Đồng thời, các hạn chế mới của Mỹ có thể trở thành động lực mới cho sự phát triển công nghệ ngày càng nhanh của Trung Quốc, các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn cho biết.
Lệnh cấm của Trump là dấu hiệu gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại
Ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty Trung Quốc có thể liên quan đến tổ hợp quân sự. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 11 tháng 1 năm 2021, tức là vài ngày trước khi nhiệm kỳ tổng thống của Trump kết thúc. Theo văn bản, các nhà đầu tư phải bán hết tài sản tại các công ty bị cấm trước ngày 11/11/2021.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, lệnh cấm áp dụng cho các công ty viễn thông, hàng không vũ trụ và xây dựng. Tổng cộng, chúng ta đang nói về 31 công ty. Theo cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, ý kiến của ông được Reuters trích dẫn, giá trị vốn hóa thị trường của các công ty Trung Quốc này và các công ty con của họ ít nhất là 500 tỷ USD. Ông Navarro nói rằng lệnh cấm này là nhằm "bóp chết vốn của Mỹ hoạt động vì lợi ích quân sự hóa Trung Quốc".
Trong khi đó, cái gọi là “liên quan với quân đội” là một khái niệm mơ hồ. Trong trường hợp này, rõ ràng nó đang được sử dụng để tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chứ không phải vì lợi ích an ninh quốc gia, như các quan chức Mỹ tuyên bố.
Trump tiếp tục chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Lệnh cấm làm việc với các công ty Trung Quốc có thể liên quan đến tổ hợp quân sự là sáng kiến lớn đầu tiên của Trump sau bầu cử. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết quả kiểm phiếu chính thức, rõ ràng là ông đang cố gắng sử dụng những tháng cuối cùng ở Nhà Trắng để tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia Nikita Maslennikov của Trung tâm Công nghệ Chính trị cho biết:
"Đây là sự tiếp nối của toàn bộ trò chơi chính trị và thương mại trong quan hệ Trung-Mỹ, vốn không phải do phía Trung Quốc khởi đầu. Chúng ta đang nói về biện pháp bảo hộ, về sự can thiệp “thủ công” vào các quan hệ thị trường. Đây là sự tiếp nối các sự kiện gắn liền với cuộc chiến thương mại. Đồng thời đây là tín hiệu gửi cho các nhà chức trách Trung Quốc. Kiểu như, đừng thư giãn, mặc dù Biden đã đến, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ đưa ra những rào cản mà trước tiên ông ấy sẽ phải loại bỏ, và chỉ sau đó mới hình thành chiến lược mới. Đồng thời, đây là tín hiệu của Trump đối với giới tinh hoa Mỹ. Kiểu như, chúng tôi sẽ tiếp tục đường lối của mình. Đây là lời nhắn gửi cho chính quyền Biden rằng nếu ông là tổng thống, ông sẽ phải hành động theo hướng đó. Rõ ràng chấm dứt chiến tranh thương mại là một quá trình lâu dài và có rất ít hy vọng kết thúc trong 4 năm tới. Có thể, giai đoạn này sẽ được đánh dấu bằng việc Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm một số giải pháp và biện pháp thỏa hiệp, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để tin rằng không khí chính trị và thương mại trong quan hệ giữa hai nước sẽ ấm lên rõ rệt".
Chuyên gia Alexey Biryukov tại Trung tâm Chính sách Khoa học và An toàn Thông tin Quốc tế thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), cho biết nỗ lực ngăn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc là bài toán sai lầm lớn về mặt chiến lược:
"Thời kỳ mà Mỹ thống trị triệt để trong nền kinh tế thế giới, khi mà WTO được Mỹ tạo ra với sự hỗ trợ của các đồng minh nhằm mang lại lợi thế cho Mỹ, củng cố vị thế của họ trên thế giới, đã vĩnh viễn không còn nữa. Bây giờ tình hình đã thay đổi. Mỹ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, và những đối thủ nặng ký có thành tựu mạnh mẽ. Làm thế nào để đối phó với đối thủ cạnh tranh nếu cuộc cạnh tranh đó không diễn ra qua các phương pháp thị trường? Về mặt chính trị. đây là những gì bây giờ chúng ta đang thấy. Trung Quốc có những lợi thế thương mại so với Mỹ. Do đó, Mỹ buộc phải sử dụng các công cụ chính trị để đảm bảo lợi thế kinh tế cho mình với lý do cao cả là bảo vệ an ninh quốc gia trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, tất nhiên, điều đó có thể làm cho sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc chậm lại một chút. Nhưng cuối cùng, các lệnh cấm sẽ kích thích sự phát triển tiên tiến độc lập của Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Mỹ cần học cách suy nghĩ chiến lược, và bây giờ họ dường như đang thực hiện động thái chiến thuật có lợi, mặc dù trên thực tế đó là một sai lầm chính trị lớn".
Thị trường chứng khoán toàn cầu có thể phản ứng bằng một số biến động
Các nhà đầu tư lớn thế giới đã phát triển khả năng miễn nhiễm đối với các quyết định bất ngờ của Trump, do đó, biện pháp mới của Tổng thống Mỹ sẽ không có bất kỳ tác động mạnh nào đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Hơn nữa, Trung Quốc đang tích cực mở cửa thị trường tài chính cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nikita Maslennikov nói:
"Thông tin từ Mỹ được thị trường coi là tin xấu cho các nhà đầu tư. Đương nhiên, đó là lý do khiến thị trường chứng khoán gia tăng biến động và các công cụ thị trường phải có những điều chỉnh nhất định. Đồng thời, các nhà đầu tư không quá coi trọng tài sản hiện tại ở Trung Quốc mà Trump đang buộc các công ty Mỹ thu hồi. Điều quan trọng hơn nhiều đối với các nhà đầu tư là hiện nay toàn bộ thị trường tài chính nội địa Trung Quốc với quy mô khổng lồ đang mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Kinh không ngừng mở rộng danh sách các công cụ tài chính sinh lời mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng để hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng với tốc độ rất nhanh, và các lệnh cấm của Trump sẽ không ngăn cản được nguồn tài chính đổ vào các công ty công nghệ Trung Quốc".
Biden vẫn chưa vạch ra chiến lược cụ thể của mình về Trung Quốc, có nghĩa là hoàn toàn chưa rõ ông ta sẽ làm gì với "di sản Trung Quốc" của Trump. Chính sách Trung Quốc của Trump đã trở nên đối đầu hơn trong những tháng gần đây, làm cho tương lai quan hệ Trung-Mỹ càng thêm khó đoán.