227 hạt giống đỏ chính trị Việt Nam: Khó kỳ vọng 100% nhân sự “đều tốt”?

Theo nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng, khó kỳ vọng 100% nhân sự đều tốt. Các cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật là bài học xương máu –mất mát lớn nhất là danh dự, uy tín của Đảng.
Sputnik

Việc lựa chọn đúng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, địa phương nhiệm kỳ tới (2021-2026) là công việc hết sức khó khăn. Dứt khoát không chọn những người chỉ “giữ mình, giữ ghế” cho Đại hội. Phải chọn người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhân dân đều biết cả.

Kỳ vọng lớn ở 227 nhân sự quy hoạch Trung ương

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam, luôn đau đáu với nhiệm vụ “chọn người có tài, có tâm, có đức” vì sự phát triển chung của đất nước, sự tiến bộ của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng hiểu rõ, ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, công tác nhân sự, lựa chọn người lãnh đạo cũng là công việc hệ trọng, đóng vai trò then chốt.

Sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền: Vì sao Việt Nam nhiều Thứ trưởng?

Đúng như khẳng định trước đó tại Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ, ngày 23/4/2020 rằng công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với nhiệm vụ này cần thực hiện nghiêm túc, khách quan và đúng đắn, kỹ lưỡng nhất.

Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, tính đến ngày 20/8/2020, Việt Nam đã có 116/116 địa phương, cơ qua, đơn vị giới thiệu 119 Ủy viên trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử. Có 107 người lần đầu tham gia Ủy viên chính thức và 44 người tham gia ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đồng thời, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 13 hôm 5/10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 cán bộ.

Thay mặt Bộ Chính trị, tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thư gửi các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII, yêu cầu từng đồng chí tự đề xuất ý kiến về cá nhân mình, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn và điều kiện tự thay thế mình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công an đừng vì tiền, vì chức quyền mà làm việc xấu

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối- giữa Trung ương và địa phương-cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch.

“Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, người đứng đầu Đảng và Nhà nước của Việt Nam nhấn mạnh.

Vì sao khó kỳ vọng 100% nhân sự đều tốt hết?

Phát biểu về công tác nhân sự, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư đến các Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự tiêu chuẩn thay thế là quy trình bình thường, được thực hiện trước mỗi kỳ Đại hội, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tích cực, chủ động của các Ủy viên Trung ương Trung ương Đảng.

Đặc biệt, không chỉ riêng Ủy viên Trung ương có thể đề xuất, đề cử mà bất kể đảng viên hay người dân nào đều có thề đề xuất người mình tín nhiệm. Đối với các Ủy viên Trung ương đương nhiệm, người nào thấy mình đủ điều kiện làm tiếp thì có ý kiến, mà xin nghỉ thì giới thiệu người có thể thay thế mình.

Đồng thời, thông tin tại Hội nghị Trung ương 13 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, quá trình phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng danh sách dự kiến để giới thiệu ứng cử Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc xem xét được thực hiện trên tinh thần “không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch.

Chia sẻ quan điểm trên VOV, bày tỏ sự đồng tình với tinh thần quán triệt này, tuy nhiên,  ông Lê Quang Thưởng vẫn đánh giá, mọi việc đều là tương đối, đề xuất, thảo luận, cho ý kiến 2, 3 lần hay 4, thậm chí 10 lần có thể vẫn chưa hoàn toàn đúng.

“Thế người ta mới nói là “tự diễn biến”, hôm nay anh tốt nhưng dăm bữa nữa tháng mới “sinh chuyện” thì đương nhiên phải điều chỉnh. Không có gì hoàn hảo cả, con người cũng vậy. Từ nay đến Đại hội, Trung ương còn tiếp tục lấy ý kiến nữa, cho tới tận Hội nghị cuối cùng. Đây cũng là công việc mà kỳ đại hội nào Đảng cũng tiến hành”, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương thẳng thắn.

Vị chuyên gia cũng khẳng định, đảng viên, quần chúng luôn mong Đại hội sẽ đạt kết quả tốt nhưng họ cũng hiểu rằng, mọi việc không phải lúc nào cũng được như mong muốn.

“Trong số hơn 200 ủy viên trung ương sẽ được bầu, hy vọng 180 người là tốt, những người còn lại cần được rèn thêm. Kết quả đó đã là tốt rồi, chứ khó có thể kỳ vọng 100% cán bộ đều tốt hết. Giống như trong một cơ quan, đơn vị cũng vậy, không phải tất cả các thành viên đều làm tốt cả”, ông Lê Quang Thưởng nói.

Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm, cuộc sống luôn có sự chuyển động, không bao giờ đứng yên một chỗ.

Việt Nam công bố sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chuẩn bị nhân sự và Đại hội Đảng

Ông phân tích, anh A đầu nhiệm kỳ có thể tốt nhưng cuối nhiệm kỳ sinh chuyện, điều đó là bình thường. Anh ta cũng có gia đình, họ hàng, có các mối quen biết. Anh ta sinh chuyện trong các mối quan hệ đó.

“Chúng ta biết được quy luật đó để mà giáo dục, quản lý. Cán bộ Trung ương chịu 3 cấp quản lý: Cấp thứ nhất: các Ủy viên Trung ương quản lý lẫn nhau, trong đó có Bộ Chính trị quản lý các Ủy viên Trung ương; Cấp thứ hai: cơ quan nơi họ làm việc chịu trách nhiệm giám sát, quản lý; Cấp thứ ba: nhân dân nơi họ sinh sống. 3 cấp quản lý đó bổ sung cho nhau, làm cơ sở để đánh giá Uỷ viên Trung ương đó”, đồng chí Lê Quang Thưởng bày tỏ.

Kỷ luật cán bộ: Bài học xương máu, gây ảnh hưởng danh dự uy tín của Đảng

Cũng theo nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, câu chuyện nhiều Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị của khóa XII bị kỷ luật có thể xem là bài học xương máu.

“Tất cả họ khi mới được bầu đều phải trải qua một quy trình lựa chọn nghiêm ngặt, “lý lịch” đương nhiên đều phải đạt, phải tốt, nhưng một thời gian sau bắt đầu xảy ra chuyện. Khi đó có quay lại kiểm điểm, quy trách nhiệm thì sai phạm cũng đã xảy ra, không chỉ mất cán bộ mà mất mát lớn nhất là danh dự, uy tín của Đảng”, ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Quang Thưởng cũng phân tích, người ta nhận ra rằng người giới thiệu có khi cũng không biết hết được ưu khuyết điểm của người mình đề cử, đến khi được bầu vào mới bộc lộ hạn chế, thiếu sót.

“Cũng có khi hiểu đầy đủ nhưng cố tình bao che, phe nhóm. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào, thì rõ ràng việc quản lý, giáo dục theo 3 cấp đối với mỗi Ủy viên Trung ương còn lỏng lẻo, dẫn đến những sai phạm của họ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của sự quản lý”, vị nguyên lãnh đạo nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Thưởng cũng đặt vấn đề, phải chăng chúng ta cần thay đổi cách thức quản lý, giáo dục? Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương đánh giá, không cần thay đổi bởi đó là quy luật vận động của cuộc sống.

Việt Nam quyết chống thế lực phản động, thù địch, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước

Ông Thưởng lý giải, trong gia đình, bố mẹ phải có trách nhiệm với con cái, con cái hư có trách nhiệm của bố mẹ, đó là lẽ tất nhiên không thể tránh được. Ngoài bố mẹ, gia đình, là nhà trường cũng có trách nhiệm, sau nữa là tác động của xã hội.

“Có khi ở nhà với bố mẹ rất ngoan, ra ngoài xã hội giao du với bạn xấu, bố mẹ sao có thể quản lý được hết. Dẫn chứng như vậy để nói rằng, nguyên nhân dẫn tới sai phạm của một con người là tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều quan hệ”, vị chuyên gia thẳng thắn.

Ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh, nếu giải quyết tốt các mối quan hệ thì không có gì phải bàn cãi nhưng chỉ một quan hệ bị lệch lạc, lỏng lẻo, sai phạm là điều khó tránh khỏi.

Nhân dân đều biết cả: Người vì lợi ích chung không quan tâm đến cái ghế

Phát biểu về công tác nhân sự, chọn đúng người, đúng vị trí để lãnh đạo với cái tâm, cái tầm, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, con người làm việc gì cũng đều có động cơ.

"Kỷ luật cán bộ không làm suy giảm uy tín của Đảng"

Theo vị chuyên gia, như bây giờ chuẩn bị đến Đại hội XIII của Đảng, nếu nếu người vì dân, vì nước, người hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì họ làm việc hết sức, làm việc đến ngày cuối cùng diễn ra Đại hội XIII.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, ngay cả sắp tới đây người đó không còn làm nữa, không giữ cương vị đó nữa, họ vẫn tiếp tục làm, làm hết sức mình đến giờ phút cuối cùng.

“Những người như vậy không quan tâm gì đến lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, không quan tâm đến cái ghế mà họ chỉ quan tâm làm thế nào cho đất nước phát triển, làm thế nào cho dân được ấm no, hạnh phúc”, PGS-TS Vũ Văn Phúc nêu quan điểm với Vietnamnet.

Cũng theo vị chuyên gia, nếu là người xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, những kẻ cơ hội thì thường trước Đại hội Đảng họ không dám làm gì cả vì chỉ sợ mất phiếu, sợ đụng chạm, sợ mất lòng nên không dám làm gì.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, những trường hợp như thế dứt khoát không cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành và càng không nên cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương.

“Bởi vì những con người giữ mình như thế chẳng có tác dụng gì cho dân, cho nước và khi được bầu, bổ nhiệm rồi anh ta lại nhăm nhăm vì lợi ích cá nhân của mình. Vì vậy, ngay từ đầu phải gạt những người này ra khỏi danh sách không giới thiệu để Đại hội bầu”, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng cho biết, hiện Bộ Chính trị đang giao Ban Tổ chức Trung ương xây dựng đề án khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để ban hành trong thời gian tới.

Lịch sử đã lựa chọn: Uy tín của Đảng Cộng Sản Việt Nam hội tụ ở TBT Nguyễn Phú Trọng

Theo đề án này, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám vì lợi ích chung phải khuyến khích, động viên và phải có cơ chế bảo vệ họ. Cụ thể, ông Phúc cho rằng, Đảng phải khuyến khích, Nhà nước phải có cơ chế để tạo điều kiện cho người này làm việc một cách tốt nhất để họ dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo, dám đi đầu vào những lĩnh vực khó khăn mặc dù chưa có tiền lệ, dám đi vào những cái mới để tìm ra cơ hội cho đất nước phát triển, cho cơ quan, do đơn vị, cho lĩnh vực, cho ngành mình, cho địa phương mình phát triển.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương lưu ý, những trường hợp “dũng cảm” như trên thì phải được động viên, khuyến khích, tạo điều kiện.

“Thậm chí vì một lý do nào đó mà việc làm của họ chưa thành công thì không xem xét xử lý hành chính, không xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí có thể mất đi một số kinh phí nào đó để động viên họ làm nếu như đó thực sự là hành động vì dân, vì nước”, PGS.TS Vũ Văn Phúc nói.

Theo vị chuyên gia, nhân dân biết hết, ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần, cứ hỏi nhân dân biết hết. Trên thực tế như các cụ nói, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Có thể lúc đầu chúng ta chưa phân biệt được người dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung với người cơ hội cá nhân nhưng đến một lúc đó sẽ bộc lộ ra. Thực tế lịch sử, không ngắn thì dài sẽ chứng minh điều đó”, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định.
Thảo luận