Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị cắt giảm”

“Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ. Trong thời gian tới, chúng ta hết sức thận trọng khi phát triển các thủy điện nhỏ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Sputnik

Thủy điện lớn đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn

Ngày 24/10, bên hành lang Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã trả lời các cơ quan báo chí về tác động từ việc phát triển thủy điện thời gian qua và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề xuất phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về tác động của việc phát triển thủy điện thời gian qua đến tình hình mưa lũ, các nhà máy thủy điện lớn hiện nay đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, việc phát triển thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết để bảo đảm an toàn.

“Quan điểm của Bộ TN&MT là không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Tại các phiên họp của Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ. Trong thời gian tới, chúng ta hết sức thận trọng khi phát triển các thủy điện nhỏ”, - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ TN&MT, khi phát triển các loại thủy điện thì phải chú ý phương án công nghệ để hài hòa với môi trường, cụ thể là không làm các đập dâng, mà sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước, đồng thời lựa chọn các công nghệ liên quan để tính toán vấn đề môi trường, dòng chảy, phù sa được duy trì thường xuyên khi có các đập thủy điện.

“Con người phải sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên”

Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có đề cập tới một số nội dung về biến đổi khí hậu, giúp giải quyết bài toán về biến đổi khí hậu.

Quốc hội chia sẻ đau thương với đồng bào miền Trung

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ hơn, thực chất hơn các nguyên nhân do con người, do phát triển kinh tế thông qua kiểm soát chất thải.

Thứ hai, hệ sinh thái tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng, có tác dụng rất lớn đến phòng, chống thiên tai.

“Là cơ quan tham gia soạn thảo, chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nhấn mạnh quan điểm rất rõ ràng là con người phải sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên”, - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng khoanh vùng các dự án có quy mô chất thải lớn, phạm vi tác động rộng để tập trung quản lý; đồng thời tháo gỡ thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính hình thức với dự án thân thiện môi trường để các dự án này đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

Được biết, dự án Luật Bảo vệ môi trường trình xin ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/11.

Thảo luận