Theo tờ báo, robot mang tên Pepper có thể di chuyển độc lập và khoa chân múa tay nhờ cánh tay và bàn tay robot. Loại robot này cũng phải “có năng lực văn hóa”, nghĩa là có khả năng tìm hiểu về sở thích và quá khứ của các cụ già. Theo các nhà khoa học, điều này sẽ cho phép robot thực hiện những cuộc trò chuyện đơn giản, chơi bản nhạc yêu thích của bệnh nhân, dạy họ ngôn ngữ và đưa ra những trợ giúp thiết thực, bao gồm cả nhắc nhở uống thuốc.
Robot sẽ giúp các cụ già cảm thấy đỡ cô đơn
Theo ấn phẩm, lần đầu tiên, một nghiên cứu liên quan đến Đại học Bedfordshire, Đại học Middlesex và mạng lưới các viện dưỡng lão Advinia Health Care đã tập hợp các nhà khoa học để khám phá khả năng tạo ra những công nghệ như vậy. Thử nghiệm robot tại các viện dưỡng lão trên khắp Vương quốc Anh cho thấy kết quả như sau: những người cao niên sử dụng robot đến 18 giờ trong hai tuần đã có những cải thiện đáng kể về sức khỏe tâm thần, ngoài ra cũng ghi nhận được tác động tích cực đáng kể trong việc giảm thiểu cảm giác cô đơn ở người cao tuổi.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Chris Papadopoulos của Đại học Bedfordshire, gọi đây là một nghiên cứu mang tính "cách mạng", đồng thời lưu ý rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành chăm sóc sức khỏe có thể mang lại lợi ích trong một thế giới "ngày càng có nhiều người sống lâu và ngày càng ít người có thể chăm sóc họ".
Irena Papadopoulos, chuyên gia y tế và điều dưỡng liên văn hóa tại Đại học Middlesex, nói thêm rằng mục đích của nghiên cứu không phải để khám phá khả năng thay thế người giám hộ bằng robot, mà là để giảm bớt sự cô đơn của bệnh nhân khi nhân viên không có đủ thời gian để ở bên họ.
Tiến sĩ Sanjeev Kanoria, bác sĩ phẫu thuật, người sáng lập và là người đứng đầu Advinia Health Care, cho biết công ty hy vọng sẽ ứng dụng robot vào các viện dưỡng lão của mình.
“Robot đã được thử nghiệm tại các viện dưỡng lão Advinia ở Anh. Hiện chúng tôi đang nỗ lực đưa robot vào công việc chăm sóc hàng ngày, để nó có thể thực sự giúp đỡ cho người già và gia đình của họ”, - ông Kanoria nói.