Việt Nam trong “vòng tay” ngoại giao vaccine Covid-19 và máy thở: Ngày 30/9 với sáng kiến và đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa trao tặng Việt Nam 100 máy thở hỗ trợ phòng chống Covid-19.
Sau khẳng định Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về vaccine Covid-19, ngày hôm nay, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, Việt Nam có thể nhập khẩu vaccine phòng coronavirus của Anh.
Mỹ tặng Việt Nam 100 máy thở điều trị bệnh nhân Covid-19
Ngày 30/9 tại Hà Nội, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tiến hành trao tặng cho phía Việt Nam 100 máy thở phục vụ công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus.
Được biết, việc thực hiện đợt trao tặng 100 máy thở này được thực hiện theo đề nghị và sáng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump về hỗ trợ những thiết bị cực kỳ cần thiết và quan trọng đối với công tác phòng chống đại dịch do coronavirus tại Việt Nam.
Tham dự sự kiện này lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam - GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Daniel J.Kritenbrink- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Greene- Giám đốc USAID Việt Nam.
Đại diện chính quyền Mỹ nhấn mạnh, việc bổ sung thêm số lượng máy thở cho công tác điều trị bệnh Covid-19 sẽ giúp tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 của Việt Nam, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng, cần sự hỗ trợ của máy thở.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến nay đã gần 30 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên Việt Nam luôn nâng cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch và kiên định nguyên tắc chống dịch là phát hiện sớm, cách ly, ngăn chặn, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khen ngợi việc Việt Nam cơ bản kiểm soát thành công đại dịch do coronavirus đồng thời khẳng định, những khoản viện trợ của Mỹ dưới nhiều hình thức sẽ góp phần tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng bền chặt và phát triển.
“Thế giới ấn tượng với chiến lược và các giải pháp chủ động của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19, nhưng dịch bệnh nghiêm trọng này vẫn là một mối đe dọa đối với Việt Nam và cả thế giới”, ông Daniel J. Kritenbrink cho biết.
Đại sứ Kritenbrink cũng bày tỏ, Hoa Kỳ cảm kích về sự hỗ trợ của Việt Nam về các thiết bị bảo hộ cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của Mỹ.
“Dựa trên nền tảng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước chúng ta trong 25 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ những người bạn tại Việt Nam thông qua việc trao tặng 100 máy thở để giúp ứng phó với đại dịch Covid-19”, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh.
Được biết, ngoài 100 máy thở này, Chính phủ Hoa Kỳ, cũng thông qua USAID cam kết tài trợ 9,5 triệu USD cho Việt Nam để ứng phó đại dịch. Mục đích khoản viện nhằm trợ giúp Việt Nam cải thiện chăm sóc lâm sàng, phổ biến các thông điệp sức khỏe, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm, cải thiện công tác giám sát dịch tễ cũng như hỗ trợ sự hồi phục của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch do coronavirus lên nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Hoa Kỳ đã luôn hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Ông Long đánh giá sự kiện hôm nay là sự kiện quan trọng đánh dấu quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực y tế cũng như phòng, chống Covid-19. Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam cho biết, với số lượng máy thở được hỗ trợ dịp này, Bộ Y tế giao Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện tiếp nhận và phân phối, sử dụng số trang thiết bị này.
Tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, trong những năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được mở rộng và phát triển.
GS.TS Long cho hay, từ những hoạt động nhằm hỗ trợ người khuyết tật từ 30 năm về trước cho tới những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS thông qua Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), Chương trình ứng phó với bệnh lao thông qua CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả cho các hoạt động phát hiện, điều trị và ngăn ngừa bệnh lao.
Ngoài ra còn có Chương trình phòng chống cúm mùa, Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, một chương trình quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, trong đó hỗ trợ Việt Nam ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch Covid-19.
“Các dự án, chương trình hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Việt Nam”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
“Thay mặt Bộ Y tế, tôi xin được gửi tới Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ lời cám ơn trân trọng vì những hỗ trợ quý báu và hiệu quả đã dành cho ngành y tế Việt Nam trong thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng, hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, mở ra các hướng hợp tác mới trong tương lai và trân trọng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục coi y tế là một lĩnh vực ưu tiên”, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Theo phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong 20 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 706 triệu USD trong lĩnh vực y tế và cung cấp tổng cộng hơn 1,8 tỷ USD hỗ trợ chung trên nhiều lĩnh vực cho Việt Nam.
Việt Nam và Anh thỏa thuận về việc nhập vaccine Covid-19
Ngày 30/9, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Tổ chức PATH và Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo giới thiếu vaccine phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng với đại diện các cơ quan Chính phủ, Vụ/Cục của Bộ Y tế và các bên liên quan tham dự, thảo luận nhiều ý kiến tại Hội thảo.
Đặc biệt, sự kiện lần này còn có sự góp mặt của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Quốc Dominic Raab trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trước đó, ông cũng trong sáng 30/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đón và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab.
Hội thảo lần này do Bộ Y tế Việt Nam cùng với PATH, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội được xem có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển chiến lược quốc gia ngay sau khi có vaccine Covid-19.
Sự kiện này cũng ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá cao công cuộc phòng chống dịch Covid-19 cũng như nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vaccine Covid-19 nhằm đáp ứng tình trạng y tế khẩn cấp.
Được biết, trước đó, vào tháng 7/2020, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Vương quốc Anh, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo triển khai sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam nhằm thống nhất về chủ trương, nguyên tắc và kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vaccine chống coronavirus chủng mới trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Minh Hương, Cố vấn Kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vắc xin, tổ chức PATH cho biết, do tình huống đặc biệt mà chúng ta đang phải đối mặt với Covid-19, điều đặc biệt quan trọng là các nhà sản xuất vaccine và cơ quan quản lý hiểu và đồng thuận với các cơ chế, chính sách và quy định phù hợp để hướng tới việc phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian sớm nhất mà vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab cho rằng, việc hợp tác giữa các nhà khoa học Anh và Việt Nam sẽ bảo vệ công dân của cả hai nước, đồng thời ngăn chặn được làn sóng thứ hai của dịch bệnh trên toàn cầu đang đe dọa đến tất cả mọi người.
“Vương quốc Anh đang nỗ lực góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới”, Ngoại trưởng Raab nhấn mạnh.
Được biết, phía Vương Quốc Anh đã cam kết hỗ trợ 50 triệu bảng để hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với Covid19. Khoản hỗ trợ này bao gồm cả 6.3 triệu bảng mới được cam kết để củng cố hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
Về phía chính quyền Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, cùng với sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được những kết quả “đáng tự hào”.
GS. TS Nguyễn Thanh Long thông tin, kể từ ngày 3/9 đến nay, Việt Nam không còn ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, tất cả các ổ dịch Covid-19 của Việt Nam đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương.
Việt Nam cũng đã bước sang ngày thứ 28 liên tiếp không ghi nhận trường hợp lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu và các quốc gia đang ưu tiên và nỗ lực hết mình chạy đua nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19.
Từ đó, để có chế phẩm vaccine cung ứng sớm nhất cho thị trường, góp phần ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch, đưa cuộc sống trở về bình thường.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, theo cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến ngày 24/9, đã có 187 loại vaccine Covid-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Cụ thể, có 9 vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, 3 vaccine trong giai đoạn II và 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn I, 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Đặc biệt, vaccine Covid-19 của Anh sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và gần “cán đích”, đảm bảo cung ứng cho thị trường quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh với quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ, lâu dài trong những năm qua có thể trao đổi và đạt được thỏa thuận trong việc cung ứng vaccine Covid-19”, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.
Bao giờ có vaccine Covid-19 “Made in Vietnam”?
Phát biểu tại Hội thảo, người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam cho biết, cùng với việc tăng cường tiếp cận vaccine Covid-19 trên thế giới, tức ngoài việc tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài, Việt Nam cũng đang chủ động triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phát triển vaccine Covid-19 trong nước.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vaccine Covid-19 “made in Viet Nam” cho người chính Việt Nam.
Theo vị lãnh đạo, Việt Nam cũng là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình “Giải pháp tiếp cận vaccine Covid-19 trên toàn cầu” – (COVAX Facility) và được Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) COVAX AMC cam kết hỗ trợ.
Theo chia sẻ của Quyền Bộ trưởng, với mục tiêu cung ứng 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia vào cuối năm 2021, cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thành viên của COVAX Facility, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vaccine trong danh mục của COVAX AMC.
Đồng thời, về tình hình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam có 4 nhà sản xuất vaccine Covid-19.
Đó chính là Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Tất cả đều đang tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất chế phẩm chống coronavirus.
“Dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn II, III tại Việt Nam”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, ngoài hai nguồn cung ứng vaccine có thể có (COVAX Facility) và nguồn vaccine sản xuất trong nước (made in Vietnam) nêu trên, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, cùng với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vaccine Covid-19.
“Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình hành chính, tuy nhiên quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc xin, vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của vắc xin”, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Đồng thời, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vaccine Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vaccine chống coronavirus trong đó Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vaccine Covid- 19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.