Kinh tế, “tầm nhìn Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” sẽ là chủ đề chính của đàm phán Việt-Nhật

“Việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam và Indonesia chứ không phải các nước lớn, cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, thể hiện Nhật Bản rất coi trọng và đặt niềm tin vào quan hệ với các nước ASEAN”, - Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bình luận với Sputnik.
Sputnik

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du sắp tới.

“Đây là lần thứ hai liên tiếp, một thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức", - bà Lê Thị Thu Hằng thông báo trong cuộc họp báo thường kỳ chiều thứ Năm 15/10.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Nhật đang phát triển tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Phía sau việc Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau nhậm chức

Vì sao Việt Nam? Những chủ đề gì sẽ được đề cập tới trong khuôn khổ chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Suga Yoshihide tới Việt Nam? Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phú Bình - nguyên đại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ ngĩa Việt Nam tại Nhật Bản.

Tầm nhìn Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có thể là đề tài quan trọng của đàm phán Việt-Nhật

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Phú Bình, theo ông thì những vấn đề gì quan trọng nhất sẽ được thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide tới Việt Nam trong vài ngày tới?

Ông Nguyễn Phú Bình
Nguyên Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản:

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Suga diễn ra trong tình hình “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh” giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển vững chắc và ổn định, phục vụ đắc lực cho lợi ích của nhân dân 2 nước, đồng thời đóng góp cho hoà bình và ổn định ở khu vực. 

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, làm đảo lộn cuộc sống và đặc biệt, làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu và thị trường xuất khẩu bên ngoài. Mặt khác, mâu thuẫn giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung quốc, buộc Nhật Bản và nhiều nước khác phải cân nhắc việc chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác thuận lợi hơn.

Việt Nam, tuy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình trên, nhưng nhờ có biện pháp đúng và sự đồng lòng của nhân dân nên đã đạt được mục tiêu kép là kiểm soát được dịch bệnh và là một trong số ít nước đạt tăng trưởng dương về kinh tế và đang có nhiều lợi thế để tăng cường mạnh mẽ hợp tác kinh tế với các nước, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác lớn.

Kinh tế, “tầm nhìn Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” sẽ là chủ đề chính của đàm phán Việt-Nhật

Vì vậy, chắc chắn, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Suga, hợp tác kinh tế giữa hai nước, cụ thể là việc phát huy những tiềm năng và lợi thế của mỗi nước để giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi nước sẽ là chủ đề quan trọng nhất.

Bên cạnh chủ đề kinh tế, vấn đề hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á, và rộng lớn hơn, tầm nhìn Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng có thể là đề tài quan trọng trong các cuộc hội đàm.

Hợp tác quốc phòng Việt-Nhật không nhằm chống lại một đối tượng cụ thể nào

Sputnik: Tờ Nikkei đưa tin hôm thứ Tư, Nhật Bản có kế hoạch ký một thỏa thuận cung cấp công nghệ và thiết bị quốc phòng cho Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Theo Nikkei, thỏa thuận có thể được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ông có thể bình luận gì về điều này?

Ông Nguyễn Phú Bình
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản:

Hợp tác về quốc phòng cũng là một phần trong Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vì vậy, nếu một Thoả thuận về việc cung cấp công nghệ và thiết bị quân sự được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga thì đó cũng không phải là điều khác thường. Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa 2 nước, bao gồm hợp tác đóng tàu tuần tra không nhằm chống lại một đối tượng cụ thể nào, mà chỉ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Nhật Bản dự kiến ký thỏa thuận cung cấp công nghệ quốc phòng cho Việt Nam

Trước tình hình giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ lập trường chung về việc giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, phản đối mọi hành động đơn phương bồi đắp và tôn tạo  và quân sự hoá các thực thể trên biển Đông cùng các hành vi phi pháp khác. Sự hợp tác về quốc phòng giữa 2 nước phù hợp với lập trường chung đó.

Nhật Bản coi trọng và đặt niềm tin vào quan hệ với các nước ASEAN

Sputnik: Theo đánh giá của ông việc Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng có thể nói lên điều gì?

Ông Nguyễn Phú Bình
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản:

Việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam và Indonesia chứ không phải các nước lớn, cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, thể hiện Nhật Bản rất coi trọng và đặt niềm tin vào quan hệ với các nước ASEAN. Indonesia là nước lớn nhất Đông Nam Á, cả về lãnh thổ và dân số, là thành viên của G20. Còn Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế thành công, uy tín và vị thế quốc tế ngày càng cao, hiện tại, đang phát huy vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc và Chủ tịch của ASEAN. ASEAN đang trở thành một thực thể và đối tác kinh tế lớn của Nhật và các đối tác lớn khác, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á, cũng như trong “Tầm nhìn Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Sputnik: Xin cảm ơn ông Nguyễn Phú Bình đã dành thời gian cho Sputnik.

Thảo luận