Đồng thời, những người ủng hộ cả Donald Trump và Joe Biden đều ngờ vực sẵn về kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu. Sputnik thử phân giải xem thời gian tổng kết bầu cử có thể kéo dài bao lâu.
«Đây là cuộc lựa chọn giữa thời Biden suy thoái và sự bùng nổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta», - Donald Trump tuyên bố trước cử tri trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử. «Kế hoạch của Biden là nhốt bạn trong nhà», - Tổng thống hăm doạ người dân Mỹ.
Joe Biden nói về bản thân theo cách khác. Ông này đã hoạch định chiến lược «trong suốt nhiều tháng», thế nhưng tất cả các khuyến nghị hoá ra đều giống nhau về tuân thủ chế độ giãn cách và đeo khẩu trang, xét nghiệm hàng loạt, theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh cũng như phân phối công bằng dịch vụ chăm sóc y tế và vaccine miễn phí. Ứng viên từ đảng Dân chủ hứa hẹn sẽ thực hiện tất cả những điều này ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống.
«Cách Trump ứng phó với tình hình đại dịch thực ra là tội phạm», - Biden tin chắc khẳng định.
Và thậm chí ngay trước cuộc bỏ phiếu, các ứng viên đã tiến hành trận chiến khốc liệt tranh giành cử tri. Chiến địa là các bang ở trạng thái dao động. Trump và Biden đã dành những ngày cuối tuần cuối cùng trước 3 tháng 11 cho những chuyến đi vận động cử tri. Cuộc diễu hành của Trump gồm 14 lần phát biểu ở Michigan, Iowa, North Carolina, Georgia và Florida, cũng như một số điểm dừng ở bang Pennsylvania. Kết quả bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào những nơi này, hơn nữa, lần trước Tổng thống thắng cử phần lớn cũng chính là nhờ họ. Còn Biden cùng với Barack Obama thì tập trung vào Michigan.
Ứng viên Dân chủ đã vận động theo phong cách từ trên xe «drive-in»: ông phát biểu với những người ủng hộ ngồi trong ô tô - có 300 người như vậy tập hợp ở bang Iowa. Cảnh tượng trông giống như một khán đài giữa bãi đậu xe, có điều những chiếc xe được trang trí rực rỡ bằng khẩu hiệu và biểu tượng của đảng. Một tài xế đã cố tình mắc lỗi đánh máy trong từ «malarkey» khi viết «malarky» - tức là thay vì «Không gian dối» lại thành ra «Không với đần độn chủ nghĩa».
Nói về điều này, Trump chế nhạo: «Và sau đó anh ta có vài chiếc xe hơi nhấn còi. Bíp bíp».
Tuy nhiên, những lời nói đùa châm chọc của Tổng thống hiện chưa giúp ích được gì nhiều: Biden đang dẫn đầu cuộc đua ở sáu khu vực chưa quyết định, mặc dù cách quãng bằng biên độ nhỏ. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đương nhiệm chỉ có lợi thế đáng kể ở một bang, trong khi ở bốn bang thì hai ứng viên ngang nhau.
Trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc thì ứng viên của đảng Dân chủ đang dẫn đầu. Theo dữ liệu của NBC, 10% là mức chênh lệch lớn nhất ngay trước cuộc bầu cử kể từ thời Bill Clinton tái đắc cử. Bốn năm trước, khoảng cách là 4% nghiêng về ứng viên Hillary Clinton.
Ai sợ thứ virus khủng khiếp
Do đại dịch, nhiều người đã gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Cuối tuần qua có gần 60 triệu người Mỹ bỏ phiếu từ xa, bầu trực tiếp chỉ có 34 triệu người. Các bang tích cực nhất là Florida và Texas, nơi tình trạng đua tranh kích động vẫn tiếp tục cho đến phút chót.
Năm 2016, 136,5 triệu công dân Hoa Kỳ đã tiến hành lựa chọn. Tổng cộng trong cả nước gồm 239 triệu người có quyền bầu cử. Có mọi cơ sở để giả thiết rằng tỷ lệ cử tri đi bầu hiện tại sẽ là cao nhất trong vòng trăm năm qua.
Đảng Dân chủ về cơ bản chuộng lối bỏ phiếu qua thư. Một số ngôi sao ủng hộ Biden đã đăng video lên mạng xã hội hình ảnh họ thả lá phiếu vào thùng thư bưu điện. Whoopi Goldberg chia sẻ khung cảnh bỏ phiếu khi đang ngồi trong căn bếp. Các nữ ca sĩ Lady Gaga và Lizzo thả lá phiều bầu vào hộp thư vẫn theo phong cách sang chảnh ăn vận cởi mở. Quả thật là các cô gái này không thèm đeo găng tay.
Đối với các đảng viên Cộng hòa, và cụ thể là Trump, việc bỏ phiếu từ xa «sẽ là thảm họa lớn nhất trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ». Theo quan điểm của ông, kết quả thư tín bưu chính rất dễ làm giả, điều mà đảng Dân chủ nắm trong tay. Tổng thống đã bỏ phiếu sớm, nhưng theo cách vắng mặt - ở Florida, nhấn mạnh rằng hbản thân ông là một đảm bảo về độ tin cậy, còn tại các trạm bỏ phiếu «mọi thứ đều hoàn hảo, rất nghiêm ngặt và phù hợp với quy tắc». Trên mạng lập tức xuất hiện lời kêu gọi: «Hãy bỏ phiếu như Trump».
Còn thêm một nhược điểm khác của việc sử dụng bưu điện, như Trump chỉ ra, là kéo dài thời gian.
«Bầu cử cần kết thúc vào ngày 3 tháng 11, chứ không phải là vài tuần sau», - Trump tuyên bố trên Twitter.
Ở bang Wisconsin, các đảng viên Dân chủ đã yêu cầu gia hạn kiểm phiếu qua bưu điện thêm 6 ngày nếu phiếu bầu được gửi trước mốc 3 tháng 11. Không được chấp thuận. Thế nhưng bang Pennsylvania thì lại đồng ý với điều này.
Ai là quan toà phân xử
Vào cuối ngày bỏ phiếu, nhiều khả năng là Trump sẽ thắng, vì hầu hết những người ủng hộ ông sẽ đến điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, khi có kết quả kiểm số phiếu qua thư, tình hình sẽ thay đổi.
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, toàn bộ quá trình này tiến hành trong 30 ngày, - chuyên gia Yuri Rogulev, Giám đốc Quỹ nghiên cứu Hoa Kỳ mang tên Franklin Delano Roosevelt tại ĐHTH Quốc gia Matxcơva giải thích
«Trong khoảng thời gian này, các đại cử tri phải bỏ phiếu - trên cơ sở tất cả các lá phiếu đã được kiểm đếm. Chắc là chúng ta sẽ không biết kết quả bầu cử vào đêm 3 tháng 11 hoặc ngày 4 tháng 11. Mọi thứ sẽ kéo dài mấy ngày», - chuyên gia nêu dự đoán.
Kết quả có thể bị tranh cãi kiện lên tòa. Thoạt đầu có thể xem xét khiếu nại ở cấp bang, sau đó vụ việc đưa lên Tòa án Liên bang. Cũng có thể đến cấp cao nhất là Tòa án Tối cao, nơi đưa ra tất cả phán quyết mang tính vận mệnh đối với đất nước.
«Chính vì thế mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang đấu tranh giành quyền bổ nhiệm thẩm phán», - ông Pavel Koshkin, chuyên viên cấp cao tại Viện Hoa Kỳ và Canada (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) lưu ý.
Hiện giờ Tòa án Tối cao có 9 thành viên. 6 người là thành viên bảo thủ, 3 – phái tự do. Đây là sứ mệnh trọn đời.
«Các thẩm phán phải rất công tâm. Nhưng yếu tố con người cũng có ý nghĩa lớn: với họ thì những nguyên tắc mà đại diện đảng này hay đảng kia tuân theo đều quan trọng», - chuyên gia Koshkin nói.
Do đó, các thẩm phán bảo thủ (có thiện cảm với đảng Cộng hòa) đã bác bỏ nỗ lực của các tòa án địa phương nhằm giảm nhẹ quy tắc bỏ phiếu. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa tự do (gần gũi hơn với đảng viên Dân chủ) lại ủng hộ việc nới lỏng. Chánh án John Roberts (do Trump bổ nhiệm) giữ lập trường trung lập, cho người ta hiểu rõ rằng ông chống lại sự can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Khó đánh giá hết vai trò của hệ thống tư pháp. Chuyên gia Rogulev nhắc nhớ: năm 2000, người Mỹ nói đùa rằng George Bush-con không phải do dân bầu lên, bởi ông được Tòa án Tối cao bổ nhiệm. Với sự chênh lệch vài trăm phiếu bang đã trao chiến thắng cho Bush. Còn đảng Dân chủ mà ứng viên là Al Gore thì bất bình về điều này. Thứ nhất, các cuộc thăm dò chỉ ra điểm ưu việt của Gore. Thứ hai, Thống đốc bang là Jeb, anh trai của người chiến thắng. Tòa án Florida khi đó đã không kiểm đếm được số phiếu bầu: cuộc chiến ác liệt giành từng lá phiếu. Soi ra lỗi tẩy xoá, hình thức lá phiếu và dấu vết kỹ thuật… Tòa án Tối cao vào cuộc và chấm dứt tình trạng hỗn loạn: thừa nhận kết quả. Đảng Dân chủ đã phải lùi thua.
«Vấn đề là ở chỗ những khiếu kiện tương tự có thể đệ trình ra Toà án của các bang khác, nơi chênh lệch giữa các đối thủ là rất nhỏ. Và kiểm tái kiểm hồi bất tận. Nhưng tất cả đều đồng ý rằng đó là ngõ cụt», - chuyên gia Rogulev giải thích.
Không loại trừ là kịch bản này sẽ tái diễn. Như dữ liệu thăm dò của Reuters, gần một nửa số người ủng hộ Trump và Biden ngay lúc này đã tuyên bố sẽ không thừa nhận thất bại của ứng viên phe mình. Và sẵn sàng bày tỏ sự bất bình bằng những cuộc biểu tình trên đường phố. Nhưng dù diễn biến sự kiện sẽ ra sao chăng nữa sau cuộc bỏ phiếu, vẫn phải chờ kết quả bầu cử.