu từ nguồn gốc thực vật do ngành nông nghiệp cấp phép và hậu kiểm, ngành Y tế chịu trách nhiệm chất lượng.
“Tuy nhiên, ngành quản lý thị trường có một phần trách nhiệm trong vụ việc này”, ông Hùng thừa nhận.
Tính từ ngày 1/7 cho đến khi vụ việc xảy ra, Công ty Lối sống mới đã tung ra thị trường trên 10.000 sản phẩm thực phẩm chay với phương thức bán online chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối.
Theo vị đại diện Cục quản lý thị trường Hà Nội, ngay sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, ngày 24/8, Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra ATTP tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.
Về vụ việc, ngày 18/8, gia đình ông Đào Gia Tuấn (địa chỉ Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện tại trung tâm chống độc Bạch Mai. Chẩn đoán cho thấy nguyên nhân do ngộ độc thực phẩm. Ông Tuấn cho biết, gia đình có mua 2 hộp pate Minh Chay và có biểu hiện ngộ độc 4 ngày sau đó.
Ngày 27/8, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Đông Anh đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 3 lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của tổ chức trên như: sử dụng người lao động tiếp xúc với sản phẩm không đeo khẩu trang, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; hàng hóa nguyên liệu đầu vào có nhãn ghi không đủ nội dung các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Từ những vi phạm trên, UBND huyện Đông Anh ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới 17,5 triệu đồng.
Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới thành lập năm 2018. Đến tháng 1/2020 Chi cục Bảo vệ nông lâm thủy sản cấp mới giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đội 9 quản lý địa bàn báo cáo, vì lý do dịch Covid-19 nên doanh nghiệp này không hoạt động.
Đến tháng 7/2020, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động lại từ 1/7. Cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, công ty này đưa ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm chay qua hình thức bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng qua mạng không có cửa hàng, hệ thống phân phối.
Ngày 30/8, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra và đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Ngày 31/8, Cục an toàn thực phẩm có văn bản chính thức đề nghị Công an thành phố vào cuộc xem xét, xử lý hình sự nếu có đối với doanh nghiệp này.
Tổng Cục quản lý thị trường, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các đội địa bàn điều tra các trung tâm thương mại,siêu thị, các chợ đầu mối, các chợ nếu phát hiện sản phẩm thì thu hồi ngay. Bản thân doanh nghiệp cũng có danh sách bán cho người tiêu dùng để liên hệ thu hồi sản phẩm, trả lại tiền”, ông Hùng cho biết.
Theo ông, do mô hình sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất nhỏ lẻ cùng với dịch Covid-19 đang diễn ra nên sản xuất cầm chừng. Đội quản lý thị trường số 9 đã xuống cơ sở, yêu cầu cam kết, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật quản lý thị trường chỉ kiểm tra sản xuất đối với mặt hàng do ngành công thương quản lý.
“Lĩnh vực an toàn thực phẩm vô cùng phức tạp cần sự vào cuộc phối hợp của các Bộ ngành, đặc biệt UBND các cấp. Tôi cho rằng, lĩnh vực này không vào cuộc có cơ chế phối hợp thì rất khó quản lý. Tất cả các Bộ ban ngành, đơn vị, địa phương được phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước đều phải có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý về chất lượng an toàn thực phẩm", ông Hùng thông tin.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã thu hồi 141 sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới. Trong số đó có 35 sản phẩm pate Minh Chay được bàn giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội để phục vụ điều tra. Hầu hết các khách hàng đã sử dụng hết hoặc bỏ đi sau khi biết thông tin cảnh báo nên việc thu hồi sản phẩm của Công ty này cũng gặp khó khăn nhất định.
Đến nay đã liên hệ được với 1.857 khách hàng. Số khách hàng chưa liên lạc được là 142. Tổng số lọ pate Minh Chay đã sử dụng hoặc bỏ đi là 1.030 lọ, còn lại 190 lọ đang thu hồi.
Chủ cơ sở patê Minh Chay xin lỗi
Ngày 9/9, bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới - đã có trao đổi xung quanh vụ nhiều khách hàng bị ngộ độc sau khi sản phẩm patê Minh Chay có khuẩn độc clostridium botulinum.
Theo đó, bà Trang gửi lời xin lỗi chân thành tới các bệnh nhân, khách hàng và người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Chủ thươnh hiệu Minh Chay cho biết, đây là sự cố ngoài mong muốn và rủi ro đáng tiếc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Trang cho biết, công ty Lối sống mới cam kết sẽ chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ vụ việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước gia đình các bệnh nhân.
Cũng theo bà Trang, ngay sau khi sự việc xảy ra, công ty đã chủ động ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để tập trung khắc phục hậu quả theo hai hướng hỗ trợ bệnh nhân đang nằm viện, các trường hợp có triệu chứng ngộ độc, đồng thời ngăn chặn nguy cơ có thêm ca ngộ độc mới.
Công ty đã trực tiếp đến thăm hỏi các bệnh nhân tại các tỉnh, thành phố và có những biện pháp hỗ trợ về tài chính, tinh thần và cử một số chuyên gia về vật lý trị liệu đến để hỗ trợ quá trình phục hồi cho một số bệnh nhân.
Khoảng 50 người đã được huy động để gọi điện cho khoảng 7.000 khách hàng đã mua sản phẩm patê Minh Chay để yêu cầu ngừng sử dụng và thu hồi sản phẩm. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng 500 khách hàng chưa liên lạc được dù công ty đã cố gắng liên hệ.
“Chúng tôi mong cơ quan chức năng và cộng đồng quan tâm hỗ trợ chúng tôi trong việc ngăn chặn sử dụng hoặc phát hiện những trường hợp đã sử dụng sản phẩm nghi nhiễm khuẩn để chúng tôi có kế hoạch hỗ trợ kịp thời”, bà Trang cho biết.
Bà Trang cho hay, Lối Sống Mới là công ty khởi nghiệp với nguồn lực hạn chế. Vì vậy, việc tập trung nguồn lực cho việc hỗ trợ các bệnh nhân và ngăn chặn có thêm những ca mới là quá sức với doanh nghiệp. Do đó, công ty hy vọng cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội hỗ trợ để công ty khắc phục sự cố này.
Bà Trang cho biết, doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố nhiễm khuẩn clostridium botulinum type B, để không chỉ công ty mà bất cứ cơ sở sản xuất thủ công nào cũng biết cách phòng tránh sự cố tương tự.
“Sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra là cú sốc quá lớn với chúng tôi, trong lúc xử lý sự cố đã không tránh khỏi những lúc lúng túng gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, chúng tôi mong mọi người lượng thứ”, bà Trang cho hay.
Công văn đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT, yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám sát, đôn đốc, hướng dẫn Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới thực hiện truy xuất, điều tra nguyên nhân lây nhiễm để sớm công bố nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục theo quy định của Luật an toàn thực phẩm.
Trước đó, những thông tin đầu tiên về nghi ngờ ngộ độc pate Minh Chay do vi khuẩn Clostridium botulinum được Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nêu ra ngày 19/8.
Đến ngày 28/8, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân ngừng sử dụng sản phẩm pate Minh Chay vì chứa vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum - loại độc cực mạnh gây tác động đến đầu dây thần kinh khiến liệt cơ, có thể dẫn đến tử vong.