Việt Nam hoan nghênh Thủ tướng Suga, phản đối hành vi của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Việt Nam xác nhận chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, lên tiếng về hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở Hoàng Sa, đồng thời khẳng định hoan nghênh sáng kiến hợp tác của Washington khi Mỹ nói “Bộ Tứ nên hợp tác với ASEAN vì hòa bình của khu vực.
Sputnik

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và khẳng định, Việt Nam hoan nghênh chuyến công du này của nhà lãnh đạo Nhật Bản – minh chứng rõ ràng cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật.

Trước việc Mỹ nói nhóm “Bộ tứ” nên tăng cường hợp tác với ASEAN, Việt Nam – trong vai trò là nước chủ tịch ASEAN 2020 - cho biết luôn hoan nghênh các sáng kiến góp phần vào hòa bình khu vực.

Việt Nam cũng vừa lên tiếng phản đối kịch liệt, mạnh mẽ việc thành phố Tam Sa và loạt hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, đặc biệt là thông tin hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trái phép ở đây theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI).

Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

Chiều 15/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam bắt đầu buổi họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng.

Thủ tướng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản đến Việt Nam, hôm nay ngày 15 tháng 10, đại diện Bộ Ngoại giao lên tiếng xác nhận Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Hằng chỉ cho biết, sự kiện (việc Thủ tướng Suga Yoshihide thăm Hà Nội) sẽ diễn ra 'trong một ngày gần đây'.

“Nhận lời mời, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm chính thức Việt Nam trong một ngày gần đây. Đây là lần thứ hai thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam cho chuyến thăm chính thức đầu tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 15 tháng 10.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản tiền nhiệm là ông Abe Shinzo, sau khi nhậm chức, cũng đã chọn Việt Nam là đất nước đầu tiên đến thăm. Sự kiện diễn ra hồi năm 2013.

Việt Nam hoan nghênh Thủ tướng Suga, phản đối hành vi của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng nhận định chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp.

“Việt Nam hoan nghênh việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam làm điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, thực chất trên nhiều lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bày tỏ.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, dự kiến Thủ tướng Suga sẽ có các cuộc hội đàm, cũng như chào xã giao với lãnh đạo Việt Nam bên cạnh những hoạt động khác.

Việc Tân Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đã thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt nhiều tuần qua.

Thủ tướng Suga: Nhật Bản coi trọng Việt Nam, muốn nâng tầm hợp tác

Theo thông tin từ giới báo chí Nhật Bản, có trích dẫn nguồn từ chính phủ Nhật, cho biết ông Suga sẽ thăm Việt Nam và Indonesia trong tháng 10.

Ngoài ra, tại các buổi làm việc thường xuyên giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tối 7/10, khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, việc ông Suga đến thăm Việt Nam cũng được đưa ra thảo luận.

Theo đó, hai phía đã trao đổi về công tác chuẩn bị, triển khai cho chuyến thăm của Thủ tướng Suga. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức.

Trước đó, hôm 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Suga. Qua đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời mời Thủ tướng Suga sớm thăm Việt Nam. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tân Thủ tướng Nhật Bản đã vui vẻ nhận lời.

“Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ diễn ra tốt đẹp, đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, góp phần vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của hai nước sau đại dịch Covid-19”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Phản ứng của Việt Nam khi Mỹ nói ‘Bộ tứ’ nên hợp tác với ASEAN

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ASEAN luôn luôn hoan nghênh các sáng kiến, ý tưởng đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

“Việt Nam mong muốn cùng ASEAN và các nước đối tác chung tay xây dựng kinh tế, phục vụ ổn định cuộc sống người dân, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác luôn được đề cao”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của khối.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, phát biểu tại diễn đàn Ấn Độ - Mỹ ở Delhi hôm 12/10, cho biết nhóm "Bộ tứ" luôn chào đón các quốc gia khác có chung tầm nhìn về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.

Được biết, nhóm “Bộ tứ" là một tổ chức hợp tác không chính thức bao gồm 4 quóc gia Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Nhóm này được hình thành trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước trong nhóm “Bộ tứ” nên mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực như kinh tế, phát triển, thương mại, đầu tư, y tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo và an ninh.

“Các ví dụ khác (về hợp tác) bao gồm: hợp tác giữa các tập đoàn tài chính phát triển của chúng ta để dành ra gần 25.000 tỷ USD tiền vốn mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần cho năng lượng và hạ tầng trong suốt thập kỷ tới”, ông Biegun nói.
“Ở Đông Nam Á, các đối tác ‘Bộ tứ’ có thể tăng cường hợp tác với ASEAN, hợp tác trong việc bảo vệ tự do trên biển, hợp tác trong quản lý, y tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn nước, chia sẻ dữ liệu một cách minh bạch, nhất là về Mekong. Bất kỳ quốc gia nào xem trọng sự tự do, rộng mở của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẵn sàng hành động để đảm bảo điều đó đều được chúng tôi hoan nghênh”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Ngày 6/10, ngoại trưởng 4 nước trong nhóm trên đã có cuộc họp trực tiếp ở Tokyo. Đây là gặp trực tiếp đầu tiên của nhóm sau hơn một năm. Tại buổi làm việc, các ngoại trưởng thống nhất sẽ họp mỗi năm một lần.

Động thái này cho thấy, Mỹ hay “Bộ Tứ” đang ngày quan tâm sát sao đến các vấn đề trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là căng thẳng ở Biển Đông, biển Hoa Đông, khu vực ASEAN, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng qua các “con bài” kinh tế, thương mại, chính trị, khoa học – công nghệ, quân sự quốc phòng của chính quyền Bắc Kinh.

Hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trái phép ở Hoàng Sa: Việt Nam phản đối

Tại cuộc họp báo chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã lên tiếng về việc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington gần đây tuyên bố có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở cái gọi là thành phố Tam Sa.

Công hàm của Anh, Pháp, Đức phản đối Trung Quốc ở Biển Đông: Việt Nam “hoan nghênh”

Bà Lê Thị Thu Hằng lý giải, Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành lập thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và gây phức tạp thêm tình hình biển Đông, khu vực và thế giới”.

Trước đó, theo Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á cho biết việc Trung Quốc phát triển cái gọi là thành phố Tam Sa đã tạo ra một sự bùng nổ hoạt động của doanh nghiệp ở biển Đông. Hồ sơ doanh nghiệp công khai cho thấy trước khi Trung Quốc lập ra đơn vị hành chính trái phép này vào năm 2012, có chưa đến 10 công ty đăng ký hoạt động với chính quyền được giao phụ trách quản lý trái phép khu vực này.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, có đến 446 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ đăng ký với chính quyền Tam Sa, trong đó 307 công ty trong số đó báo cáo vốn đăng ký tích lũy là 1,2 tỷ USD.

Việt Nam làm gì để “lật ngược thế cờ”, chiến thắng trước Trung Quốc ở Biển Đông?

Được biết, dù hầu hết các công ty đăng ký đó đều hoạt động ở bên ngoài nhưng vẫn có đóng góp cho sự hiện diện hành chính trái phép của Trung Quốc trên quần đảo mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là Hoàng Sa.

Theo Sáng kiến Minh bạch hàng hải, những công ty Trung Quốc đó mang lại nguồn thu thuế cho chính quyền địa phương, được cho là khoảng 100 triệu USD trong năm 2015.

“Điều quan trọng hơn là nhiều công ty hợp tác với chính quyền để cung cấp các dịch vụ cơ bản. Đáng chú ý là nhiều công ty đã thiết kế và xây dựng hạ tầng viễn thông, lắp đặt các trạm 4G và 5G ở đây để tạo nên hệ thống thông tin liên lạc cho tàu thuyền và hạ đặt cáp quang dưới đáy biển. Chính quyền dân sự, người dân, các công ty, và cả quân đội, lực lượng thực thi pháp luật và dân quân biển sử dụng những hạ tầng đó”, Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington khẳng định.
Thảo luận