Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, với phương châm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Sputnik

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đang diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam tổ chức trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN. Mục đích của hội nghị này là đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm của ASEAN. Hội nghị cũng sẽ đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo các đối tác quan trọng của ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Hòa bình ở Biển Đông, ký RCEP và xét mở lại lối đi chung

Việt Nam kết thúc năm chủ tịch ASEAN như thế nào? ASEAN đã thể hiện mình như thế nào trong năm 2020 đầy biến động và phức tạp?

Việt Nam xuất sắc dẫn dắt ASEAN vượt qua hàng loạt thử thách trong năm 2020

2020 là một năm đặc biệt đối với ASEAN nói chung và đầy thách thức đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN nói riêng. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và hoạt động của khu vực và toàn thế giới. Đối với Việt Nam, năm Chủ tịch 2020 là một cơ hội đồng thời là một trách nhiệm gấp đôi khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của Hiệp hội, phần lớn các hội nghị các cấp của ASEAN phải họp trực tuyến, kể cả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6/2020 và Hội nghị Ngoại trưởng AMM 53 và các hội nghị liên quan tháng 8/2020 vừa qua. Đây là hình thức hoàn toàn mới, nhất là đối với các hội nghị Cấp cao, nên không tránh khỏi nhiều lúng túng và bỡ ngỡ đối với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN và các đối tác phát triển khác".

"Tuy nhiên, chúng ta vui mừng nhận thấy, theo đánh giá của các nước thành viên ASEAN cũng như các nhà quan sát chính trị quốc tế và dư luận báo chí khu vực và quốc tế, thì cho đến nay Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, với phương châm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, và để lại nhiều dấu ấn quan trọng”, - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh phát biểu với Sputnik.

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong một năm có nhiều biến động bất thường và khó lường như sự cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa các nước lớn đang ngày càng khốc liệt, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang và chưa biết hồi kết; đại dịch COVID-19 không chỉ làm xuất hiện vấn đề an ninh sức khỏe và y tế toàn cầu mà còn làm đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng chiến lược của cả thế giới, kéo lùi kinh tế thế giới hàng thập kỷ; những nguy cơ đe dọa hoà bình, ổn định trong khu vực cũng như trên toàn cầu không những không giảm bớt mà còn có chiều hướng tăng lên, dẫn tới nguy cơ một cuộc “Chiến tranh lạnh thứ hai”…

“Trong điều kiện ấy, Việt Nam đã làm rất tốt vai trò dẫn dắt ASEAN vượt qua hàng loạt thử thách và có nhiều sáng kiến quan trọng được coi như những điểm nhấn rất có trọng lượng".

Biển Đông vẫn là thách thức, các nước ASEAN phải đoàn kết và tin cậy nhau
"Trước hết, Việt Nam đã chọn một chủ đề có tính chiến lược là “GẮN KẾT VÀ THÍCH ỨNG”. Chủ đề này đã chứng tỏ tính kế thừa cũng như tính dự báo rất cao trong các vấn đề chiến lược cốt lõi nhất. Sự GẮN KẾT chính là tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu “Cộng đồng Chính trị-An ninh” (APSC), có sức chi phối rất mạnh mẽ tới hai mục tiêu Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC). Còn THÍCH ỨNG là sự linh hoạt, uyển chuyển trong xử lý các tình huống bất thường, khó lường trong điều kiện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như những vấn đề an ninh phi truyền thống đang dần dần hiện hữu, tạo ra những nguy cơ đe dọa mới đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. THÍCH ỨNG còn có nghĩa là nhạy bén, chuẩn bị đón trước thời cơ, nắm vững thời cơ thuận lợi để đột phá và vươn lên mạnh mẽ".

"Điểm nhấn thứ hai là “5 hành động ưu tiên” do Việt Nam đề xuất nhằm thực hiện chủ đề GẮN KẾT VÀ THÍCH ỨNG”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

“Với việc lựa chọn chủ đề cho ASEAN năm 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định đối với sự vững bền của ASEAN. Chỉ khi chúng ta có một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển thì chúng ta mới có thể chủ động thích ứng hiệu quả đối với những tác động của những thay đổi nhanh và mạnh mẽ của thế giới bên ngoài và ngược lại; chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể, sự kiên cường bền bỉ của cả Hiệp hội và mỗi thành viên”, - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh nói với Sputnik.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm được nhiều việc và "thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch.

Theo đánh giá chung, Việt Nam đã hoàn thành tốt trách nhiệm trong bối cảnh rất khó khăn. Việt Nam đã tổ chức tất cả các hoạt động liên quan đến trách nhiệm của chủ tịch. Đây thực sự là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.  Các hoạt động và sáng kiến của Việt Nam gắn liền với bối cảnh thực tiễn, trong đó có việc chung tay phòng chống và tìm các biện pháp chung sống với COVID-19; các giải pháp phục hồi kinh tế và các vấn đề các nước ASEAN quan tâm, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác.

“Bằng việc tổ chức tốt các hoạt động này, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm kết nối của ASEAN, do vậy được lãnh đạo các nước đánh giá cao, thể hiện qua chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản Suga ngay sau khi nhận chức và là nước đầu tiên đi thăm, của bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Mỹ, Anh, của chủ tịch quốc hội Hàn Quốc... Việt Nam cũng đi đầu trong việc kết nối kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Điều đó không những giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2019, mà còn là điểm khởi đầu cho việc thiết lập lại các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19".

"Cùng với chính phủ, Quốc Hội Việt Nam cũng đã thể hiện tốt vai trò là chủ tịch AIPA góp phần thắt chặt mối quan hệ với các nước”, - Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu với Sputnik.

Tướng Việt Nam: Nguy cơ va chạm ở Biển Đông cao, là láng giềng, nên kiềm chế

Thích ứng và ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19 cũng là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Việt Nam trên cương vị chủ tịch ASEAN trong năm nay.

Ngay từ khi dịch bệnh do virus SARS-COV-2 mới phát sinh ở Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã triệu tập Hội nghị bàn về các hành động khẩn cấp ngăn chặn đại dịch, chuyển hầu hết các hội nghị, các cuộc họp của ASEAN từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến một cách ngoạn mục dựa trên sự phát triển cao về công nghệ kỹ thuật số của chính mình. Vì vậy, số lượng hội nghị, cuộc họp bị hoãn, hủy vì nguyên nhân dịch bệnh đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Qua đó, vẫn bảo đảm được các mối liên hệ gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong một loạt các hành động phối hợp cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu, bất chấp sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh và tiết kiệm nhiều kinh phí.

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020
“Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã biểu dương sự chuẩn bị chu toàn, kỹ lưỡng của Việt Nam và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53. Kết quả đáng kể nhất của sự “thích ứng với đại dịch” là việc thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN và thành lập Kho vật tư y tế dự phòng khẩn cấp khu vực. Sáng kiến này của Việt Nam được cộng đồng ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung đánh giá rất cao”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

“Có thể nói chúng ta đã thích nghi nhanh và thành công với thực tế mới, “new reality, new normal”, không để hợp tác ASEAN bị gián đoạn, kể cả những nội dung và lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như an ninh, ổn định ở khu vực, bao gồm cả những vấn đề như Biển Đông, DOC và tiến trình đàm phán COC, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực, ...”, - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh bình luận với Sputnik.

ASEAN đã thể hiện sự gắn kết và vai trò ngày càng tăng

 “Theo đánh giá chung, tác động của đại dịch Covid-19 sẽ vượt xa mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, ASEAN đã không chịu gục ngã trước tai họa bất ngờ này. Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN đã cùng các thành viên nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Phản ứng nhanh và hiệu quả trong phòng chống Covide 19 là một trong những thành tích nổi bật của ASEAN”, - Đại sứ Vũ Quang Minh bình luận với Sputnik.

Rõ ràng rằng, bằng những hành động thực tiễn có hiệu quả góp phần bảo vệ đời sống của người dân trước tác hại của đại dịch COVID-19 các nước ASEAN đã thể hiện sự gắn kết và vai trò ngày càng tăng.

Covid-19 và Biển Đông: Việt Nam cho cả thế giới thấy sức mạnh của ngoại giao khôn ngoan
“ASEAN đã trở nên gắn bó hơn với vai trò là một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong cuộc chống đại dịch. Những điểm đồng này đã làm cho ASEAN gắn kết hơn và mạnh mẽ hơn”, - Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói với Sputnik.

Về kinh tế, mặc dù một số nước ASEAN chịu thiệt hại đáng kể do đại dịch COVID-19, nhưng do chính sách kiểm soát dịch bệnh đặt trọng tâm vào phòng ngừa từ sớm, từ xa do Việt Nam dẫn dắt, ASEAN vẫn là khu vực có nhiều cơ hội sớm phục hồi kinh tế so với nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới.

“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang trở thành thị trường thu hút đầu tư khi các dòng vốn đầu tư của thế giới đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc”, - Nhà phân tích những vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.

Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, trong năm 2020, vai trò quốc tế của ASEAN đã gia tăng đáng kể. ASEAN vẫn đạt được sự đồng thuận rất cao về những vấn đề tối quan trọng có liên quan đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Không ít những ngòi nổ xung đột đã được hóa giải và tháo gỡ, không để những mâu thuẫn phát triển thành xung đột vũ trang. Xu thế đối thoại và hợp tác được tăng cường. Nguy cơ xung đột tuy vẫn còn nhưng đã bị hạn chế bởi xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao. Những hành động cạnh tranh lợi ích của các nước lớn trong khu vực đã không lay chuyển được lập trường trung lập của ASEAN.

Với việc đưa vấn đề Biển Đông ra diễn đàn Liên Hợp Quốc, ASEAN đã chứng tỏ mình đang là ông chủ đích thực của Biển Đông và chỉ cho phép các nước khác sử dụng Biển Đông vào mục đích hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, ngăn chặn những âm mưu độc chiếm và đối đầu giữa các nước lớn.

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020
“Chúng ta có thể thấy tiến trình tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã trở thành một tiến trình không thể đảo ngược và đang được hiện thực hóa, bất chấp một số thế lực nước lớn vẫn đang cố tình phá hoại tiến trình đó”, - Nhà phân tích những vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nói với Sputnik.

Bất chấp những mâu thuẫn do thể chế chính trị khác nhau, lợi ích ở Biển Đông khác nhau… ASEAN vẫn có tiếng nói chung. Biểu hiện rõ nhất là đề cao mục tiêu xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng; đồng thời khuyến khích các quốc gia ngoài khu vực tham gia vào tiến trình này trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.

Quân sự hóa, đòi chủ quyền ở Biển Đông: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lên tiếng
“Từ năm 2020 về sau, có thể nhận thấy rằng ASEAN đang dần trở thành một hình mẫu về một cộng đồng các quốc gia không phải là cường quốc như lại có sự đoàn kết để tạo nên một sức mạnh đáng kể. Sức mạnh ấy lại không nhằm mục đích chinh phục ai, bắt nạt ai mà được sử dụng cho mục đích xây dựng hòa bình, ổn định, bình đẳng, phát triển và thịnh vượng”, - Nhà phân tích những vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ bế mạc vào ngày 15/11. Trong khuôn khổ của Hội nghị, dự kiến sẽ có 20 cuộc họp quan trọng và nhiều hội nghị cấp cao liên quan.  Đặc biệt, Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi sẽ được công bố. Điều này thể hiện nỗ lực của các nước ASEAN trong việc chung tay ứng phó và vượt qua dịch bệnh COVID-19. Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 sẽ xem xét số lượng văn kiện ‘kỷ lục’, với khoảng hơn 80 văn kiện dự kiến sẽ được thông qua.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và biến động, ASEAN đang thể hiện vai trò trung tâm của mình trong đối thoại, hợp tác khu vực và phát triển bền vững.

Thảo luận