Kinh hoàng, sau lũ, rắn độc bò vào trụ sở, nấp trong chăn, tủ quần áo ở nhà dân

Tại Hà Tĩnh, Việt Nam, sau lũ, người dân phát hiện hàng chục con rắn cực độc (rắn hổ mang, cạp nong cạp nia đen trắng) bò vào trụ sở xã, nhà dân, ẩn nấp trong chăn và tủ quần áo.
Sputnik

Các chuyên gia cảnh báo, sau khi nước lũ ở miền Trung rút xuống, ngoài rắn độc, người dân còn phải đề phòng rết, kiến ba khoang, sâu bọ nguy hại. Cần đặc biệt chú ý.

Rắn độc bò vào trụ sở, nhà dân sau lũ ở Hà Tĩnh

Ngày 4/11, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, video clip về việc tại Hà Tĩnh, hàng chục con rắn bò vào trụ sở xã, phường, ẩn nấp tại nhiều chỗ kín ở nhà người dân sau khi lũ rút.

Vì sao miền Trung xảy ra sạt lở đất, lũ quét liên tiếp?

Hà Tĩnh là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại miền Trung Việt Nam. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, bị thiệt hại nhiều về người và tài sản trong thảm họa thiên tai dị thường thời gian qua.

Sau khi nước lũ rút, người dân đã tranh thủ nhanh chóng thu dọn nhà cửa, ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình dọn dẹp, các hộ dân tại địa phương đã phát hiện hàng chục con rắn cực độc bò vào trụ sở cơ quan hành chính cũng như len lỏi vào nhà dân.

Khi lũ bắt đầu rút, cán bộ làm việc tại Ủy ban nhân dân xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh quay lại cơ quan để dọn dẹp phòng làm việc thì phát hiện 30 con rắn cạp nia, hổ mang bò lổm nhổm dưới nền nhà, trên tường, thành cửa hay cuộn mình trong các hộp, thùng giấy carton.

Cảnh tượng kinh hoàng không kém cũng được ghi nhận ở nhiều nhà người dân tại thôn Liên Hương, Liên Vinh. Khi người dân tiến hành dọn nhà cũng thấy hàng loạt con rắn độc cuộn mình trong chăn, chiếu, nằm trên màn, ẩn nấp trong tủ đựng quần áo.

Hậu quả nghiêm trọng bão lũ liên tục: tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm những người mất tích

Người dân cho biết, số lượng rắn bò vào nhà sau lũ rất nhiều, có nhà từ 3 – 5 con, nhiều con dài và nặng từ 1 đến cả 4kg. Khiến người dân hết sức hoảng sợ và lo lắng. Hầu hết các con rắn đều là hổ mang, cạp nong – cạp nia hai màu đen trắng, dài từ nửa mét trở lên.

Theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, ông Dương Văn Hải, vừa qua trên địa bàn xảy ra mưa lớn, lũ lụt. Nước lũ dâng cao ngập đường, do đó, theo ông Đài, nhiều loài rắn sống ngoài đồng ruộng hay từ các bụi rậm đã theo dòng lũ bò vào nhà dân, trụ sở các cơ quan, khu dân cư tìm nơi ẩn nấp.

Theo ông Hải, riêng tại Ủy ban nhân dân xã Thạch Đà, cả hai đợt cán bộ xã phát hiện gần 30 con rắn độc, chủ yếu rắn cạp nia và rắn hổ mang. Chi tiết hơn, ông Dương Văn Hải cho biết, chiều ngày 3/11, có một chiếc hộp đặt ở văn phòng đổ ra phát hiện con rắn hổ nằm trong hộp.

Vị lãnh đạo UBND xã cũng khẳng định, tình trạng rắn vào nhà dân cũng nhiều, có hộ rắn hổ chui vào tủ, một bà ở nhà không biết cứ nghĩ là dây điện nên lôi rắn vứt ra ngoài, rất may không ai bị cắn hay bị thương.

“Xã cũng khuyến cáo người dân đề phòng khi dọn nhà sau lũ để đảm bảo an toàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Dương Văn Hải cho biết.

Cũng theo lời ông Hải, ở nhà ông Bùi Khắc Tuấn (thôn Liên Vinh) rắn hổ chui vào chăn.

Rắn bò vào nhà sau lũ rất nhiều

Trong khi đó, nhà Bí thư chi bộ thôn Liên Hương bắt được 4 con rắn, trong đó có 3 con rắn hổ mang nặng tới 3,5kg.

Đợt mưa lũ trong các ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua khiến thành phố Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh ngập 0,5 đến 3 m, nhiều xã bị cô lập, nước tràn vào hàng trăm nhà dân.

Mưa lũ ở miền Trung khiến 148 người chết và mất tích

Chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại còn người dân vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ và ổn định lại cuộc sống.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Phúc Bảy, trưởng thôn Liên Hương cho hay, ở địa phương tình trạng rắn độc chui vào nhà sau lũ lụt rất nhiều.

Theo ông bảy, trong đợt lũ đầu tiên, hai gia đình có rắn chui vào nhà, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Quả phát hiện 5 con rắn cạp nia. Họ sau đó đã phải gọi công an xã cứu trợ, và người dân xung quanh bắt giữ được 3 con.

Một hộ khác là nhà ông Nguyễn Tất Sơn phát hiện con rắn cạp nia vào giữa sân, sau đó phát hiện trong đống gỗ 4 con rắn cạp nia và 1 con rắn hổ mang, cân lên được 3,7kg.

“Đợt lũ thứ hai mới đây trong đống gỗ nhà ông Sơn lại tiếp tục phát hiện 3 con rắn hổ mang 3,6kg và 1 con rắn cạp nong”, ông Bảy nói.
“Lo sợ rắn cắn nên khi phát hiện người dân đều tìm cách giết chết, không bắt sống”, ông Nguyễn Phúc Bảy cho biết.

Cảnh báo rắn độc, rết, kiến ba khoang sau lũ rút

Sau “thảm họa” với rắn, ở địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, người dân còn phải đối mặt với tình trạng côn trùng, sâu bọ, rết, kiến ba khoang bò khắp nơi.

Ở Trường Mầm non Tùng Châu, Ban Giám hiệu, giáo viên cùng lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự huyện Đức Thọ đã phải tập trung tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại lớp học.

Lũ trên sông ở các tỉnh miền Trung

Theo đó, ngoài việc dọn dẹp môi trường xung quanh, các giáo viên đã sử dụng dung dịch Cloramin B để lau dọn lớp học, vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ, đồng thời phun thuốc diệt côn trùng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, kiến ba khoang và tiêu chảy sau lũ cho các cháu.

Về thực trạng này, các chuyên gia cũng cảnh báo, không chỉ rắn, sau mưa lũ còn nhiều loài côn trùng (muỗi, kiến ba khoang), sâu bọ, rết gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Vì vậy, khi dọn dẹp người dân cần đặc biệt chú ý.

Thực tế, mưa lũ, ngập lụt kéo dài cũng khiến nhiều bệnh dịch truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát do môi trường bị ô nhiễm nặng. Do đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo, ngay sau khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 60 ngàn họ gia đình ở 116 xã, 40 trạm y tế, 153 trường học được tổng dọn vệ sinh sạch sẽ sau lũ chuẩn bị khôi phục hoạt động thường nhật.

Thảo luận