Liệu Biden có thể lôi kéo Hàn Quốc cùng chống Trung Quốc

Sau cuộc điện đàm gần đây của Joe Biden với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc tràn ngập cụm từ "một trụ cột trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Sputnik

Bằng cách này, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ, người tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, đã xác định vị trí của Hàn Quốc trong việc đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong khu vực này.

Tổng thống Hàn Quốc trên Twitter bày tỏ hy vọng hợp tác với Biden

Bản thân định nghĩa này không phải là mới. Tuy nhiên, điều đó khiến các nhà quan sát cảnh giác, bởi vì chính quyền Donald Trump cũng cho rằng, Hàn Quốc giữ vị trí then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Trump không giấu giếm rằng, họ đang xây dựng một liên minh mới để kiềm chế Trung Quốc. Cụm từ này cũng đã được sử dụng trong cuộc hội đàm gần đây giữa ngoại trưởng hai nước ở Washington, vì thế các phương tiện truyền thông rút ra kết luận rằng, Biden sẽ tiếp tục chính sách lôi kéo Seoul vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Ban Thư ký của Tổng thống Hàn Quốc thậm chí phải giải thích thêm rằng, Joe Biden đã đề cập đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ riêng theo nghĩa địa lý, và điều này không liên quan gì đến chiến lược của chính quyền hiện tại. Không có dấu hiệu nào về việc hình thành một mặt trận chống Trung Quốc, và sẽ là sai nếu đối chiếu việc Tổng thống Moon đề cập đến "hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên" với việc ông Biden tập trung vào Trung Quốc. Ngoài ra, đây là cuộc trò chuyện đầu tiên của họ, và sẽ là sai lầm nếu đưa ra những kết luận dứt khoát từ những gì họ nói.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại đối thoại

Tuy nhiên, trước cuộc điện đàm này, Joseph Biden đã quyết định tham dự lễ tưởng niệm Ngày Cựu chiến binh tại Khu tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên, mà đây là sự kiện công khai đầu tiên sau cuộc bầu cử. Bằng cách này ông Biden nhắc nhở về việc thực thi các cam kết trong liên minh quân sự với Hàn Quốc. Điều này mang tính biểu tượng nếu so sánh với lời tuyên bố gần đây của Tập Cận Bình về cuộc chiến tranh "chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Sự cần thiết phải tăng cường các liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được ông Biden nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với thủ tướng của hai đồng minh quân sự lớn khác của Mỹ - Nhật Bản và Australia.

Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc được Sputnik phỏng vấn đều cho rằng, dưới thời tổng thống đảng Dân chủ, Hoa Kỳ sẽ đưa ra những thay đổi vào đường lối cứng rắn chống Trung Quốc.

"Tôi thậm chí khó tin rằng, trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Moon Jae-in, Biden đã đề cập đến Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứ không phải đến một thuật ngữ như “tái cân bằng 2.0”. Tất nhiên, Biden sẽ tiếp tục kiềm chế Trung Quốc dựa trên vũ lực, nhưng, không giống như Trump, ông sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề ngoại giao và an ninh thông qua đối thoại và đàm phán, ví dụ, thông qua Đối thoại Chiến lược và Kinh tế. Rõ ràng là, ông Biden sẽ tìm cách dẫn đầu, nhưng, không giống như chính sách một chiều của Trump, ông sẽ chọn những phương pháp kiềm chế ổn định thông qua các thể chế quốc tế và ngoại giao đa phương", - giáo sư Lee Hochhol tại Đại học Incheon, cựu chủ tịch Hiệp hội các vấn đề quốc tế Hàn Quốc cho biết.

Vì thế các chuyên gia dự đoán rằng, các tranh chấp thương mại và những khác biệt khác sẽ được giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định Khí hậu Paris, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn An ninh Khu vực và những diễn đàn khác mà Hoa Kỳ có thể tổ chức để gây áp lực tập thể lên Trung Quốc. Đồng thời, sẽ không có các hành động đơn phương, chẳng hạn như việc đòi hỏi Hàn Quốc trả thêm tiền để duy trì quân đội Mỹ hoặc đe dọa rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.

"Nếu Trump nhìn nhận liên minh Mỹ-Hàn dưới góc độ lợi và hại, ưu tiên vô điều kiện là lợi ích của bản thân, thì Biden lại xem đây là một liên minh dựa trên sự tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, nhân quyền, v.v. Nhưng, quan điểm này có thể tác động tiêu cực đến Hàn Quốc. Nếu Biden lên nắm quyền, ông có thể thúc giục chính phủ Hàn Quốc phải giữ lập trường rõ ràng về nhân quyền không chỉ ở Triều Tiên, mà còn ở Hong Kong, Khu tự trị Tân Cương. Do đó, theo quan điểm của tôi, ngay từ bây giờ Hàn Quốc nên chuẩn bị cho sự hạ cánh mềm mại trong quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc, nên giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc", - giao sư Lee Hochhol nói.

Chuyên gia Lee Chongchol, giáo sư khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Soongsil cũng cho rằng, chắc là Biden sẽ không áp dụng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở hình thức hiện tại.

"Ấn Độ thậm chí không nằm trong số các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Do đó, trong khi thúc đẩy CPTPP, không thể đồng thời theo đuổi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà không thay đổi bất cứ điều gì trong chiến lược này", - giáo sư Lee nói.

Theo ông, 70% chuyên gia ngoại giao và an ninh từ hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, đều cho rằng, Trump chỉ đơn giản không đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, vì vậy, sau khi Biden lên nắm quyền, thế giới sẽ trở lại trật tự cũ dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc. Nhưng, không nên vui mừng sớm!

Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ hoãn cuộc tập trận chung do coronavirus
"Trump khá thô lỗ, nhưng thẳng thắn đại diện cho lợi ích của Hoa Kỳ. Đến lượt mình, Biden cũng không thể không nói về lợi ích của Mỹ. Đồng thời, Hoa Kỳ không còn đủ sức để lãnh đạo và dẫn dắt các liên minh đầy đủ giá trị. Rất có thể Biden, người có cơ hội trở thành vị Tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ, sẽ ra đi chỉ sau một nhiệm kỳ cầm quyền. Nhiệm kỳ của ông sẽ phục vụ mục đích xoa dịu tâm trạng của công chúng Mỹ đang bị chia rẽ sau các cuộc biểu tình bầu cử. Ông sẽ tập trung vào chính sách nội bộ. Ngoài ra, nếu Đảng Dân chủ không giành được thế đa số tại Thượng viện, thì Biden sẽ liên tục gặp nhiều trở ngại", - nhà khoa học nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về triển vọng phát triển quan hệ liên Triều dưới thời Tổng thống Biden, ông Lee Chongchol lưu ý rằng, chính quyền mới sẽ mất ít nhất một năm để sửa đổi chính sách đối với CHDCND Triều Tiên.

"Trong thời gian này, trong quan hệ Mỹ-Triều có thể có những biểu hiện của sự đối đầu dưới những hình thức khác nhau. Ví dụ, Bình Nhưỡng có thể lợi dụng cuộc tập trận quân sự (thường niên) vào tháng 3 hoặc một lý do khác để vượt qua các lằn ranh đỏ. Trong trường hợp này Seoul sẽ có cơ hội phát huy vai trò của mình trong việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên", - giáo sư Lee Chongchol kết luận.
Thảo luận