Nhật sẽ nắm chặt tay Việt Nam

Những kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide không những có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ gắn bó giữa hai nước mà còn có tác động lâu dài đến cục diện khu vực và quốc tế.
Sputnik

Ngày thứ ba 20/20, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kết thúc chuyến thăm Việt Nam 3 ngày. Như Sputnik đã đưa tin, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng của ông Suga Yoshihide. Trong những ngày 18-20/10 ở Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản đã có nhiều hoạt động quan trọng như chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Nhật Phạm Minh Chính,…

Tại các cuộc đàm phán và tiếp xúc, hai bên đã nhất trí về phương hướng chính và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản ký 12 văn kiện giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.

Các chuyên gia Việt Nam đã có những đánh giá gì về kết quả chuyến thăm Việt Nam của ông Suga Yoshihide?

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga đã rất thành công

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã có đánh giá tích cực về chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam lần này. Ông phát biểu với Sputnik:

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi ông được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản hơn một tháng trước. Qua các hoạt động cụ thể cũng như các phát biểu của hai Thủ tướng và các vị lãnh đạo hai nước, có thể khẳng định: chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga đã rất thành công, thể hiện trên một số điểm dưới đây: 

  • Đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy, thân thiết giữa lãnh đạo hai nước trong giai đoạn mới, thể hiện rõ nét trong khẳng định của Thủ tướng Suga là sẽ nắm chặt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
  • Nhật Bản đưa ra các biện pháp tích cực nhằm trước mắt hợp tác với Việt Nam phòng chống dịch bệnh Covid19 và giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, đồng thời nhấn mạnh hợp tác giữa hai nước nhằm vượt qua thách thức do tình trạng chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bị đứt gãy bởi dịch bệnh và quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ. Sự nhất trí đó thể hiện ở việc ký kết 12 thoả thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực....
  • Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng thương lượng hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
  • Thủ tướng Suga chọn Việt Nam và Indonesia để đi thăm đầu tiên thể hiện chính sách đối ngoại mới của Nhật Bản lấy ASEAN làm trọng tâm, lấy Đông Nam Á làm hướng phát triển chủ yếu, khẳng định sự tương đồng giữa  Chiến lược của Nhật Bản về Ấn độ dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn độ dương- Thái Bình dương.

Những kết quả trên đây không những có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ gắn bó giữa hai nước mà còn có tác động lâu dài đến cục diện khu vực và quốc tế.

Nhật Bản khẳng định tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng

12 văn kiện với tổng giá trị gần 4 tỷ USD đã được ký kết là một minh chứng cho sự tiếp tục tích cực hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế. Đánh giá kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga tới Việt Nam trên phương diện hợp tác kinh tế, PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện ngoại giao Việt Nam đã đưa ra đánh giá của mình với Sputnik:

Thủ tướng Nhật Bản lên án các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Về hợp tác đầu tư, thủ tướng Nhật Bản Suga đánh giá cao tiềm năng môi trường đầu tư của Việt Nam, khẳng định tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Hiện nay, những chính sách quyết liệt của Mỹ đối với Trung Quốc và xu hướng cấu trúc thị trường, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường. Nhật Bản không nằm ngoài những tác động đó. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có khả năng chuyển giao đầu tư ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam là nơi đáp ứng tốt nhất nhờ ưu điểm địa lý và có đến 3 hiệp định thương mại mà hai nước là thành viên, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, Việt Nam cũng cần những nguồn lực và kinh nghiệm mà Nhật Bản có thể chuyển giao. Hai nước có thể tận dụng lợi thế của nhau để vượt qua khó khăn. Đồng thời, Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa tận dụng tối đa trang thiết bị y tế mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền là 4 tỉ yên.

Nhật sẽ nắm chặt tay Việt Nam

Về hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực cũng có bước phát triển. Ngày 19/10/2020, hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực gồm các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng. Các văn kiện hợp tác là minh chứng rõ nét sâu sắc về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế.

Nhật sẽ nắm chặt tay Việt Nam

Về việc nối lại đường bay, hai bên đã nhất trí áp dụng quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước, sớm nối lại đường bay thương mại. Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam. Việc kết nối lại nhanh chóng các vấn đề về giao thương, du lịch, học tập, kinh tế… giữa Việt Nam-Nhật Bản sẽ tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định, phục hồi nền kinh tế của cả hai đất nước dưới những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Suga cho biết, sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quả quýt unshu của Nhật Bản cho Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản. Đồng thời, Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn tiếp theo cũng sẽ được thúc đẩy để sớm được ký kết. Cần lưu ý rằng trong nhóm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản thì nông thủy sản là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất với kim ngạch xuất khẩu 567,5 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã coi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua kênh bán lẻ được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.

Nhật sẽ nắm chặt tay Việt Nam

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Suga khẳng định sẽ tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Đây là cơ hội để tiếp tục chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian vừa qua, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid -19.

Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng

Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngay sau khi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc vào sáng 19/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nói:

“Tôi xin cam kết nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực”.

Ông Suga Yoshihide cũng nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản, đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nhật sẽ nắm chặt tay Việt Nam
“Ngày hôm nay (20/10), Thủ tướng Suga đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 10. Có thể nói, việc các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm thể hiện mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời cũng chuyển tải thông điệp việc Nhật Bản coi trọng Việt Nam như là cầu nối với các nước trong khối ASEAN cũng như các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến thăm lần này của thủ tướng Suga cũng nhằm mục đích như vậy và những kết quả của hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy quan điểm trên là xuyên suốt. Hai thủ tướng đã trao đổi và chia sẻ nhiều về quan hệ hai nước, về đại dịch COVID-19, về các vấn đề trong khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm”, - Ông Nguyễn Mạnh Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bình luận về kết quả chuyến thăm với phóng viên Sputnik.
Thảo luận