Quốc hội tranh luận về biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp điện, nước'

Biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” trong cưỡng chế vi phạm hành chính chưa nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.
Sputnik

Trong phiên làm việc của Quốc hội về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về nội dung trên.

Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng cách "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước". Các đại biểu phản đối quy định này cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu áp dụng sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến những người khác.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp trên là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự, nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Nhóm ý kiến thứ hai lại nhận định, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt vi phạm.

"Do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này thể hiện hai phương án để tiếp tục xin ý kiến đại biểu", ông Tùng nói.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ mong mỏi Quốc hội bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước", do các chế tài xử lý vi phạm hành chính hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng là chưa đủ mạnh.

"Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính dừng thi công, lực lượng đi họ làm trở lại", bà Dung nói và cho rằng nếu biện pháp trên được áp dụng, tình trạng vi phạm hành chính sẽ được kiểm soát, giảm thiệt hại cho xã hội và Nhà nước.

Quốc hội chia sẻ đau thương với đồng bào miền Trung
Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế nêu trên, nhưng phải căn cứ vào hành vi thay vì căn cứ vào lĩnh vực. "Nếu như vi phạm xảy ra ở đầm tôm, cũng là lĩnh vực môi trường, cắt điện thì cả đầm tôm chết, thiệt hại sẽ không chỉ về kinh tế mà còn cả môi trường", ông Gia nói.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Hữu Công cho rằng các quy định hiện nay đã đủ để xử lý, "tôi dám cam đoan với Quốc hội rằng, không có vụ vi phạm nào mà xử lý quyết liệt lại không thành công; mấu chốt là do chúng ta thờ ơ, không quyết tâm".

Ông Công nhấn mạnh "rất khó để áp dụng biện pháp cắt điện, nước mà không làm ảnh hưởng đến người khác". Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu quan điểm cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng nhiều người, "không thể để tình trạng một người vi phạm nhưng nhiều người cùng chịu".

Quốc hội tranh luận về biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp điện, nước'

Cũng cho rằng không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói các biện pháp này từng gắn với sự tồn tại của thanh tra xây dựng, nhưng không mấy hiệu lực do chủ công trình "không mấy khi sợ, vì có cắt điện, nước cũng chỉ áp dụng có thời hạn, chứ không thể áp dụng vĩnh viễn".

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Quốc hội cần xem xét thấu đáo hơn mối quan hệ giữa UBND phường với điện lực và dịch vụ cung cấp nước sạch. Bởi nếu biện pháp trên được áp dụng, sẽ xảy ra trường hợp văn bản của UBND phường yêu cầu nhà cung cấp cắt dịch vụ điện, nước mà không cần quan tâm hợp đồng nhà cung cấp đã ký với khách hàng như thế nào.

Dự kiến ngày 13/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thảo luận