Theo báo cáo của Bộ Y tế (tính đến 10h ngày 19/10), đến nay, thế giới ghi nhận hơn 40 triệu trường hợp mắc; 1,1 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những ngày qua, mỗi ngày ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm, chỉ khoảng 2 ngày, thế giới đã tăng hơn 1 triệu ca nhiễm. Tại châu Âu, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong tuần qua đều ở mức hơn 140.000 ca, cao hơn số ca nhiễm mỗi ngày của cả 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch là Mỹ, Brazil và Ấn Độ cộng lại.
Tính đến ngày 19/10, Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Từ 4/2020 đến nay, đã thực hiện 221 chuyến bay với tổng số 46.058 công dân Việt Nam được đưa về nước, trong đó có 212 người dương tính trên 43 chuyến bay. Về chuyến bay thương mại, đã thực hiện 2 chuyến, đều từ Hàn Quốc.
Theo Bộ Y tế, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa Đông, Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, diễn biến dịch trên thế giới còn rất phức tạp, chưa có điểm dừng. Do đó, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Bảo đảm việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
Cần rà soát tất cả các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa Đông năm nay. Hiện một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, một số ý kiến nêu rõ, cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành khi gần 50 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi Thủ đô nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua và mùa Đông cận kề, một mùa Đông khắc nghiệt sẽ tạo thuận lợi cho COVID-19 lây lan rộng. Vì vậy, tinh thần quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh là không được chủ quan trong mọi trường hợp, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Không đề cao cảnh giác, không có biện pháp mạnh, cương quyết thì dễ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nhất là khi mùa Đông cận kề.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân một lần nữa nhận thức rõ hơn nguy cơ dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.
Phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch.
Quản lý tốt các cơ sở cách ly, nhập cảnh lưu trú tại các cơ sở lưu trú có thu phí, không để xảy ra mất an toàn.
“Người đứng đầu từng địa phương, từng cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về vấn đề phòng, chống dịch”, Thủ tướng nêu rõ. “Chúng ta rà lại xem các cơ sở của chúng ta, nhất là cơ sở sản xuất đã có những giải pháp nào chấm điểm an toàn hay chưa”?
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị có liên quan yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội, các dịch vụ công cộng nói chung.
Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế; hoàn chỉnh quy trình, công khai hóa quy định phòng dịch đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ Y tế đề xuất các mô hình quản lý người nhập cảnh bảo đảm linh hoạt, an toàn về y tế, có cơ chế định kỳ giám sát COVID-19 bằng việc xét nghiệm cho các nhân viên cửa khẩu, hải quan, các nhân viên làm việc khu vực sân bay có tiếp xúc với người nước ngoài về.
Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai khám, chữa bệnh từ xa, chú trọng y tế dự phòng, hoàn thiện phác đồ điều trị, hợp tác nghiên cứu vaccine phòng bệnh COVID-19, đẩy nhanh xét nghiệm nhanh phù hợp với khả năng.
Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt trong mùa đông này.
Trên tinh thần nếu có xuất hiện một ca nào đó thì thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không được lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đối với TP. Hà Nội, TPHCM là phải đeo khẩu trang ở đám đông, ngoài đường phố, ở phương tiện công cộng và “tất cả các địa phương đều phải được phổ biến những thông tin cần thiết phòng chống dịch bệnh, trước hết là khi đi ra ngoài đeo khẩu trang như thế nào, rửa tay sát khuẩn khi tiếp xúc như thế nào...”.
Những vùng bị bão lũ, thiên tai, thì thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả, cho nên, ngành y tế phải có chỉ đạo để bảo đảm tính sẵn có về xét nghiệm COVID-19 ở vùng này, không được để “thảm họa kép” xảy ra, đủ năng lực ứng phó không chỉ COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Lập hệ thống tổng đài tự động, đa ngôn ngữ hướng dẫn phòng, chống dịch; lập danh sách lao động người Việt bị kẹt ở các nước, đề xuất phương án đón về nước. Hoàn thiện quy trình, quy định triển khai chủ trương cách ly có thu phí, tạo thuận lợi cho người dân, “đừng để mỗi khâu một kiểu, một cách làm, gây phiền hà cho người được cách ly”.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ vướng mắc cho các gói hỗ trợ khắc phục khó khăn do COVID-19 gây ra, hiện đang triển khai chậm, người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận. Mặc dù Thủ tướng đã có kết luận về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa công bố được. Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương chỉnh sửa sớm, trình Thủ tướng.
Đối với gói an sinh xã hội này, các thủ tục cần ngắn hơn, đơn giản, thuận lợi hơn nữa.
Mở cửa về kinh tế nhưng yêu cầu phải kiểm soát kỹ lưỡng, đúng người, đúng việc, mọi đơn vị được giao phải có phương án.