Cụ thể, mới đây, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Quốc để phòng xin ý kiến về chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) để đưa di tích này vào danh mục Di sản Thế giới.
Liệu địa đạo Củ Chi có cơ hội trở thành Di sản Thế giới?
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất công nhận địa đạo Củ Chi là di sản Thế giới
Thông tin về việc UBND TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi để trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) để đưa di tích này vào danh mục di sản Thế giới đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Một câu hỏi đang rất được người dân quan tâm đó là liệu địa đạo Củ Chi có thể trở thành di sản Thế giới hay không. Cho đến nay, TP.HCM chưa có một di sản vật thể nào được đưa vào lộ trình đề xuất là di sản thế giới.
Ngày 5/9/2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký công văn gửi Bộ Quốc phòng để xin ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi vào danh mục di sản thế giới.
Công văn nêu rõ, ngoài những giá trị là công trình khoa học quân sự, chứng tích lịch sử tiêu biểu... di tích lịch sử địa đạo Củ Chi còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật.
“Đó là những ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân với kẻ địch từng đối đầu, những bản tình ca và những câu chuyện tình yêu, tình đồng chí, tình quân dân”, công văn nêu rõ.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi đang mang trong mình ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, trong truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc... và là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của thành phố.
Các tiêu chí này bao gồm: Tiêu chí i- là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo, tiêu chí iv - là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại, tiêu chí v- là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường, đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược.
Với những cơ sở này, ngành văn hóa của TP.HCM chủ trương chờ ý kiến từ Bộ Quốc phòng và chỉ đạo của UBND TP thì mới tiến hành các công việc chuyên môn về lập hồ sơ.
Sau khi nhận được ý kiến thống nhất từ Bộ Quốc phòng, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo để địa đạo Củ Chi sớm được cộng nhận là di sản Thế giới.
Di tích quân sự hiếm có ở Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho biết ông rất đồng tình và ủng hộ chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới.
Ông Bài cho biết, kiến trúc ngầm địa đạo Củ Chi đã từng có thời gian đóng vai trò lịch sử rất to lớn, là một căn cứ địa ở sát nách Sài Gòn, tồn tại trong một thời gian rất dài, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Địa đạo Củ Chi đã cho thấy khả năng thích ứng tuyệt vời của con người Việt Nam. Hệ thống này được xây dựng một cách rất thông minh.
Di tích vừa có giá trị lớn trong lịch sử vừa phát huy giá trị mạnh mẽ trong đời sống xã hội hiện nay, có đơn vị quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
PGS Bài chia sẻ trên Tuổi Trẻ cho rằng, rất hiếm có một tài nguyên văn hóa vẫn tiếp tục phục vụ được cho đời sống hiện tại như địa đạo Củ Chi. Đây xứng đáng là một di sản thế giới.
“Theo tôi, địa đạo Củ Chi đáp ứng được các tiêu chí trở thành di sản thế giới được UNESCO ghi danh. Tôi rất ủng hộ ý tưởng của UBND TP.HCM”, PGS.TS Đặng Văn Bài kết luận.
Bên cạnh đó, ông Bài cũng lưu ý cần phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà tư vấn để xây dựng được một bộ hồ sơ chuẩn.
Về phần mình, Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết ông không có nhiều kinh nghiệm về các tiêu chí của UNESCO đối với một di tích được ghi danh Di sản thế giới.
Tuy nhiên, ông Năng nhấn mạnh địa đạo Củ Chi là một di tích rất đặc biệt ở Việt Nam, với chiều dài lên tới 250 cây số, nhiều tầng nhiều ngõ ngách, đã song hành cùng bộ đội và nhân dân suốt hai cuộc kháng chiến, từ chống Pháp sang chống Mỹ.
Địa đạo Củ Chi đã cho thấy một nghệ thuật chiến tranh nhân dân rất đặc biệt của Việt Nam - thứ nghệ thuật chiến tranh hiếm có trên thế giới.
Đề xuất Địa đạo Củ Chi lên UNESCO: Lần đầu tiên Việt Nam làm hồ sơ về loại di tích chiến trường
Đại diện Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nếu TP.HCM làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới thì đây là lần đầu tiên Việt Nam làm hồ sơ về loại di tích chiến trường, do đó các bước đi cần phải được làm cẩn trọng.
Ở thời điểm hiện tại, đây mới chỉ là đề nghị của UBND TP.HCM nên Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch mới chỉ hướng dẫn cho địa phương về quy trình.
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sở hữu hệ thống đường hầm dài hơn 200 km. Di tích này đã được Thủ tướng Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ tháng 12/2015.
Địa đạo Củ Chi được biết đến là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xây dựng “một cách kỳ diệu” trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
Nơi đây mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Bên cạnh đó, địa đạo Củ Chi còn đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo như hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Địa đạo Củ Chi được nhận xét là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nơi đây ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như ứng xử quan hệ giữa người với người, giữa người dân và kẻ địch từng đối đầu, những câu chuyện tình yêu, tình quân dân...
Địa đạo Củ Chi nằm trong số những căn cứ cách mạng điển hình và mang giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước của Việt Nam.
Nhiều thế hệ lãnh đạo của cuộc chiến tranh Việt Nam như: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... đã từng có thời gian sống và làm việc tại đây, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định.
Địa đạo Củ Chi còn đặc biệt có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc. Di tích này đã trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.