Điện ảnh Việt Nam sẽ càng khó khăn trong những năm tới

“Những năm tới điện ảnh Việt Nam sẽ càng khó khăn. Ngổn ngang nhiều vấn đề, từ khâu sản xuất đến phát hành”, - Nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam nói với Sputnik.
Sputnik

Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX (2020-2025) đã diễn ra từ 19 đến 21.9 tại Hà Nội với sự tham dự của 490 đại biểu từ 39 chi hội điện ảnh. Đây là sự kiện lớn của ngành Điện ảnh Việt Nam. Theo đánh giá chung, điện ảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Làm sao khai thác được điện ảnh Việt Nam tiềm năng, thị trường điện ảnh Việt Nam “màu mỡ”?

Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam, người nắm rất rõ thực trạng của điện ảnh Việt ngày nay. Sau đây là chia sẻ bộc trực và tâm huyết của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX: “Giàu kịch tính”, “gay cấn”

Sputnik: Đại hội toàn quốc Hội điện ảnh Việt Nam vừa mới kết thúc hơn một tuần trước. Dư âm của nó còn rất mạnh. Có nhiều người nói về "giàu kịch tính" và "gay cấn" của đại hội lần này? Chị có thể chia sẻ về điều này không?

HBO dừng chiếu phim ẩm thực Việt Nam vì cảnh nóng?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đại hội điện ảnh cũng như đại hội các ngành văn hóa nghệ thuật khác cứ 5 năm một lần lại diễn ra. Lần nào đại hội chả kịch tính, chả gây cấn! Lần nào cũng có những hội viên nghiêm túc, lịch lãm tham luận chia sẻ những lo lắng trước những khó khăn của điện ảnh nước nhà. Cạnh đó cũng có những đại biểu quá khích, mượn gió bẻ măng, cậy “mồm to” nói át người khác, thậm chí xúc phạm người khác để được lợi cho mình, cho nhóm của mình. Nhân sự bầu bán trong đại hội bao giờ cũng là nóng nhất.

Ban chấp hành mới của Hội điện ảnh Việt Nam chưa có chủ tịch

Sputnik: Ban chấp hành (BCH) mới cho nhiệm kỳ 2020 -2025 có gì đặc biệt?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đặc biệt nhất là sau khi ra mắt 15 ủy viên BCH mới là thôi.  Không có Chủ tịch, phó Chủ tịch như các đại hội trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 9 lần đại hội xảy ra tình trạng như thế này. Bởi lẽ BCH mới trúng cử được lệnh cấp trên là chưa họp vội và chưa bầu Chủ tịch vội vì người mà “cấp trên muốn” cho làm Chủ tịch thì lại bị thiếu phiếu nên không vào được BCH. Không vào được BCH thì làm Chủ tịch sao được!

Chờ sau một tháng chắc tìm được Chủ tịch mới do BCH bầu ra thì sẽ công bố chăng?

Điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu?

Sputnik: Điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu? Phó thủ tướng Vũ Đức Dam đã nói đến mong đợi về những tác phẩm mang tầm vóc dân tộc, thời đại. Theo chị, điều này có hiện thực không? Nếu có, thì ngành điện ảnh Việt Nam phải làm gì?

Tận mắt chiêm ngưỡng ngoài đời thực hình ảnh cây cô đơn, trường tiểu học Đo Đo trong phim “Mắt biếc”

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Những năm tới điện ảnh Việt Nam sẽ càng khó khăn. Ngổn ngang nhiều vấn đề, từ khâu sản xuất đến phát hành.

Sản xuất thì không chỉ khó khăn tìm kiếm nguồn vốn: Vốn từ nguồn ngân sách đã hiếm lại vấp nhiều thủ tục rườm rà nhiêu khê, nặng tính xin cho khiến khá mệt mỏi cho nhà sản xuất và các nghệ sĩ, thời gian tâm sức mất cho các thủ tục nhiều hơn là cho sáng tạo nghệ thuật!!!); từ nguồn vốn tư nhân thì lãi ít lỗ nhiều, ít ai dám đầu tư. Nguồn kịch bản hay cũng khan hiếm. Giải quyết điều này, Cục điện ảnh vừa mở cuộc thi kịch bản phim truyện treo giải khá cao. Đây cũng là việc kích cầu tìm kịch bản hay đưa vào sản xuất.

Khâu phát hành cần điều tiết giữa các nhà phát hành phim trong nước và nước ngoài về tỷ lệ ăn chia và giờ chiếu sao cho công bằng để các nhà phát hành phim trong nước không bị chèn ép thua trên sân nhà. Cạnh đó Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch, Cục Điện ảnh đang tiến hành rà soát sửa đổi Luật điện ảnh sao cho phù hợp với thực tế hôm nay và đón đầu lâu dài cho hoạt động điện ảnh trong nhiều năm tới. Một vấn đề nữa là, nguồn nhân lực trong điện ảnh- những người làm điện ảnh có nghề, có tính chuyên nghiệp cao cũng không phải dồi dào.

Khắc phục được một số khó khăn chính như đã nói ở trên may ra điện ảnh mới có được tác phẩm “mang tầm vóc dân tộc, thời đại!” chăng - như Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam mong đợi.

Sputnik: Rất cảm ơn chị đã dành thời gian cho Sputnik.

Thảo luận