TP.HCM đã ghi nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum liên quân đến Pate Minh Chay
Ngày 12/9, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết đơn vị này đã tiếp nhận thêm một trường hợp ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay.
Cụ thể, bệnh nhân này đã được chuyển đến Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy hơn một tháng trước với chẩn đoán nhược cơ, yếu liệt toàn thân. Sau khi nghe tin nhiều người bị liệt toàn thân do ăn Pate Minh Chay, người nhà mới cho biết bệnh nhân này cũng đã sử dụng Pate Minh Chay trước đó.
Khoa Nội thần kinh đã ngay lập tức hội chẩn với Khoa Bệnh Nhiệt đới và xác định bệnh nhân này cũng bị ngộ độc Botulinum do ăn Pate Minh Chay. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới để điều trị.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, trong 7 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị vẫn chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở và việc hồi phục khá khó khăn.
Được biết, thuốc giải độc Botulinum phải mua từ nước ngoài với giá rất đắt, 16.000 USD một lọ. Hiện 10 lọ thuốc giải độc Botulinum được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ từ Thụy Sĩ đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Các chuyên gia đang hội chẩn, đánh giá trường hợp nào cần sử dụng thuốc giải độc. Nguyên nhân là thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong tuần đầu tiên nhiễm độc. Trong khi đó, số lượng thuốc giải không nhiều, bệnh viện cần dự trù để điều trị cho trường hợp ngộ độc mới.
Botulinum không giống các ngộ độc khác. Đối với trường hợp thông thường, khi có huyết thanh hoặc thuốc giải để trung hoà độc tố, bệnh nhân sẽ cải thiện. Với ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum, chúng tác động đến đầu mút thần kinh, gây biến chứng thời gian dài. Việc dùng thuốc giải độc càng sớm, thời gian thở máy của bệnh nhân có thể được rút ngắn lại.
Tính đến ngày 11/9, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay.
Độc tố Botulinum trong Pate Minh Chay: Chưa đến 0,1mg có thể gây tử vong
Hiện nay, vẫn còn một lượng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới chưa được thu hết và có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc. Cụ thể, theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị này đã ghi nhận 1.920 khách mua sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên Lối Sống Mới. Tuy nhiên, hiện mới liên hệ được với 1.107 người và thu hồi được 274 hộp sản phẩm Pate Minh Chay.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo để tiếp tục phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum, người dân cần ngừng sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay).
Nếu đang có sản phẩm này, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao (kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng). Những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, độc tố Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.
Sau khi ăn, độc tố Botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Biểu hiện của ngộ độc sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng, khó thở).
Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt, bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Sau đó có thể buồn nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp và là nguyên nhân tử vong.
Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu oxy não). Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức.
Đọc thêm: