Công ty dược Ấn Độ đăng ký thử nghiệm vaccine Sputnik V

NEW DEHLI (Sputnik) - Công ty dược phẩm Dr Reddy’s Laboratories của Ấn Độ đã đệ đơn lên Tổng cục Kiểm soát dược phẩm nước này (DCGI) xin thử nghiệm vaccine ngừa coronavirus Sputnik V của Nga, một quan chức chính phủ thông báo với hãng thông tấn Ấn Độ ANI.
Sputnik

Lưu ý rằng đây sẽ là thử nghiệm theo phương pháp đối chứng ngẫu nhiên (RCT), thử nghiệm mù, đa trung tâm.

Trước đó, cơ quan quản lý về y tế của Ấn Độ đã bác bỏ đề nghị của Dr Reddy’s Laboratories xin tiến hành ngay giai đoạn ba thử nghiệm vaccine của Nga tại nước này, yêu cầu họ tiến hành thử nghiệm cả giai đoạn hai và giai đoạn ba.

Nga ký thỏa thuận với Ấn Độ để sản xuất vắc xin Sputnik V

Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) và công ty Dr Reddy’s Laboratories Ltd. của Ấn Độ trước đây đã thỏa thuận việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine nói trên. Thông tin cho biết 100 triệu liều vaccine sẽ được chuyển đến Ấn Độ ngay sau khi được cơ quan quản lý trong nước cho phép. Vào tháng 8, Bộ Y tế Nga đã đăng ký loại vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng ngừa COVID-19 mang tên Sputnik V, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya phát triển và hợp tác sản xuất với RDIF. Một liều vaccine bao gồm hai mũi tiêm cách nhau ba tuần.

Thử nghiệm vaccine COVID-19 ở Ấn Độ

Cho đến nay, ở Ấn Độ đang thử nghiệm ba loại vaccine ngừa coronavirus - Bharat Biotech và Zydus Cadila đang tiến hành giai đoạn thứ hai thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Covaxin và ZycovD do họ nghiên cứu. Viện Huyết thanh của Ấn Độ đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine ChAdOx1 của Đại học Oxford tại 17 trung tâm y tế và đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3. Dự kiến sẽ có 1,6 nghìn người tham gia. Viện Huyết thanh của Ấn Độ hiện đang hợp tác với năm công ty dược phẩm quốc tế để phát triển vaccine ngừa COVID-19, trong đó có AstraZeneca và Novavax.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm coronavirus. Tổng số các trường hợp nhiễm bệnh trong cả nước là trên 7,2 triệu người, hơn 110 nghìn người đã tử vong vì căn bệnh này, khoảng 826 nghìn người đang được điều trị, hơn 6,3 triệu người đã khỏi bệnh.

Đọc thêm:

Thảo luận