Công an Việt Nam xác định kẻ đóng giả Bác Hồ đi chơi quán bar đêm Halloween

Công an Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã xác định được danh tính kẻ hóa trang, mặc quần áo kaki đóng giả Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam xuất hiện trong clip lan truyền trên mạng xã hội tại quán bar trong đêm Halloween.
Sputnik

Làm việc với Công an, đối tượng đóng giả Bác Hồ - đối tượng Đỗ Thành Nam khai nhận hóa trang giống Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến quán bar IP Club 41 Phố Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Công an xác định danh tính kẻ đóng giả Bác Hồ đi chơi Halloween

Hôm nay ngày 3/11, thông tin từ Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đã xác minh và làm rõ cũng như tiến hành củng cố hồ sơ xử lý đối tượng có hành vi hóa trang, đóng giả làm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối tượng này đã dùng hình ảnh, trang phục bác Hồ đi lại trên đường phố, thậm chí còn đi chơi tại quán bar IP Club 41 Phố Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook, Youtube tại Việt Nam loan truyền đoạn clip có hình ảnh một người trang giống Bác Hồ. Tuy nhiên, video sau đó đã được chủ nhân xóa khỏi trang cá nhân.

Trong clip có thể thấy người đàn ông mặc quần áo, hóa trang giống như in hình ảnh Bác Hồ, xuất hiện tại quán bar IP Club 41 Phố Hai Bà Trưng.

Người này còn có nhiều phát ngôn, bắt chước giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”…

Được biết, sau khi nhận được thông tin, Công an Quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi trên là Đỗ Thành Nam (sinh năm 1976, có hộ khẩu thường trú ở phường 1, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Kẻ đóng giả Bác Hồ khai gì với Công an?

Cơ quan Công an sau đó đã yêu cầu đối tượng Đỗ Thành Nam đến trình diện và làm việc với cơ quan chức năng.

Tại cơ quan công an, ông Đỗ Thành Nam khai nhận tối 31/10 đã đến quán bar IP Club 41 Phố Hai Bà Trưng và hóa trang giống hình ảnh Bác Hồ.

Hiện cơ quan công an đang xem xét, xử lý hành vi của ông Nam và các cá nhân liên quan.

Liệu đối tượng đóng giả Bác Hồ có bị xử lý hình sự?

Trao đổi về sự việc này, đứng dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, từ trước đến nay, hình ảnh của Bác Hồ chỉ được tái hiện trên sân khấu hoặc trong các tác phẩm nghệ thuật về những nội dung liên quan đến sự nghiệp, cuộc đời của Bác dựa trên lịch sử nhằm ca ngợi, tôn vinh lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cũng theo nữ luật sư, việc xây dựng lại hình ảnh Bác Hồ cũng có thể được tái hiện trong các tác phẩm sử dụng làm tư liệu, tài liệu lịch sử và những hình ảnh này cũng phải được thể hiện đúng chuẩn mực và được cơ quan chức năng kiểm duyệt theo quy định của pháp luật.

“Bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc đều không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng”, luật sư Nguyễn Thị Thu khẳng định.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Khoản 1, điều 8, điều 16 và điều 18 Luật An ninh mạng 2018 đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, danh hùng dân tộc, tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

Trao đổi với An ninh Thủ đô, nữ luật sư thuộc đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đối với sự việc cá nhân hóa trang giống Bác Hồ đi vào quán bar, để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng sẽ xác minh đối tượng đó thực hiện hành vi nhằm động cơ, mục đích gì.

“Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, vị chuyên gia cho biết.

Theo đó, hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

“Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xem xét, xử lý hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, Luật sư nêu rõ.

Như vậy, theo quy định, nếu người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm”, Luật sư Nguyễn Thị Thu nói.
Vụ xúc phạm danh dự lãnh tụ Hồ Chí Minh, các lãnh đạo từng gây xôn xao tại Việt Nam

Trước vụ việc này, năm 2018 tại Việt Nam, Tòa án Nhân dân Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ đã tuyên phạt nhóm đối tượng cũng vì có hành vi xúc phạm danh dự lãnh tụ, lãnh đạo.

Theo đó, đối tượng Nguyễn Hồng Nguyên (40 tuổi), ngụ P.Thường Thạnh, 2 năm tù (bị bắt giam tại tòa), Trương Đình Khang (28 tuổi), ngụ P.Hưng Thạnh, Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, 1 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 1 Điều 331 của bộ luật Hình sự.

Chuyện xúc phạm lãnh đạo trên mạng xã hội vẫn "làm khó" Bộ Công an?

Theo cáo trạng truy tố, năm 2017, đối tượng Nguyễn Hồng Nguyên sử dụng mạng xã hội Facebook với tên tài khoản “Nguyên Hồng Nguyễn” (nick name “Bồ Công Anh”) còn Trương Đình Khang sử dụng mạng xã hội Facebook với tên tài khoản “Hồ Mai Chi” để giao lưu kết bạn và phát tán nhiều thông tin xấu, sai lệch.

Hai đối tượng Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang thường xuyên đọc, xem, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có các nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thậm chí hai đối tượng Nguyên, Khang đã soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các bài viết trên lên tài khoản Facebook cá nhân của mình.

Thông tin kết luận giám định của Sở TT-TT Cần Thơ khẳng định khi đó, có 77 tờ tài liệu in trên khổ giấy A4 là những bài viết, hình ảnh mà Nguyễn Hồng Nguyên đã viết, đăng, phát tán trên trang Facebook cá nhân tên “Nguyên Hồng Nguyễn”.

Có 31 trang tài liệu là những bài viết, hình ảnh mà Trương Đình Khang đã viết, đăng, phát tán trên trang Facebook cá nhân tên “Hồ Mai Chi” đã xâm phạm an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan tố tụng nhấn mạnh những tài liệu trên làm cho người xem có cái nhìn không đúng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xúc phạm nghiêm trọng hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ vô sản quốc tế.

“Các bài viết, tài liệu đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tay đắc lực cho các thế lực thù địch, phản động chống phá nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lật đổ chính quyền nhân dân”, kết luận giám định nêu rõ.

Đáng chú ý, trong trình điều tra, hai đối tượng trên khai nhận do buồn chuyện gia đình, bức xúc cá nhân nên soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các bài viết trên lên trang cá nhân Facebook.

Tuy nhiên, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang phủ nhận có “chống lưng” và khăng khăng tất cả do một mình các đối tượng thực hiện, không bị ai ép buộc, xúi giục, giúp sức.

Cũng tại Cần Thơ, tháng 9/2018, TAND quận Thốt Nốt đã tuyên phạt Bùi Mạnh Đồng (40 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) 2 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.

Toàn bộ thông tin bằng tiếng Việt trên mạng xã hội đã bị giám sát

Đối tượng này đã tải hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước về máy tính.

Sau đó, Bùi Mạnh Đồng tiến chèn chữ vào những hình ảnh thành những bài viết với nội dung, lời lẽ xuyên tạc, vu khống, nói xấu nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo Đảng và nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thiên tài, Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 1987 tại kỳ họp lần thứ 24.

Hơn hết, người “cha già” của dân tộc chiếm vị trí và tình yêu, lòng kính trọng đặc biệt trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Bất kỳ hình ảnh nào xâm hại đến danh dự, uy tín và phẩm chất của Người đều bị dư luận Việt Nam lên án.

Thảo luận