Bà Claire Nullis nói: "Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus xác nhận rằng lỗ thủng tầng ôzôn trên Nam Cực là một trong những lỗ lớn nhất và sâu nhất trong những năm gần đây. Phân tích cho thấy lỗ thủng ôzôn đã đạt đến kích thước tối đa".
Bà Claire Nullis lưu ý rằng tầng ôzôn có tác dụng bảo vệ hành tinh khỏi tia cực tím có hại của mặt trời, lỗ thủng tầng ôzôn là hiện tượng xuất hiện theo mùa.
Lỗ thủng ôzôn
Theo bà Claire Nullis, lỗ thủng tầng ôzôn trên Nam Cực đã phát triển nhanh chóng từ giữa tháng 8 và đạt đỉnh vào đầu tháng 10 với tổng diện tích khoảng 24 triệu km vuông. Hố này hiện tại có diện tích 23 triệu km vuông, cao hơn mức trung bình trong thập kỷ qua và bao phủ hầu hết Nam Cực.
WMO nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của lỗ thủng tầng ôzôn cho thấy cần phải tuân thủ Nghị định thư Montreal, cấm phát thải các hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn. Theo các chuyên gia của tổ chức này, việc áp dụng các biện pháp được quy định trong nghị định thư sẽ giúp phục hồi tầng ôzôn và đến năm 2060 sẽ có thể trở lại tình trạng như trước năm 1980.