Tuy nhiên, trước đó bà Thái Anh Văn đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Trump bởi vì chính trong thời gian ông ở Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã tăng cường các cuộc tiếp xúc với hòn đảo.
Các blogger Trung Quốc đã trách móc bà ấy đang cố gắng “gió chiều nào, che chiều ấy”. Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nhận xét rằng, vẫn chưa rõ việc đảng Dân chủ lên nắm quyền ở Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ với Đài Loan.
Kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2016, trong mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington đã có một số thay đổi, mặc dù về mặt chính thức Hoa Kỳ vẫn tuân thủ các nguyên tắc được xác định trong "Luật Quan hệ Đài Loan" năm 1979. Bản chất của những nguyên tắc này theo quan điểm của Mỹ là Hoa Kỳ thừa nhận CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Đồng thời, Washington nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ thừa nhận nhưng không chấp nhận lập trường này. Lập trường của Bắc Kinh là CHND Trung Hoa có chủ quyền hoàn toàn đối với Đài Loan, một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Mỹ cam kết thực hiện chính sách "một Trung Quốc". Tuy nhiên, với điều kiện là quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc rằng vấn đề Đài Loan chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Bằng cách này Hoa Kỳ duy trì cái gọi là "sự không chắc chắn chiến lược" - Mỹ không có cam kết chính thức nào với Đài Loan, nhưng cũng không phủ nhận điều đó.
Tuy nhiên, kể từ khi Hoa Kỳ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ đã theo một số quy tắc bất thành văn. Ví dụ, các cuộc tiếp xúc của các nhà chính trị và quan chức của Mỹ với các quan chức Đài Loan đã bị hạn chế nghiêm trọng. Về vấn đề buôn bán vũ khí, Hoa Kỳ cũng đã kiềm chế gia tăng bán vũ khí cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ.
Tình hình đã thay đổi sau khi Donald Trump lên nắm quyền. Trump gần như ngay lập tức phá vỡ quy tắc bất thành văn đầu tiên và tiến hành cuộc điện đàm với Thái Anh Văn. Ngoài ra, Nhà Trắng bắt đầu nói thường xuyên hơn về khả năng gia tăng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Cuối cùng, dưới thời Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan lần đầu tiên kể từ năm 1979.
Tất cả những hành động này đã gây ra sự phẫn nộ nghiêm trọng của Bắc Kinh. Để đáp trả việc bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty Mỹ, bao gồm Boeing Defense, Raytheon và Lockheed Martin. Sau chuyến thăm Đài Loan của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach, Bắc Kinh đã tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở eo biển Đài Loan và kêu gọi Hoa Kỳ “không đùa với lửa”.
Điều đáng chú ý là, theo dữ liệu có sẵn, số lượng vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Đài Loan dưới thời chính quyền Trump không vượt quá nhiều khối lượng giao dịch tương tự dưới thời Barack Obama. Trên thực tế, xu hướng gia tăng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã bắt đầu trước khi Trump nhậm chức. Mặt khác, không giống như Trump, đảng Dân chủ tuân thủ các thủ tục chính trị, vì vậy hành động của họ dễ đoán hơn. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Igor Denisov, chuyên viên cao cấp của Trường Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhận xét rằng, dưới thời Trump, nền tảng của mối quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi và dẫn đến thực tế là những thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan đã trở nên quen thuộc, và Nhà Trắng đã không chọn thời điểm thuận lợi để công bố tin bán lô vũ khí tiếp theo.
“Đường lối chính trị được đề ra trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 đã không thay đổi đáng kể dưới các chính quyền của Hoa Kỳ. Chỉ có những thay đổi không đáng kể trong chiến thuật chỉ ra những giới hạn trong mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Đài Bắc. Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan cả dưới chính quyền Obama của đảng Dân chủ và dưới chính quyền Trump của đảng Cộng hòa, các giao dịch lớn trong lĩnh vực này đã được thông qua. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ các thương vụ này. Dưới thời Trump, nền tảng quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi, điều đó dẫn đến thực tế là các giao dịch vũ khí đã trở nên quen thuộc, và Nhà Trắng không chọn thời điểm thuận lợi để công bố tin về lô vũ khí tiếp theo. Ngoài ra, Trump đã nâng cao tầm tiếp xúc chính trị giữa Mỹ và Đài Bắc. Biden có thể bãi bỏ một số quyết định trước đó, nhưng, tất cả những điều này sẽ phụ thuộc vào tình trạng mối quan hệ với Bắc Kinh. Các chuyên gia cho rằng, Biden nghiêng về thực hành "ngăn chặn thông minh" đối với Bắc Kinh, về mặt này, Đài Loan vẫn sẽ là một trong những đòn bẩy gây áp lực lên Trung Quốc. Tuy nhiên, xin nhắc lại rằng, Đài Loan đã là một phần quan trọng nhưng không phải là ưu tiên lớn nhất trong chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Obama, vì vậy những nỗ lực của Biden, giống như dưới thời Obama, rõ ràng sẽ tập trung vào nhiệm vụ rộng lớn hơn là duy trì vị thế vững chắc của Mỹ trong khu vực, chủ yếu thông qua việc củng cố các liên minh hiện có với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như phát triển quan hệ với các nước ASEAN và Ấn Độ".
Một mặt, Biden là nhà chính trị dễ đoán hơn đối với Bắc Kinh, vì các động thái chính sách đối ngoại của ông mang tính hệ thống hơn. Mặt khác, quan hệ Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ tổng thống Trump đã chuyển sang đối đầu chính trị, kinh tế và công nghệ, và xu hướng này không thể đảo ngược, - chuyên gia Andrei Karneev, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Trường nghiên cứu Kinh tế cao cấp (HSE), nhận xét. Theo ông, Biden có thể cố gắng giảm mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong các vấn đề chính.
“Dưới thời Trump đã có những bước ngoặc: lúc thì ông cho thấy chính sách "Một Trung Quốc" có thể bị đặt câu hỏi, sau đó, tại cuộc gặp với Tập Cận Bình, ông nói rằng Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bạn tốt của ông, và họ sẽ giải quyết mọi vấn đề. Bắc Kinh khó hiểu những tín hiệu đa hướng như vậy. Để chính sách của Biden mang lại sự khác biệt so với Trump, ông có thể cố gắng đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại bình thường. Đồng thời, Biden có thể khôi phục quan hệ với các đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ và sẽ bảo vệ mạnh mẽ hơn các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nói chung, nền tảng quan hệ Trung-Mỹ có thể sẽ êm dịu hơn. Tuy nhiên, đối với Biden, vấn đề nhân quyền là cơ bản, còn Trump chú ý hơn đến lợi ích kinh tế. Đài Loan sẽ cố gắng thiết lập quan hệ thân thiện nhất với chính quyền mới. Các đảng viên Đảng Dân chủ liên tục nhắc nhở rằng, trong quan hệ Mỹ-Trung không chỉ có những mâu thuẫn thương mại, Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc về các hành động tại Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Đảng Dân chủ liên tục nhấn mạnh rằng, Trump đã không thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề đó. Vì vậy, Đài Loan cũng hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ trong vấn đề này”.
Theo ông Karneev, yếu tố chính trị nội bộ Đài Loan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Washington và Đài Bắc. Trong quá trình lịch sử, Hoa Kỳ thích hợp tác chặt chẽ hơn với Quốc Dân Đảng, còn Dân Tiến Đảng (DPP) đã gây ra một số lo ngại. Mặc dù Quốc Dân Đảng thể hiện mong muốn hợp tác với Bắc Kinh, nhưng đây là một đối tác thuận tiện và dễ đoán hơn đối với Hoa Kỳ.
“Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã làm việc với Quốc dân đảng, mà chính đảng này công nhận Nguyên tắc Một Trung Quốc. Khi DPP lên nắm quyền trên hòn đảo vào năm 2000, do Trần Thủy Biển lãnh đạo, người cầm quyền cho đến năm 2008, Hoa Kỳ trở nên thận trọng hơn trong sự hợp tác với Đài Loan. Mỹ đã lo ngại rằng những hành vi đột ngột của DPP sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung rơi vào khủng hoảng. Và Hoa Kỳ, bất chấp nguyên tắc chiến lược không chắc chắn, không muốn tham gia vào cuộc xung đột quân sự vì Đài Loan. Sau khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền, Hoa Kỳ một lần nữa tăng cường hợp tác với Đài Bắc. Tổng thống Đài Loan đương nhiệm được Washington coi là đối tác giàu kinh nghiệm hơn Trần Thủy Biển, nhưng kém ổn định hơn so với Mã Anh Cửu”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Karneev, nhiều nguyên nhân nội bộ Đài Loan đã làm suy yếu Quốc dân đảng, và Dân Tiến Đảng là một thực tế chính trị mới trên hòn đảo và sẽ còn tồn tại ít nhất trong vài năm nữa. Vì vậy, trong những năm tới, Mỹ sẽ cố gắng duy trì thế cân bằng: duy trì quan hệ với Đài Loan, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định để không gây ra căng thẳng quá mức trong quan hệ với Bắc Kinh.