Ở Đài Loan, những kế hoạch như vậy có thể được hiểu là sự hỗ trợ dành cho lực lượng ly khai trên đảo.
Mỹ sẽ tăng cường tiềm năng hải quân của mình với các tàu nổi không người lái và tàu tự hành, tàu ngầm, máy bay trên boong và các công nghệ hiện đại khác. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trong tương lai hạm đội sẽ có khả năng "giáng đòn chí mạng từ trên không, trên biển và từ dưới nước." Trong bài phát biểu tại Tập đoàn Rand ở California, Bộ trưởng Mark Esper nói rằng trọng tâm hoạt động chủ yếu của hạm đội Mỹ sẽ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông gọi Trung Quốc là nguy cơ đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "ưu tiên trong các hoạt động" của quân đội Mỹ.
Mỹ cố gắng khởi đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới chống Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Alexei Mukhin, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị - một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu của Nga - đã gọi tuyên bố của Bộ trưởng Mark Esper là sự khoa trương tuyên truyền nhằm gây ấn tượng với Trung Quốc:
“Mục tiêu chiến lược của Mỹ là kiềm chế các quốc gia khác để tiếp tục tỏ ra hùng mạnh. Hiện giờ Mỹ đang khua vũ khí hòng tạo ra ảo tưởng sức mạnh. Họ cho rằng sự khoa trương này sẽ gây ấn tượng với các đối thủ, trước hết là Trung Quốc. Trump cần thể hiện sức mạnh quân sự ngay bây giờ, bởi vì chính sách đối với Bắc Kinh mà ông ta theo đuổi trước đây đã không mang lại kết quả như mong muốn. Ngược lại, điều đó đã khiến tình hình xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trở nên phức tạp. Giờ đây, cuộc biểu dương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa sẽ bắt đầu. Nhưng tôi nghĩ rằng những điều như thế này sẽ có tác dụng ngược lại. Đơn giản là Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng quân sự trong khu vực để đáp trả hoạt động trên biển của Mỹ. Trung Quốc có mọi khả năng cho việc này.”
Ông Alexey Mukhin cho biết tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper cũng hướng tới các đồng minh của Mỹ:
“Các đồng minh hiện đang nhìn Mỹ và hoài nghi về việc Wasington sẽ bảo vệ họ. Công việc của ông Esper là gây ấn tượng với các đồng minh. Chẳng hạn, trong giai đoạn này Đức và Nhật Bản đang rất nghiêm túc làm mọi việc vì chủ quyền và vị thế của họ trên thế giới. Và đây là những triệu chứng đáng báo động đối với Mỹ, quốc gia đã quen được tất cả sùng bái. Bây giờ không phải như vậy. Ngay cả Australia cũng nghi ngờ việc họ hoàn toàn có thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, chưa nói đến Nhật Bản. Australia tăng ngân sách quân sự, có lẽ, họ muốn cho thấy rằng, tới dây sự hiện diện của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên lãnh thổ Australia sẽ không phù hợp."
Các kế hoạch của Mỹ nhằm đạt được ưu thế quân sự trong khu vực so với lực lượng hải quân Trung Quốc có thể được phía Đài Loan hiểu là hỗ trợ lực lượng ly khai trên đảo. Ý kiến này được ông Vladimir Evseev -nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga - bày tỏ khi trả lời phỏng vấn Sputnik:
“Một số nhà lãnh đạo chính trị, kể cả lãnh đạo Đài Bắc, có thể nhận thức được trên thực tế tuyên bố thuộc loại này của Esper là sự ủng hộ hành động ly khai nhằm ngăn cản Đài Loan thống nhất với Trung Quốc đại lục. Phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ được giải thích theo cách này, vì điều đó có lợi cho Đài Loan về mặt chính trị và quân sự. Hơn nữa, hiện nay Đài Loan đang xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình, đảo này đã ký kết các hợp đồng mua vũ khí hiện đại của Mỹ. Tất nhiên, đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, cho dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay diễn ra theo kịch bản nào đi nữa. Với sự giúp đỡ của Đài Loan, Mỹ đang cố gắng gây áp lực lên Trung Quốc đại lục cả về chính trị lẫn quân sự ”.
Trước hành động khiêu khích mới nhất của Mỹ - chuyến thăm Đài Loan từ ngày 17-19 tháng 9 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach - Trung Quốc đại lục đã đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự với kịch bản chiến đấu gần eo biển Đài Loan.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cảnh báo rằng Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để đáp trả chuyến thăm của ông Keith Krach. Theo Văn phòng Ngoại giao Đài Loan, Thứ trưởng Keith Krach là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979.