Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: "Iran có kế hoạch giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh, điều này cũng sẽ giúp giảm căng thẳng sát gần biên giới nước Cộng hòa Hồi giáo Iran".
Tình huống nguy hiểm đối với Iran
Không chỉ đối với hai bên xung đột, đối với Iran tình hình cũng nguy hiểm không kém.
Một điều dễ dự đoán, Iran phản ứng với tình hình trầm trọng hơn trong khu vực xung đột Karabakh. Điều này dễ hiểu vì tình hình căng thẳng leo thang gần biên giới quốc gia gây ra sự lo ngại của Tehran. Ban đầu người Iran đã phản ứng rất quyết đoán, vì đối với đất nước này, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay là điều kiện cần thiết để sống sót. Không nên quên rằng, Washington và Tel Aviv có thể cố gắng giải quyết vấn đề Iran bằng vũ lực. Ít nhất là trong trung hạn.
Đây là nguyên nhân khiến phía Iran đưa ra những tuyên bố ngay sau khi nối lại các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. Hơn nữa, trong những ngày giao tranh dữ dội, một số quả đạn của Azerbaijan đã bay đến và phát nổ trên lãnh thổ Iran. Một chiếc trực thăng quân sự của Azerbaijan bị Quân đội Phòng vệ Karabakh bắn hạ đã rơi xuống lãnh thổ Iran.
Điều chuyển vũ khí hạng nặng đến sát biên giới
Chiếc máy bay không người lái của Azerbaijan bay vào lãnh thổ Iran bị hệ thống phòng không của nước này bắn hạ, cũng như việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) điều chuyển các xe bọc thép hạng nặng đến sát biên giới, là những bằng chứng cho thấy rằng, Tehran đã sẵn sàng phản ứng mạnh với tình hình đang thay đổi ở Karabakh. Điều này dễ hiểu: khả năng xảy ra bất ổn ở các khu vực phía bắc Iran với dân số chủ yếu nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ gây sự lo ngại của ban lãnh đạo đất nước.
Mặt khác, theo truyền thống, các nhà ngoại giao Iran cân nhắc kỹ lưỡng ưu và nhược điểm và chỉ sau đó thực hiện những bước đi cụ thể trong chính sách đối ngoại. Điều đó đảm bảo sự thành công của nền ngoại giao Iran bất chấp sức ép kinh tế và chính trị gay gắt từ phía Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao ban đầu giới lãnh đạo Iran có vẻ khá thờ ơ với việc nối lại các hành động thù địch trong khu vực xung đột Karabakh.
Tehran đề xuất phương án "mọi người đều thắng"
Chỉ vào ngày thứ tám của cuộc xung đột sát gần biên giới, Bộ Ngoại giao Iran mới đưa ra tuyên bố chính thức, và đây là một tuyên bố lớn, thuộc thể loại giật gân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: "Iran đã chuẩn bị kế hoạch giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, kế hoạch này cũng giúp giảm căng thẳng sát gần biên giới nước Cộng hòa Hồi giáo Iran".
Thông tin thuộc thể loại giật gân: "hiện có kế hoạch giải quyết hoà bình cuộc xung đột Karabakh”. Và xét theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, đây là một phương án “mọi người đều thắng”. Trái ngược với tuyên bố gần đây của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, người "nhìn thấy" một giải pháp quân sự cho vấn đề, Tehran không nhìn thấy cơ hội như vậy.
Các nhà ngoại giao Iran cũng nói rằng, kế hoạch mà họ đã phát triển dựa trên luận điểm về "sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan". Luận điểm này thoạt nhìn tưởng như không phù hợp với Karabakh và Armenia. Nhưng, xét theo những tuyên bố gần đây của cả Yerevan và Stepanakert, họ không quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan. Xét cho cùng, Karabakh chưa bao giờ là một phần của nước Azerbaijan độc lập. Cộng đồng thế giới đã từng chấp nhận “điểm 0” là biên giới Azerbaijan năm 1918, khi đó Karabakh chắc chắn không phải là một phần của quốc gia này. Vì vậy, nếu có một cuộc tranh luận ở cấp độ luật pháp quốc tế, thì các chuyên gia sẽ xem “ai thắng, ai thua”.
Tuy nhiên, giờ đây, không có thời gian cho những tranh luận về pháp lý, vì trong khu vực xung đột hàng ngày có những người chết: không chỉ quân nhân, mà còn cả dân thường. Và tình hình căng thẳng do những bước đi đột ngột và không thể đoán trước của Ankara và Baku là rất nguy hiểm đối với khu vực và toàn thể cộng đồng thế giới. Trước hết, cần phải dừng các hành động quân sự quy mô lớn.
Có thể nói chắc chắn rằng, đối với Iran, như đã đề cập ở trên, tình hình hiện tại là một mối đe dọa, Tehran chắc chắn sẽ có những bước đi tích cực, ngay cả khi phải trả giá bằng áp lực nghiêm trọng lên các bên xung đột. Người Iran, như đã nêu trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao, đang cố gắng xoa dịu căng thẳng gần biên giới của họ.
Cuộc mặc cả giữa Iran và Azerbaijan?
Hầu hết tất cả các chuyên gia về Iran đều lưu ý rằng, vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch mà Tehran định cung cấp cho các bên xung đột. Không nên ngạc nhiên về điều này vì kế hoạch chỉ được vạch ra ở cấp Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra những giả thuyết khác.
Ví dụ, các nhà phân tích cho rằng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov biết những chi tiết về kế hoạch này. Bởi vì vài ngày trước, các bộ trưởng ngoại giao của Nga và Iran - Sergei Lavrov và Mohammad Javad Zarif, đã có cuộc điện đàm để thảo luận chi tiết về tình hình trong khu vực xung đột Karabakh.
Theo như được biết, trong những ngày gần đây, ông Lavrov và ông Zarif đã có nhiều cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov. Dù những chi tiết của các cuộc đàm phán chưa được biết, nhưng có thể giả định rằng, đó là một số bước hướng tới lệnh ngừng bắn.
Cần phải nhắc nhở về lời tuyên bố gần đây của Tổng thống Aliyev rằng, Azerbaijan có mọi quyền giải quyết vấn đề Karabakh bằng biện pháp quân sự. Rất có thể, Tehran đã bắt đầu liên hệ với Baku để thực hiện kế hoạch của mình. Nếu không, lập trường này của Tổng thống Azerbaijan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Baku trên trường quốc tế.
Xét cho cùng, trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có cách tiếp cận như vậy, mà hiện nay uy tín nước này giảm mạnh trên trường quốc tế. Hơn nữa, chắc chắn Ankara sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình trong khu vực Karabakh. Baku cũng hiểu rõ điều này.
Đó là lý do tại sao tuyên bố gay gắt của Aliyev nên được xem xét trong khuôn khổ logic chuẩn bị sơ bộ cho quá trình đàm phán mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đề cập trong tuyên bố chính thức của mình. Trong mọi trường hợp, rõ ràng là Tehran không có ý định lảng tránh việc giải quyết vấn đề này lẽ ra cần phải được tập trung giải quyết ngay lập tức. Rốt cuộc, tình hình gần biên giới Iran có nguy cơ bùng nổ thành cuộc chiến tranh toàn diện.