Việt Nam đủ năng lực, sáng tạo và khôn ngoan để vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19

Lần đầu tiên trong 60 năm kinh tế châu Á suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhờ kiểm soát dịch Covid-19 thành công, Việt Nam đang chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.
Sputnik

Theo ADB, Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp ứng phó với khủng hoảng do Covid-19 một cách hiệu quả.

ADB dự báo gì về tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Ngày 15/9/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020. Đây là ấn bản hàng năm uy tín hàng đầu của tổ chức này.

Con rồng châu Á đang trỗi dậy. Việt Nam cần vắc-xin riêng cho nền kinh tế

Theo báo cáo của ADB, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 1,8% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tăng 6,3% vào năm 2021.

“Tăng trưởng kinh tế phần lớn vẫn ổn định vào năm 2020. Điều này là do thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn rất khả quan”, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét.

Có thể nhận thấy từ đánh giá của định chế tài chính uy tín này, kinh tế Việt Nam không ngẫu nhiên duy trì được “sự bền bỉ” đáng ngưỡng mộ như vậy trong cơn bão mang tên đại dịch Covid-19, hạ gục rất nhiều nền kinh tế thế giới, tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, cạnh tranh địa chính trị, khoa học, công nghệ giữa các quốc gia.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau chiến thắng đại dịch do coronavirus gây nên, kiên cường thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch Covid-19 thành công, vừa duy trì phát triển kinh tế, không để nền kinh tế Việt Nam bị đứt gãy”.

Trong báo cáo công bố ngày 15/9, các chuyên gia ADB chỉ rõ, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, đà hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc cũng như những lợi thế nhất định của việc thực thi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á, việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế nước này phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi hơn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay sang các nước có chi phí thấp hơn.

ADB: Kinh tế Việt Nam vững vàng trước khủng hoảng Covid-19

Mặt khác, cũng tại buổi công bố Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 này ở Hà Nội, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam thông tin cho biết, tiêu dùng nội địa giảm và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến.

“Nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn vững chắc vào năm 2020, một phần lớn là do thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19”, vị chuyên gia khẳng định.

Theo ADB, mức tăng trưởng thấp sẽ giữ lạm phát ở mức 3,3% vào năm 2020 và 3,5% vào năm 2021. Theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng chi tiêu công và những cải cách của Chính phủ và địa phương đang diễn ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Dù bị Covid-19 đe dọa nhưng Việt Nam vẫn làm được nhiều điều bất ngờ

Theo báo cáo của ADB, mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, nhưng tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp thực tế đều giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp đối mặt với thực trạng phải tạm ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại của Việt Nam tiếp tục giảm.

“Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, nền kinh tế Trung Quốc cũng dần hồi phục và hiệp định EVFTA đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại”, báo cáo của ADB một lần nữa khẳng định những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn khẳng định rất “khả quan”. Đối với đánh giá triển vọng chung, các chuyên gia ADB phân tích, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm trong nước đang có dấu hiệu xấu hơn cả mong đợi.

“Tuy nhiên, Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng kinh tế trung và dài hạn vẫn tích cực”, Giám đốc của ADB tại Việt Nam nêu rõ.

Báo cáo của ADB cho hay, nền tảng kinh tế vẫn chưa suy giảm và Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Đồng thời, như trước đó đã thông tin, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam đều sản xuất thiết bị y tế và các doanh nghiệp còn lại thì sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại máy tính, máy điều hòa không khí hoặc modul nguồn.

ADB nêu ra những thách thức nào đối với kinh tế Việt Nam?

Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng nêu ra những thách thức và nguy cơ lớn vẫn còn tồn tại đối với nền kinh tế Việt Nam.

World Bank tin kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao thứ 5 thế giới

Điển hình như theo ADB dịch COVID-19 toàn cầu kéo dài, vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới. Ngoài ra, báo cáo cũng xác định các mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và rủi ro tài chính có thể trầm trọng hơn do đại dịch kéo dài.

Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB khẳng định, ADB là đối tác cho vay dài hạn của Việt Nam, phần lớn vốn được sử dụng vào đầu tư công.

Cũng theo ADB, trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus, kinh tế toàn cầu suy giảm khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp “khôn ngoan” để thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển châu Á, vẫn còn nhiều thách thức khi tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng bởi các khâu thực hiện dự án như đánh giá tác động, giải phóng mặt bằng, một số việc khó khăn hơn khi có dịch bệnh nhưng tiến độ giải ngân năm nay vẫn cao hơn một số năm trước.

“ADB cam kết hợp tác với các đối tác Việt Nam để triển khai hiệu quả hơn các dự án đầu tư công hiệu quả hơn trong tương lai”, ông Andrew Jeffries khẳng định.

Nêu cụ thể trong báo cáo công bố sáng nay, đối với lĩnh vực ngân hàng, ADB cho rằng hoạt động cho vay sẽ tiếp tục yếu mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

GDP Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng âm

Trong khi đó, về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của các doanh nghiệp, do lo ngại về việc gia tăng nợ xấu khi kết thúc cơ cấu lại khoản vay.

Thêm vào đó, thực tế, nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp cũng giảm đi cùng với nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp thấp. Do đó, phía ADB đánh giá, tín dụng ngân hàng được dự báo sẽ chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 14,0% của Ngân hàng Nhà nước.

Một điểm rất đáng chú ý trong báo cáo của ADB đối với nền kinh tế Việt Nam chính là tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng cao. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB dự đoán rằng 548.000 lao động trẻ Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch tiếp tục và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiểm soát hiệu quả.

Việt Nam đủ năng lực và sáng tạo để vượt qua khủng hoảng Covid-19

Phân tích về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, đến năm 2021, Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh để thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, chi phí thấp như trước đây mà cần dựa nhiều vào chất lượng, tạo hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics.

Việt Nam là đất nước an toàn để đầu tư

“Điều quan trọng là các nhà đầu tư này có đáp ứng tiêu chuẩn, chuyển giao công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước kết nối hay không ”, ông Nguyễn Minh Cường lưu ý.

Từng chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đảm bảo mục tiêu kéo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, chuyên gia Nguyễn Minh Cường cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp ứng phó với khủng hoảng từ Covid-19 một cách hiệu quả.

“Tôi tin tưởng kinh nghiệm của Việt Nam trong quá khứ ứng phó với khủng hoảng, như năm 1986 nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường, hay quyết định gia nhập ASEAN… cho thấy Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp cải thiện cơ chế kinh tế ứng phó với khủng hoảng từ Covid-19 một cách hiệu quả trong vài tháng tới”, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhấn mạnh.
ADB: Lần đầu tiên trong 60 năm kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng âm

Cũng trong báo cáo công bố hôm nay 15/9, Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, năm nay là lần đầu tiên trong 60 năm qua, các nền kinh tế châu Á sẽ suy giảm nghiệm trọng trước khi phục hồi trở lại từ năm 2021 sau khi khắc phục được những hậu quả nặng nề do coronavirus gây nên.

Thắng Covid-19, cạnh tranh FDI với Trung Quốc ư? Việt Nam đừng vội mừng

Cụ thể, con số được nêu ra trong báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế châu Á (ADO) 2020, dự kiến, GDP khu vực châu Á sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020. Theo ADB, đây là lần đầu tiên kinh tế khu vực châu Á tăng trưởng âm kể từ thập niên 60 đến nay.

Ở triển vọng sáng lạn hơn, báo cáo của ADB chỉ ra rằng, tăng trưởng của khu vực châu Á trong năm sau sẽ hồi phục mạnh mẽ và đạt 6,8%. Theo Ngân hàng này, một phần vì tăng trưởng của năm 2021 sẽ được tính toán dựa trên những số liệu khá thấp của năm 2020. Đồng thời, sản lượng của toàn khu vực năm 2021 vẫn được dự báo ở mức thấp hơn những mức dự báo được đưa ra trước đại dịch Covid-19.

Theo mô tả của định chế tài chính này, kinh tế khu vực dự kiến sẽ phục hồi theo biểu đồ hình chữ L thay vì hình chữ V. Theo ADB, điều này đồng nghĩa vưới việc quá trình phục hồi kinh tế của khu vực châu Á sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn. Đồng thời, theo ADB, khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến tăng trưởng âm trong năm 2020 này.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Yassuyki Sawada nhận định, hầu hết các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải trải qua chặng đường hội phục gian nan tron những tháng còn lại cuối năm nay.

Vị chuyên gia này nêu rõ, tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 còn rất lớn khi các đợt bùng phát mới có thể khiến các quốc gia áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Do đó, theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, các chính phủ cần thực hiện những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân đặc biệt là nhóm người lao động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc, trong bối cảnh các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn “bình thường mới”.

Báo cáo của ADB cũng nêu rõ, đại dịch Covid-19 kéo dài vẫn sẽ là nguy cơ lớn đối với triển vọng tăng trưởng khu vực trong năm 2020 và 2021.

“Để giảm thiểu nguy cơ, các chính phủ trong khu vực đã triển khai những chính sách ứng phó trên diện rộng, bao gồm các gói hỗ trợ, chủ yếu là hỗ trợ thu nhập, có tổng trị giá lên tới 3.600 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP khu vực. Các nguy cơ khác như những vấn đề nảy sinh từ các diễn biến căng thẳng địa chính trị hay những bất ổn tài chính cũng có thể gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài”, báo cáo của ADB nhận định.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế có thể hóa giải xu hướng sụt giảm tăng trưởng và dự kiến duy trì được mức tăng GDP khoảng 1,8% trong năm 2020 (giống như Việt Nam) và bật lên tăng trưởng tới 7,7% trong năm sau nhờ loạt biện pháp y tế hiệu quả với nền tảng tốt cho quá trình phục hồi và duy trì phát triển kinh tế.

Cú sốc Covid-19: Chờ đợi gì ở kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020?

Trong khi đó, Ấn Độ, theo đánh giá của ADB, tình hình không quá lạc quan. Các biện pháp hạn chế khiến tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp đình trệ, dẫn tới GDP quý I của tài khóa 2020 giảm ở mức kỷ lục 23,9%. GDP của quốc gia này được dự báo sẽ giảm 9% trong cả tài khóa 2020 trước khi hồi phục 8% trong tài khóa 2021.

Bên cạnh đó, ADB cũng dự báo, các tiểu vùng khác tại châu Á cũng sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, ngoại trừ Đông Á, khu vực được dự báo tăng trưởng 1,3% trong năm nay và sẽ hồi phục mạnh mẽ lên mức 7% trong năm 2021.

Trong khi đó, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương là Nam Á, sẽ suy giảm ở mức 2 con số trong năm 2020.

“Các dự báo đều cho rằng hầu hết các nền kinh tế ở châu Á đang phát triển sẽ phục hồi trong năm tới, ngoài trừ một số nền kinh tế ở Thái Bình Dương”, ADB nhấn mạnh.

Đọc thêm:

Thảo luận