Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về 5G, khẳng định mạng xã hội Việt Nam không kém nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam, chất lượng tốt, giá rẻ, dự kiến 2021 sẽ triển khai diện rộng đáp lại câu hỏi khó của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu về mạng 5G tại Việt Nam có chậm, tốn kém, lãng phí hay không.
Sputnik

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có mạng xã hội nội địa tương tương với mạng xã hội nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ có thiết bị 5G giá rẻ

Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu hai ngày rưỡi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đáng chú ý, cách thức chất vấn lần này không theo chuyên đề mà sẽ bao gồm tất cả các vấn đề. Lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp. Bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng có thể phải lên “ghế nóng” trả lời chất vấn.

Việt Nam quyết lọt Top thế giới về làm chủ công nghệ 5G

Sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) tham gia đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về việc triển khai 5G tại Việt Nam.

Vị đại biểu đánh giá, công nghệ 5G hiện nay đang rất phát triển trên thế giới nhưng cuộc chạy đua đầu tư mạng 5G cũng tốn kém, lãng phí. Ông Nguyễn Lân Hiếu nêu ví dụ, tại Trung Quốc đã phải chi tới 2.000 tỷ nhân dân tệ cho kế hoạch phát triển mạng 5G.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, Bộ triển khai 5G có chậm trễ không và giải pháp giảm lãng phí khi triển khai trên diện rộng?

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “đây là câu hỏi khó”.

“Vì ta làm 5G có chậm không, mà làm nhanh có tốn kém không!”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam làm 5G là không chậm. Năm 2019 thực hiện kỹ thuật, năm 2020 khi Liên minh Viễn thông Thế giới công bố chuẩn thì Việt Nam cho tiến hành thử nghiệm thương mại, tức kinh doanh có thu phí và năm 2021 sẽ triển khai diện rộng, vận hành đại trà.

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như trước đây với 2G, Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới và nằm trong top cao của thế giới, nhưng đến 3G, 4G thì chậm chân hơn, từ 7-8 năm.

“Chúng ta xếp hạng 108 vào năm 2017. Đến năm nay lên hạng 77”, ông Hùng thông tin.

Còn đối với công nghệ 5G, Việt Nam triển khai theo pha và ban đầu làm ở thành phố lớn, trung tâm đông người, các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để phục vụ công nghệ mới và theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì “chi phí không lớn”.

Việt Nam bước vào cuộc đua công nghệ 5G

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải là do Việt Nam triển khai dựa trên hạ tầng đã có của 4G (nhà trạm, cột ăn ten, truyền dẫn...) và 70% dùng lại được và tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án và năm nay sẽ ra quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng, thậm chí dùng chung thiết bị. Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, sẽ cắt 2G, 3G để giảm chi khai thác cho nhà mạng.

“Tin rất vui là khi triển khai diện rộng 5G thì chúng ta có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng”, đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông báo.

Chuẩn bị hoàn tất quy hoạch báo chí trong 2020

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cho biết kết quả quy hoạch báo chí và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hết năm 2020 sẽ thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí và Bộ cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu này.

Theo thông tin mà người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cung cấp, từ tháng 4/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quy hoạch thì tháng 6 cùng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện triển khai.

Chiến lược “Make in Vietnam”: MobiFone tuyên bố thử nghiệm thành công mạng 5G

Từ tháng 8, Bộ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tháng 6/2020, Bộ có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch. Theo đó, 33 tổ chức hội có cơ quan báo, tạp chí thì đã quy hoạch xong.

“Đến nay, đã quy hoạch xong báo chí của các hội. Ở bộ ngành có 13/29 cơ quan phải triển khai quy hoạch và hiện còn 2 cơ quan đã có phương  án nhưng chờ hồ sơ cấp phép. 31/63 địa phương thuộc diện phải quy hoạch thì còn chỉ 1 địa phương, cũng chờ cấp phép”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng cho biết, lịch trình hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đồng thời nhấn mạnh sau quy hoạch còn nhiều công việc khác như xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, chính sách hỗ trợ báo chí cũng sẽ tiếp tục phải làm.

Mạng xã hội Việt Nam tương đương mạng xã hội nước ngoài

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu về việc phát triển mạng xã hội của Việt Nam Lotus, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong những năm gần đây, các mạng xã hội của Việt Nam phát triển nhanh.

Mạng xã hội Việt Nam vẫn thua Facebook

Theo Bộ trưởng, nếu năm 2018 tổng số tài khoản các mạng xã hội của Việt Nam là 47 triệu, chỉ bằng 50% so với các mạng lớn của nước ngoài, thì đến nay các mạng trong nước đã đạt con số 96 triệu tài khoản, tương đương với số lượng các mạng xã hội nước ngoài (như Facebook).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, thời gian qua, số lượng xin cấp phép ra đời mạng ở Việt Nam lên đến 800.

Ông Hùng cũng nêu rõ, các mạng xã hội của Việt Nam là mạng tư nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước, phát triển thị trường ngách nên có “5-6 triệu tài khoản là cao rồi”.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ hỗ trợ và truyền thông, cơ chế chính sách. Hiện nay mạng Lotus đã có gần 3 triệu tài khoản, mạng Gato gần 6 triệu tài khoản.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, mạng xã hội trong nước có thể phát huy thế mạnh nền tảng chuyên ngành để phát triển thị trường ngách và xây dựng các mạng xã hội chuyên nghiệp, đa dịch vụ, kết hợp với thành toán di động, tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Mạng xã hội Lotus và chiến lược giúp Việt Nam hóa rồng

Ông Hùng cũng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt mạng xã hội Facebook. Theo đó, điểm khác biệt sẽ là chia sẻ doanh thu với người dùng, có công cụ lọc ngay từ đầu đảm bảo mạng xã hội sạch, công khai thuật toán với người dùng và cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ.

“Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, nêu ý kiến phản hồi về quan điểm của Bộ trưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông, nữ ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TP.HCM) cũng có tranh luận rằng, các mạng xã hội “Made in Vietnam” còn nhiều hạn chế, không nhiều hoạt động tương tác, thiếu hấp dẫn. Do đó, bà Thúy đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp phát triển các mạng xã hội này.

Đọc thêm:

Vì sao Việt Nam cần công nghệ 5G?

Thảo luận